TRẬN ĐÁNH MỸ ĐƯỢC BÁC HỒ KHEN NGỢI

Đăng ngày: 15/08/2011
Cho tới hơn 40 năm sau, tôi vẫn còn nhớ từng chi tiết quá trình triển khai nhiệm vụ và diễn biến của trận đánh đêm 28-10-1966 ấy. Trận đánh lớn mở màn vào căn cứ hậu cần chiến lược của Mỹ ở Tổng kho Long Bình. Tiêu diệt và làm bị thương trên 250 tên lính Mỹ; phá huỷ một khối lượng đáng kể phương tiện chiến tranh của chúng. Làm nức lòng quân dân cả nước, đòn chí mạng đối với bọn cuồng chiến. Mở ra cho đơn vị tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh cả tính mạng khi Tổ quốc cần. Và sung sướng bội phần: hiệu quả của trận đánh đã đến với Bác Hồ, Người gửi điện thăm hỏi, chúc mừng cỗ vũ. Giờ đây nhớ lại, lòng tôi vẫn còn sung sướng, tự hào và rưng rưng cảm động…
Trước khi trận đánh diễn ra hơn 6 tháng, đồng chí Trần Công An (Hai Cà), Tỉnh đội trưởng Biên Hoà, bí danh U1 (sau này là Anh hùng LLVTND - vừa mới qua đời) gọi tôi lên và thông báo, một sự kiện cực kỳ quan trọng: “Bác Hồ đã ra lệnh cho Bộ chỉ huy Miền, và Bộ chỉ huy Miền cũng ra lệnh cho các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ chuẩn bị đánh vào các căn cứ, hậu cứ quan trọng của Mỹ-ngụy như sân bay, kho tàng chiến lược…”. Riêng chốt 2 do đồng chí phụ trách cần điều nghiên 2 cao điểm 50 và 53 của tổng kho liên hợp hợp quân sự Long Bình từ 2 tới 3 mục tiêu!

Vừa nói, ông vừa quan sát nét mặt và thần sắc của tôi như để thăm dò tâm lý của cấp dưới. Song, với kinh nghiệm từng trải trong cuộc đời cầm quân, người chỉ huy đã nhận ra ở tôi nét tự tin và cương nghị. Ông cười khà khà mà rằng: Đó, tinh thần là vậy. Căn cứ vào mệnh lệnh của Bác và của Miền, tôi thay mặt Ban cán sự và Thủ trưởng U1 lệnh cho Ba Vàng cùng Ban chỉ huy chốt 2 chuẩn bị 2 mục tiêu trên càng sớm càng tốt! Nói đoạn, ông lại cười: Được chưa ông bạn? Rõ! Sẵn sàng tuân lệnh – tôi dõng dạc trả lời. Niềm vui được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt. Mặt khác cũng lo lắng bội phần, liệu mình có đáp ứng nổi mong muốn của trên?

Vào thời điểm ấy, toàn chiến trường miền Nam nói chung, chiến trường U1 nói riêng khá sôi động. Chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ bị phá sản. Chúng đang ráo riết chuyển sang Việt Nam hoá chiến tranh, quân Mỹ và quân các nước chư hầu ồ ạt đưa sang  tham chiến. Chính quyền Sài Gòn đôn quân bắt lính ráo riết để mở rộng chiến tranh, đồng thời tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc ngày càng quyết liệt. Từ đây, máu xương của quân dân hai miền Nam Bắc nước ta lại đổ, đau thương tang tóc đang hàng ngày, hàng giờ giáng xuống mọi gia đình. Đúng như lời Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã dõng dạc tuyên bố trước bầy man rợ: “Còn đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước thì không ai có ấm no, hạnh phúc!”. Giờ đây, bổn phận làm người lính cách mạng tham gia diệt được 1 tên Mỹ - ngụy, phá huỷ được một phương tiện chiến tranh của chúng là đã chia bớt đau thương cho đồng bào miền Bắc. Và trước vận mệnh của dân tộc, Bác kính yêu đã ra lời kêu gọi, động viên toàn quân, toàn dân dốc lòng chống Mỹ cứu nước. Ôi! Lời của Bác là lời của hồn thiêng sông núi, chúng con quyết nguyện thề lập chiến công để Người vui… Những suy nghĩ của tôi cứ chộn rộn như rút ngắn quãng đường, về tới cứ lúc nào không hay.

