Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên- sự cần thiết để nâng cao chất lượng dân số

Đăng ngày: 15/08/2011
Lứa tuổi Vị thành niên (VTN) theo định nghĩa của Bộ Luật lao động, là lứa tuổi dưới18 tuổi, theo các nhà chuyên môn về y học thì đây là giai đoạn từ 10-19 tuổi. Đây là một giai đoạn quan trọng diễn ra trong cuộc đời mỗi người, trong đó giai đoạn dậy thì thường ở vào lứa tuổi 14-17 tuổi, khi đó tâm sinh lý của các em đã phát triển, cơ thể đã hoàn thiện các chức năng cơ bản, bắt đầu có khả năng sinh sản trong khi hiểu biết, vốn sống, nhận thức chưa hoàn toàn trưởng thành.
Chính vì vậy, n
ếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dễ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, việc học hành, có khả năng ảnh hưởng đến cả tương lai sự nghiệp của các em, đến chất lượng dân số của toàn xã hội.

Ngày nay, cùng với quá trình hội nhập, sự giao thoa văn hóa Đông-Tây đã bắt đầu, chính vì vậy đã tạo nên nhiều thay đổi trong cách sống, cách suy nghĩ của giới trẻ. Nhiều bậc cha mẹ, nhất là những người có con đã qua lứa tuổi mầm non thường băn khoăn tự hỏi: khi nào mình sẽ bắt đầu giáo dục giới tính cho con mình, và sẽ giáo dục như thế nào? Không ít người vẫn nghĩ rằng cần phải giấu giếm, bưng bít thông tin về sinh lý, về các biện pháp tránh thai đối với lứa tuổi VTN... vì họ cho rằng làm như thế là "vẽ đường cho hươu chạy".

Tuy nhiên, ngày nay trẻ em, nhất là trẻ VTN có điều kiện tiếp xúc rất sớm với thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng và nhiều nguồn thông tin khác. Vì thế, dù người lớn có muốn hay không muốn thì các em cũng đã được cung cấp một số kiến thức nhất định về giới tính và sức khỏe sinh sản, tuy nhiên kiến thức này có thể chưa đầy đủ, chưa đúng đắn vì còn tùy thuộc vào chất lượng nguồn thông tin mà các em tiếp cận được.

Như vậy, công tác giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản là hết sức cần thiết, vì rằng thà “vẽ đường cho hươu chạy đúng” còn hơn để các em tự suy diễn, tìm tòi, và có khả năng bị ảnh hưởng bởi những nguồn thông tin không đáng tin cậy. Giáo dục cho trẻ những kiến thức về sự thay đổi về thể chất cũng như tinh thần, cảm xúc, những kiến thức về quá trình sinh sản, nghĩa vụ vợ chồng, vai trò làm bố mẹ… chính là sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai khi các em thực sự trưởng thành,  trong đó cần chú trọng vào công tác tư vấn về tình yêu - hôn nhân và gia đình bao gồm cả tư vấn qua điện thoại để trẻ VTN có nơi được đón tiếp, khuyên nhủ kịp thời. Bên cạnh đó, tổ chức và phát triển nhiều nơi vui chơi lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao giúp trẻ VTN có điều kiện vận động phát triển thể chất, giảm thời gian nhàn rỗi, buồn chán dễ dẫn đến ý thức và hành vi tiêu cực.

Tại Đồng Nai, cũng giống như tình trạng chung của cả nước, do chưa có hệ thống y tế học đường nên việc chăm sóc sức khỏe vị thành niên, trong đó có sức khỏe sinh sản VTN chưa có điều kiện triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, các em cũng đã được giáo dục một số kiến thức tại sách giáo khoa. Thực tế không những các em tuổi VTN mà cả học sinh tiểu học cũng đã được dạy một số kiến thức về cấu tạo cơ thể, giới tính để chuẩn bị cho quá trình giáo dục về sức khỏe sinh sản sau này. Việc chăm sóc SKSS VTN sẽ giúp hướng các em vào một lối sống điều độ, chăm lo đến sự phát triển về thể chất và tinh thần, chuẩn bị tốt công tác hướng nghiệp để tạo dựng tương lại vững chắc cho các em. Việc chăm sóc SKSS VTN sẽ hướng các em đến những suy nghĩ, đánh giá, lựa chọn đúng đắn trong tình bạn, tình yêu để tiến đến hôn nhân khi cơ thể đã hoàn toàn trưởng thành, có đủ điều kiện về sức khỏe, vật chất, được chuẩn bị về tinh thần cho việc sinh con và nuôi con trong điều kiện tốt nhất. Chính điều này sẽ là nền tảng để xây dựng nên những gia đình hạnh phúc, đóng góp vào sự ổn định và phồn vinh của xã hội.

Chăm sóc SKSS cho trẻ VTN là một công việc phức tạp và tế nhị, vì vậy đây không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà đòi hỏi cả xã hội, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình cùng phối hợp thực hiện.

Kim Chung