Giám sát của Tổ đại biểu HĐND với các quy định của pháp luật hiện hành

Đăng ngày: 15/08/2011
Luật tổ chức HĐND&UBND và Quy chế hoạt động của HĐND đều dành riêng một chương để quy định về hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND nhưng không quy định về giám sát của Tổ đại biểu. Trong thực tế, nếu Tổ đại biểu HĐND tổ chức đoàn giám sát về một vấn đề nào đó trên địa bàn ứng cử có được phép hay không, đây là vấn đề cần được nghiên cứu.
Tổ đại biểu đơn vị Long Khánh trong một buổi giám sát
Nhiều đại biểu cùng một địa bàn ứng cử sẽ tập hợp thành Tổ đại biểu. Các quy định hiện hành không cho phép Tổ đại biểu sử dụng con dấu của HĐND do đó các văn bản của Tổ đại biểu (chủ yếu là các biên bản thảo luận, báo cáo họp tổ) chỉ có chữ ký của Tổ trưởng. Vấn đề đặt ra là giám sát của Tổ đại biểu sẽ gặp trợ ngại về tính pháp lý của quyết định thành lập đoàn giám sát tuy nhiên nếu vận dụng một cách linh hoạt các quy định của pháp luật hiện hành thì vẫn tìm ra hướng tháo gỡ.

Điều 42 Luật tổ chức HĐND&UBND quy định: “Đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân kịp thời chấm dứt những việc làm trái pháp luật, chính sách của nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan, tổ chức đó”. Bên cạnh đó thì đại biểu chính là những người thực hiện 5 quyền giám sát của HĐND đã được quy định tại điều 58 của Luật. Như vậy, bản thân mỗi đại biểu đều có quyền giám sát theo quy định của Luật thì một tập hợp các đại biểu trong một khu vực ứng cử cũng sẽ có quyền tổ chức đoàn giám sát, suy luận này có tính logic và việc thực hiện là không trái với quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, quy định: “Tổ đại biểu HĐND họp ít nhất mỗi quý một lần để bàn kế hoạch công tác” cần được vận dụng linh hoạt, nếu không hoạt động của Tổ đại biểu có thể sẽ chỉ là hình thức. 

Theo thông tin được biết thì trong thời gian qua, thành phố Hà Đông của Thủ đô Hà Nội (trước thuộc tỉnh Hà Tây) cũng đã tổ chức hình thức giám sát theo đoàn của Tổ đại biểu; tại Đồng Nai việc thí điểm này cũng được triển khai từ đầu năm 2008. Tuy thuộc hai cấp khác nhau và ở các địa phương khác nhau nhưng tỉnh Đồng Nai và thành phố Hà Đông đều thực hiện trình tự sau: Trước khi tổ chức đoàn giám sát Tổ đại biểu họp thống nhất sau đó Tổ trưởng phải báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh về dự kiến nội dung, thành phần, thời gian, địa điểm giám sát cụ thể; Sau khi được sự nhất trí của Thường trực HĐND tỉnh (thông qua việc Ban hành quyết định thành lập đoàn) các Tổ đại biểu HĐND tiến hành giám sát. Sau giám sát, các Tổ đại biểu có văn bản báo cáo Thường trực HĐND về kết quả giám sát, những đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, những giải pháp giúp đơn vị được giám sát hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh ban hành  Thông báo kết quả giám sát gửi các thành phần có liên quan để thực hiện.

Qua hai quý hoạt động, đến nay ba Tổ đại biểu có tổ chức thí điểm (Long Khánh, Long Thành và Xuân Lộc) của tỉnh Đồng Nai đã tổ chức 07 cuộc giám sát về những vấn đề có thể nói là xa tầm của HĐND cấp huyện nhưng HĐND cấp tỉnh cũng khó thực hiện do không thể tổ chức giám sát đến từng địa phương. Thông qua hình thức giám sát này, tạo điều kiện cũng như động lực tác động để Tổ đại biểu và đại biểu hoạt động thường xuyên, hiệu quả thiết thực hơn, không thụ động chờ đến trước và sau kỳ họp mới tổ chức tiếp xúc cử tri, phân công tiếp dân hay tham gia nghiên cứu pháp luật... Hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã góp phần không nhỏ vào kết quả chung mà HĐND đã đạt được và điều quan trọng hơn là phát huy được hiệu quả hoạt động của HĐND trong điều kiện cụ thể bởi vì hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp HĐND chính là hoạt động giám sát, nhưng Thường trực HĐND không thể liên tục tổ chức các hoạt động giám sát tập trung. Do vậy, việc hướng dẫn để các Tổ đại biểu HĐND tổ chức hoạt động giám sát là rất phù hợp, góp phần giúp HĐND giám sát toàn diện mọi lĩnh vực KT – XH... trên địa bàn.

Kết quả hoạt động của Tổ đại biểu HĐND phản ánh chất lượng hoạt động của từng đại biểu và hoạt động của HĐND; ngược lại, chất lượng hoạt động của từng đại biểu quyết định chất lượng hoạt động của Tổ đại biểu do đó hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu không thể tách rời nhau. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND, Quốc hội cần nghiên cứu, bổ sung vào Luật Tổ chức HĐND và UBND chức năng giám sát của Tổ đại biểu HĐND các cấp, làm cơ sở pháp lý khi HĐND triển khai hoạt động này. Khi quyết định số lượng thành viên Tổ đại biểu, chức danh Tổ trưởng, Phó tổ trưởng tổ đại biểu, Thường trực HĐND các cấp phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, trình độ năng lực của đại biểu, để khi điều hành hoạt động của Tổ đạt hiệu quả cao. Quá trình hoạt động, Thường trực HĐND phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các Tổ đại biểu, đặc biệt phải quan tâm bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu. Như vậy, hoạt động của Tổ đại biểu sẽ thực sự hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND.

 

Nguyễn Thị Oanh