Hội thảo về kết quả một năm mở rộng Ban HĐND cấp xã thí điểm

Đăng ngày: 15/08/2011
Hội thảo về kết quả mở rộng Ban HĐND cấp xã (thí điểm) được Thường trực HĐND tỉnh tổ chức trong ngày 01/8/2008 đã thu hút sự quan tâm và tham dự của đại diện các ngành Trung ương: Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vụ công tác đại biểu, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Bộ Nội vụ; các địa phương: Long An, Bình Dương, Bình Phước cũng như các ngành, các cấp, các đại biểu HĐND và cử tri trong tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh Long An phát biểu ý kiến tại hội thảo
Mười hai tham luận và rất nhiều ý kiến đã phát biểu trong khuôn khổ một ngày làm việc của Hội thảo để cùng xoay quanh một vấn đề: Hiệu quả, sự cần thiết của mô hình thí điểm Ban HĐND cấp xã, kinh nghiệm và những vấn đề phát sinh cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Ý kiến phát biểu của đại diện các Ban HĐND, cấp ủy và UBND cấp huyện, cấp xã đều nhất trí cao với việc thí điểm thành lập ban HĐND cấp xã; chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những khó khăn mà ban HĐND cấp xã đã tháo gỡ cho chính quyền cơ sở trong thời gian qua đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần phải khắc phục, hoàn thiện từng bước trong thời gian tới. Kết quả và chuyển biến trong hoạt động của HĐND cấp xã được các đại biểu minh họa bằng những dẫn chứng cụ thể, sinh động thông qua so sánh hoạt động của HĐND trước và sau khi thành lập Ban cả về số lượng và chất lượng. Các đại biểu cũng gửi đến Hội thảo những kinh nghiệm từ thực tiễn để cùng xem xét, rút kinh nghiệm: Đó là việc củng cố, khắc phục những hạn chế, lúng túng trong thời gian đầu mới thành lập để ổn định và triển khai các hoạt động của Ban; kinh nghiệm về cơ cấu và bố trí nhận sự để Ban hoạt động có hiệu quả; kinh nghiệp của Ban HĐND cấp xã trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trong hoạt động giám sát.

Tại Hội thảo, đại diện các ngành Trung ương đều bày tỏ sự đồng tình cũng như vui mừng trước những kết quả đạt được của các Ban. Đây cũng là dịp các đại biểu nhắc lại việc Đồng Nai đã đi đầu và thành công với việc thí điểm Thường trực HĐND cấp xã mà hiện nay đã được ghi nhận trong Luật tổ chức HĐND&UBND, đây là tiền đề, là niềm động viên khích lệ cũng như sự thể hiện những sáng kiến, đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai qua các nhiệm kỳ.

Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử phát biểu ghi nhận những đóng góp và hỗ trợ tích cực của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đối với công tác bồi dưỡng đại đại biểu dân cử nói chung và đại biểu HĐND cấp xã nói riêng. Kinh nghiệm về việc thành lập Ban HĐND cấp xã của Đồng Nai là một vấn đề được Trung tâm biên soạn đưa vào tài liệu nghiên cứu của Trung tâm, xem đây như là một hình thức đổi mới để các địa phương trong cả nước nghiên cứu, áp dụng nếu điều kiện hoàn cảnh cụ thể phù hợp và cho phép.  

Phạm vi thí điểm là một vấn đề các đại biểu quan tâm, có ý kiến cho rằng với phạm vi 58/171, khoảng 1/3 trong tổng số xã, phường, thị trấn là tương đối nhiều, có ý kiến cho rằng như vậy là đủ; quan điểm của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai là không tiếp tục mở rộng thí điểm trong thời gian tới mà tập trung tiếp tục củng cố hoạt động của các Ban đã có. Phải tách bạch hoạt động của Thường trực ra khỏi hoạt động của Ban HĐND là một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, nhấn mạnh; đây cũng là vấn đề mà Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cũng đã có chấn chỉnh đến các Ban trong thời gian đầu mới thành lập. Các đại biểu cũng cho rằng cần phải có đúc kết, rút kinh nghiệm một cách tỉ mỉ, toàn diện hơn nữa để đánh giá sâu hơn về mô hình thí điểm này.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Chí Thắng, Phó Chủ tịch  HĐND tỉnh đề nghị Thường trực HĐND ba cấp của tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện mô hình thí điểm của mình và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp nhiều ý kiến và trao đổi thông tin của ngành, các địa phương, các đại biểu, cử tri và nhân dân để giúp cho Ban HĐND cấp xã ngày càng hoàn thiện hơn nữa.

Nguyễn Thị Oanh