Mệnh lệnh cấp trên tôi đưa ra báo cáo với Chi bộ Đảng và Ban chỉ huy thảo luận kỹ càng, trở thành quyết nghị được lan rộng từng cán bộ, chiến sĩ. Tất cả ai nấy đều háo hức lập công.

Cái khó nhất lúc này là cần 100kg thuốc nổ TNT và 4 kíp nổ chậm đều không có. Thuốc nổ trong kho đã hết sạch, vì trước đó dùng cho trận đánh phá giao thông. Còn kíp hẹn giờ thì chưa được Miền gửi về lần nào. Trên động viên: Tự tìm tòi, sáng tạo ra không chỉ về tinh thần, ý chí mà cả vật chất nữa. Điều ấy cũng thật dễ hiểu: Đông Nam bộ là một chiến trường trọng điểm lại ở sâu, xa nằm án ngữ một hướng quan trọng về chiến lược phòng thủ của Sài Gòn. Các loại vũ khí từ miền Bắc đưa vào bằng đường biển và đường bộ chưa kịp. Thế là chúng tôi đều tự lo liệu lấy.

Phần điều nghiên nắm địch do Lê Thuyết Hùng, tổ 1 cùng tổ 3 đảm nhiệm, có sự hỗ trợ của cụm quân báo anh Mười Soái. Tổ 2 toả đi sưu tầm bom lép, cưa lấy thuốc chế làm trái. Số còn lại chuẩn bị vật chất, lương thực, thực phẩm. Riêng tôi, đặc trách nghiên cứu chế tạo đồng hồ hẹn giờ. Đây là một công việc khó khăn, mới mẻ và cực kỳ nguy hiểm. Bởi nó liên quan đến kết quả của toàn bộ trận đánh. Thế là trong cái khó ló cái khôn. Chúng tôi thi đua nhau dốc lòng, dốc sức đều làm tốt công việc. Tìm kiếm rồi “rút ruột” từ quả bom lép dùng thuốc đúc được 4 trái TNT, mỗi trái nặng 10kg. Tôi kiên nhẫn sáng chế thành công kíp nổ chậm, rồi nổ thử bằng 100g thuốc để anh em yên tâm, tin tưởng. Không ngờ, từ thành công ấy, sau này các đơn vị bạn của Khu, Miền và đặc công biệt động Sài Gòn – Gia Định đến học tập kinh nghiệm để tự tạo ngòi nổ trên.

Mọi công tác chuẩn bị đều hoàn tất. Phương án đã được cấp trên phê duyệt.Vấn đề còn lại chỉ tới giờ G là hành động. Nghĩa là chúng tôi đã vượt qua một chặng đường với biết bao vất vả mà tưởng không thể qua nổi - nếu không đủ bãn lĩnh và quyết tâm chiến thắng.

 

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

 

Những dãy kho của địch tại Long Bình liên kết chất cao như núi. Vòng trong, vòng ngoài đủ loại sắc lính Mỹ - ngụy bảo vệ, phương tiện tuần tra hiện đại, canh phòng nghiêm ngặt. Chúng dùng cả chó béc giê, hồng ngoại tuyến để phát hiện đối phương. Hệ thống điện sáng như ban ngày. Nhìn qua tưởng chừng con chuột cũng khó vào. Vậy mà… chúng có ngờ đâu chỉ có 6 người lính đặc công Việt cộng đã làm cho cả thầy lẫn tớ hồn xiêu phách lạc.

