Kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 15/08/2011
Vừa qua,Thường trực HĐND tỉnh đã khảo sát công tác chăm sóc, điều trị tại Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS cho trẻ em thuộc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và làm việc với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS để đánh giá công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Mạng lưới cơ quan chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh gồm có Trung tâm, Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS
cho trẻ em (Bệnh viện Nhi Đồng Nai), phòng xét nghiệm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cán bộ chuyên trách về HIV/AIDS tuyến huyện ( mỗi huyện từ 1 đến 2 chuyên trách thuộc biên chế trung tâm y tế dự phòng huyện), tuyến xã ( mỗi xã 01 chuyên trách thuộc biên chế trạm y tế). Đối với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, được thành lập năm 2006, đến nay có đủ các khoa, phòng chức năng, có phòng khám ngoại trú nơi trực tiếp điều trị ARV cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn và tư vấn miễn  phí cho mọi đối tượng có nhu cầu. Riêng phòng khám bệnh ngoại trú HIV/AIDS ( Bệnh viện Nhi Đồng Nai), bắt đầu hoạt động ngày 06 tháng 11-2008, trước mắt, phòng khám sẽ thực hiện khám, điều trị cho bệnh nhân ngoại trú vào các ngày thứ ba hàng tuần, đồng thời thực hiện lấy mẫu máu để gửi lên bệnh viện Phạm Ngọc Thạch xét nghiệm CD4 ( tế bào bạch cầu).

Theo số liệu thống kê, tình hình nhiễm HIV/AIDS của tỉnh Đồng Nai đến ngày 31 tháng 8-2008, tổng số người nhiễm HIV/AIDS ( tính cả số tử vong) từ năm 1993 đến nay là 7.233 trường hợp, Đồng Nai được xếp vào trong số 10 tỉnh có trị số tuyệt đối cao nhất cả nước. Tuy nhiên, số trường hợp mà trung tâm quản lý là 5.690 trường hợp, trong đó có 3.749 người nhiễm HIV, 1.078 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 863 người đã tử vong do AIDS. Riêng 8 tháng đầu năm 2008, toàn tỉnh có 381 trường hợp nhiễm mới, 85 trường hợp chuyển sang AIDS và 23 người đã tử vong. Đối với trẻ em, số trẻ có các điều kiện liên quan đến HIV là 76 trẻ, cơ quan chức năng đã vận động được 60 em đến xét nghiệm, qua đó phát hiện 12 ca nhiễm HIV. Hiện Trung tâm đã bàn giao 08 hồ sơ cho Phòng khám để chăm sóc, điều trị. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai hiện còn khoảng 50 cháu đang điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh, thời gian sắp tới sẽ chuyển dần hồ sơ về để Phòng khám quản lý, chăm sóc, điều trị.

Công tác điều trị hiện được thực hiện tại phòng khám ngoại trú tại Trung tâm bằng thuốc ARV được cấp phát từ Cục phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam. Tính đến tháng 8/2008, có 119 bệnh nhân đăng ký điều trị, trong đó số bệnh nhân đủ tiêu chuẩn gồm 54 bệnh nhân ( trong đó 5 người đã chết). Ngoài ra, Trung tâm thực hiện điều trị 100% các ca bị phơi nhiễm HIV ( quá trình tiếp xúc với máu hoặc các dịch cơ thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV) do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, trong đó số ca điều trị phơi nhiễm năm 2007 là 16 trường hợp, trong đó một số là công an, hộ lý, một số ca thuộc trường hợp khác. Lũy kế có 44 người đã được điều trị phơi nhiễm. Ngoài ra, công tác dự phòng lây truyền từ mẹ sang con được tổ chức thực hiện, các bà mẹ mang thai có nguy cơ cao, nếu tự nguyện xét nghiệm đều được tổ chức lấy mẫu máu để xét nghiệm phát hiện HIV. Ngoài ra, Trung tâm tổ chức các chương trình phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu, đồng thời tập huấn kỹ năng cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn tập trung vào thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, trong đó chú trọng tổ chức các buổi tuyên truyền cho công nhân lao động tại các KCN, tân binh, phụ nữ, cấp phát tạp chí, áp phích tuyên truyền các loại, phổ biện Luật phòng, chống HIV/AIDS cho các ban, ngành,  phát các phóng sự tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên đài PT&TH, tại các rạp chiếu phim…Chính vì vậy mà nhận thức của xã hội đối với HIV/AIDS đã được cải thiện, quan trọng nhất là mỗi người hiểu được cách thức lây truyền bệnh để tự bảo vệ mình, giảm được kỳ thị đối với người bệnh, giúp người nhiễm HIV/AIDS sống hòa nhập cộng đồng. Tại Chỉ thị 54-CT/TW, Ban Bí thư đã xác định: “Công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị”, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương. Tuy nhiên, một số cơ quan có trách nhiệm trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS nhưng chưa chú trọng triển khai thực hiện, vì thế chưa gây được hiệu ứng sâu, rộng trong xã hội.

