Trách nhiệm, vai trò của người soạn thảo, cơ quan soạn thảo và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân

Đăng ngày: 15/08/2011
Trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không thể phủ nhận vai trò của người soạn thảo, với tư cách là người “chắp bút”, người đặt những “viên gạch” đầu tiên để xây dựng “nền móng” cho những dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Tại sao cần thiết phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của người soạn thảo văn bản? Vì nếu các quyết định được ban hành một cách vội vã, thiếu cơ sở thực tế thì tính khả thi của văn bản sẽ rất thấp. Người soạn thảo có trách nhiệm là người biết đầu tư thời gian, công sức cho việc chuẩn bị một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trước hết, họ phải biết các nguồn để tiến hành nghiên cứu mới cho từng dự thảo văn bản. Dưới đây là một số nhiệm vụ đồng thời cũng thể hiện vai trò của người soạn thảo (cơ quan soạn thảo, cơ quan ban hành) văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

* Căn cứ vào các yêu cầu, nguyện vọng của đối tượng bị quản lý:

Nếu việc xây dựng văn bản chỉ căn cứ vào các yêu cầu, nguyện vọng của nhà quản lý mà không tính đến nguyện vọng của đối tượng bị quản lý (người dân và các đối tượng sẽ chịu sự tác động trực tiếp của văn bản) thì dù văn bản có được soạn thảo kỹ lưỡng hay được chuẩn bị đầy đủ, văn bản đó vẫn luôn luôn thiếu căn cứ thực tiễn và văn bản được ban hành sẽ thiếu tính khả thi hoặc không có hiệu quả cao trên thực tế. Để khắc phục những hạn chế này, trước khi soạn thảo, người soạn thảo phải có những đánh giá, tổng kết thực tiễn hoạt động quản lý, tình hình thi hành pháp luật, đồng thời căn cứ vào nhu cầu quản lý cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; thậm chí phải tham khảo, lấy ý kiến của nhân dân trước khi soạn thảo, ban hành văn bản.

Cần lưu ý, quan điểm của người soạn thảo dù rất quý báu và xuất phát từ kinh nghiệm quản lý nhà nước nhưng kinh nghiệm ấy vẫn chủ yếu mang tính chất cá nhân mà chưa phải là một cách nhìn có hệ thống và bài bản nhằm giải quyết một cách căn bản những vấn đề kinh tế, xã hội do thực tiễn đặt ra. Điều này đặc biệt đúng khi kinh nghiệm đó chưa được kiểm nghiệm qua thực tế, thông qua việc đánh giá kết quả thu được, lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân.

* Chuyển tải các chủ trương, chính sách của Nhà nước thành văn bản quy phạm pháp luật

Với vai trò của mình trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật - từ một ý tưởng cho đến khi trình cơ quan có thẩm quyền - nhà soạn thảo không chỉ có nhiệm vụ chuyển chính sách đến công chúng mà còn phải thiết kế được nội dung hành động của chính sách này.

Trước sứ mệnh to lớn ấy, người soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương đều phải có năng lực. Thứ nhất, họ phải biết chuyển hóa các chính sách thành văn bản để giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề xã hội của địa phương theo cách thức thích hợp để đảm bảo quản lý nhà nước tốt; thứ hai, họ phải xây dựng được văn bản với ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng nhưng phải phù hợp với pháp luật hiện hành. Điều này đòi hỏi người soạn thảo không chỉ hiểu một cách đầy đủ về pháp luật, mà còn phải hiểu các thông tin thiết yếu về tình hình thực tế tạo nên các hành vi cần thay đổi, trên cơ sở đó tìm ra được các quy định nhằm thay đổi các hành vi xử sự đó. Sau đó, người soạn thảo phải biết sử dụng các thông tin đó để trình bày một cách hợp lý rằng các văn bản của họ có khả năng thực thi và giải quyết các vấn đề xã hội theo cách thức tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý tốt.

* Mở rộng sự tham gia của các thành phần dân cư trong việc hoạch định chính sách pháp lý

Để bảo đảm mối quan hệ giữa nhà nước và công dân không còn là mối quan hệ giữa người quản lý và người bị quản lý theo chiều hướng quá nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước thì vai trò năng động, tích cực của xã hội, trong đó có các tác nhân xã hội, là vô cùng quan trọng. Chúng ta vẫn biết rằng, các tác nhân xã hội có vai trò không thể thay thế. Do đó, cần mở rộng sự tham gia của các thành phần dân cư trong việc hoạch định chính sách pháp lý. Việc phát huy vai trò năng động, tích cực của xã hội, các tác nhân xã hội trong quá trình xây dựng các chính sách của nhà nước: nhân dân phát hiện nhu cầu ban hành văn bản, xác định nội dung cơ bản, kể cả các biện pháp tác động cụ thể của nhà nước đối với các quan hệ xã hội. Trong điều kiện hiện nay, bằng các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, người dân dễ dàng sử dụng hệ thống Internet để đề xuất sáng kiến xây dựng văn bản, kể cả dự kiến các biện pháp quản lý thích hợp của nhà nước. Mặc khác, các tổ chức đoàn thể, các hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc lấy ý kiến của các nhóm công dân hoạt động, sinh hoạt trong tổ chức đó. Thông qua các đoàn thể xã hội người dân được thể hiện ý chí của mình …

Điểm cần lưu ý là môi trường tác động của các quyết định của nhà nước không phải là một môi trường bất biến mà trái lại, luôn ở trong trạng thái vận động theo nhiều chiều hướng khác nhau. Vì vậy, cần phải tìm hiểu kỹ để hình thành tri thức về môi trường đó trước khi ban hành quyết định. Các hoạt động của nhà nước sẽ có hiệu quả hơn khi nhà nước biết lắng nghe ý kiến của công dân và hợp tác với họ trong việc quyết định và thực thi chính sách công …

* Xây dựng, ban hành quyết định rõ ràng, công khai, không mập mờ

Quyết định ban hành phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với chính các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước cũng như đối với các thành phần kinh tế, xã hội khác. Chính sách pháp lý phải được hoạch định rõ ràng, định hướng dài hạn, dự liệu được những biến chuyển trong tình hình kinh tế, xã hội. Bởi vậy, các cơ quan nhà nước phải phối hợp với các tác nhân để hoạch định ra những chính sách đồng bộ, tổng thể, thống nhất, bảo đảm cho các chính sách đó được thực hiện nghiêm chỉnh.

Như vậy, hoạch định chính sách pháp lý trong giai đoạn tiền soạn thảo là một khâu quan trọng, đòi hỏi phải có sự phối hợp với các tác nhân kinh tế, xã hội trên cơ sở lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân, đánh giá một cách có hệ thống những chính sách được ban hành. Thông qua đó, các nhà hoạch định chiến lược có thể tính được những khoảng thời gian hợp lý, đủ dài để thực hiện các chính sách của mình …

Sĩ Tiến