Nhìn chung, công tác phòng, chống HIV/AIDS được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp liên ngành, trong đó đặc biệt Liên đoàn Lao động tỉnh đã tích cực thực hiện các chương trình truyền thông cho công nhân tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Tuy nhiên, công tác này còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc từ Luật và các văn bản dưới luật, cụ thể:

Tại Luật phòng, chống HIV/AIDS quy định về việc cấm kỳ thị, phân biệt, bảo đảm bí mật riêng tư của người nhiễm HIV, trong đó Điều 8 nghiêm cấm công khai nhân thân của người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt đối với vợ/chồng hoặc người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân…Như vậy, tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội, đối tượng mại dâm, ma túy có nhiễm HIV được quản lý chung với người không nhiễm, rất dễ lây bệnh nhất là đối tượng này hầu như đều có vấn đề về sức khỏe. Trước mắt, để giảm thiểu xác suất lây nhiễm, các trung tâm giáo dục lao động xã hội cần nghiên cứu cách thức để tránh lây nhiễm HIV giữa các học viên, có thể xem xét việc tách học viên thành một số nhóm phù hợp với điều kiện về sức khỏe để tiện công tác chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cai nghiện. Khi tách nhóm, nghiên cứu sao cho những người cùng nhóm nên có cùng tình trạng đối với HIV ( nhiễm hoặc không nhiễm) và giữ bí mật tuyệt đối về tình trạng của từng nhóm đúng nguyên tắc bảo đảm quyền được giữ bí mật của người nhiễm HIV.

Một vấn đề nữa phát sinh từ quy định này, là những người nhiễm HIV hoàn tất thời gian giáo dục lao động xã hội được trả về địa phương, nhưng do Luật quy định nên địa phương cũng không được biết thông tin, vì thế công tác quản lý không chặt chẽ. Đoàn giám sát đã kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật phòng, chống HIV/AIDS mở rộng đối tượng được biết thông tin về nhân thân người nhiễm bao gồm cả cơ quan chức năng ở địa phương để có công tác quản lý, chăm sóc thích hợp. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền bí mật của người nhiễm HIV, Luật nên quy định cụ thể trách nhiệm về việc rò rỉ thông tin ( nếu có).

Cũng theo Luật phòng, chống HIV/AIDS, tại điều 20 quy định việc Nhà nước khuyến khích người nhiễm HIV tham gia phòng, chống HIV/AIDS qua nhiều hình thức, trong đó có nhóm đồng đẳng. Ngoài ra, tại Thông tư liên tịch 147/2007/TTLT-BTC-BYT ngày 12/12/2007 của liên Bộ Tài chính, Y tế còn quy định chế độ cho đồng đẳng viên là 120.000đ/người/năm. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn tiêu chí, thủ tục xét, công nhận các nhóm đồng đẳng này để bảo đảm cho họ có tư cách pháp nhân để hoạt động và hưởng chế độ trợ cấp theo quy định. Chính vì vậy, đối với hoạt động can thiệp giảm tác hại thông qua phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí được tài trợ bởi hai dự án WB và DFID, tuy nhiên dự án mới triển khai ở 05 huyện trên địa bàn tỉnh. Đối với 06 huyện còn lại, Trung tâm đã vận dụng nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu để cung cấp bơm kim tiêm và bao cao su, nhưng công tác cấp phát gặp khó khăn và chưa hiệu quả vì không có chế độ cho đồng đẳng viên (trong khi các dự án đều có tiêu chí công nhận và chế độ rõ ràng cho đối tượng này!).

Đối với hoạt động của Phòng khám ( Bệnh viện Nhi Đồng Nai), hiện tại nhân lực của bệnh viện đang thiếu khoảng 20 bác sĩ, cho nên việc triển khai thêm phòng khám càng gây nên sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho bệnh viện. Ngoài ra, so với tính chất đặc biệt của bệnh, các cán bộ y tế chưa được hưởng chế độ phụ cấp thỏa đáng. Tuy nhiên, nhiều khả năng vấn đề sẽ được cải thiện sau khi đề án « Chính sách thu hút, chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức ngành y tế » được HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp giữa năm 2009.

Liên quan đến công tác tuyên truyền, hiện nay Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đã ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ truyền hình- Đài PT&TH Đồng Nai để phát phóng sự tuyên truyền trên sóng phát thanh truyền hình của tỉnh. Tuy Trung tâm dịch vụ truyền hình đã áp dụng mức giá ưu đãi, nhưng so với kinh phí của một đơn vị chuyên môn đơn thuần sử dụng ngân sách nhà nước và không có nguồn thu, thì đây cũng gây khó khăn cho hoạt động của Trung tâm, và vì thế không thể tăng số lượt phát sóng cho nội dung này. Đoàn giám sát đã đề nghị Đài PH&TH Đồng Nai nghiên cứu, sắp xếp hỗ trợ thêm một số lượt phát sóng miễn phí về nội dung phòng, chống HIV/AIDS để góp phần giáo dục, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để đương đầu và khống chế đại dịch.

Kim Chung