Với ý chí dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, lợi dụng lúc sơ hở của đối phương nên mới 16h ngày 28-10-1966 tất cả đã bám sát cửa mở. Mặc dầu lúc này là giờ cao điểm địch thu quân từ các nơi về căn cứ. Và chỉ chốc lát, bản thân tôi đã trực tiếp đặt 4 lượng nổ vào 4 khu kho theo chiến thuật “sâu đo” cách 2 kho đặt 1 kho và kiểm tra kỹ lưỡng đồng hồ sau khi đã chập dây điện.

Nhìn kim đồng hồ cần mẫn tích tắc qua ánh sáng nhỏ tự tạo làm tôi sướng đến run người. Chao ơi, giây phút mong đợi từ lâu đang sắp trở thành hiện thực. Song, trong niềm vui ấy vẫn xen lẫn sự ngờ ngợ về kỹ thuật “sáng chế” đầu tay của mình. Liệu có bề chi không ổn do trục trặc trái nổ thì sẽ ăn nói sao đây với đơn vị và cấp trên. Trong giờ phút nghiêm trọng ấy, đầu tôi loé lên một sự táo bạo: Tôi ra lệnh cho 5 đồng chí rời khỏi trận địa để bảo tồn sinh mạng. Chỉ mình tôi ở lại, nếu như trời sáng , trái chưa nổ thì… dùng phương án 2 cho nổ tức thì, chấp nhận sự hy sinh. Nhưng lạ chưa! Ra được một quãng, cả 5 anh em gồm: Bùi Văn Hoà – sau này trở thành Anh hùng liệt sĩ, Phạm Hữu Hoá, Trịnh Văn Thoàn, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Văn Tư quay vào. Họ lý giải: thà ở lại cùng hy sinh với nhau, lẽ nào chỉ có anh nhận phần dâng hiến trái tim đầy nhiệt huyết. Nghe lời nói xúc động ấy, người tôi như nóng ran, nước mắt tràn mi nhưng tôi cố nén chặt, tập trung hết tinh lực kiểm tra lần cuối từng chiếc kim đồng hồ đang cần mẫn về tới đỉnh điểm. Khi thực sự yên tâm mới cùng nhau rời vị trí.

Tuy không phát hiện được chúng tôi nhưng qua phương tiện hiện đại, địch đã được đánh động nên chúng đã hướng súng về nơi nghi vấn có đối phương, bắn như vãi đạn.

Ra tới vị trí tập kết ban đầu, thu dọn xong đồ đạc chuẩn bị lui quân nhưng vẫn chưa có tín hiệu trái nổ. Ai nấy lòng như lửa đốt. Riêng tôi, nỗi lo cứ dâng lên gấp bội. Nhưng liệu quay vào có còn xử lý kịp chăng?

Bỗng trời đất quay cuồng, lảo đảo như đưa võng, mãnh đạn xối xả lia lịa chém ngang cây. Ánh điện vụt tắt, tiếng súng từ hai cao điểm 50 và 53 câm lặng. Chỉ có ánh chớp nổ của bom đạn là liên hồi kỳ trận. Cứ vậy kéo dài cho tới hơn 3 ngày 3 đêm. Hai chiếc máy bay, một phản lực, một HU1A đảo qua mấy vòng rồi chuồn thẳng, để lại một cảnh trường hết sức khủng khiếp.

Kết quả cả 4 dãy kho bom, đạn đại bác bị phá huỷ với khối lượng hơn 250.000 tấn. Một số kho lân cận bị chấn động mạnh nên rất nguy hiểm trong hệ số an toàn, sau đó phải huỷ bỏ, thay thế bom đạn mới. Trên 250 lính Mỹ chết và bị thương, trong đó tập trung của 2 lữ đoàn công binh, bảo vệ và quân bốc xếp hàng hoá.

5h chiều ngày hôm sau 29-10-1966, chúng tôi đều đã trở về đơn vị an toàn trong niềm vui sướng, cảm động của đồng đội. Còn bọn địch ở căn cứ hậu cần Long Bình cùng các căn cứ lân cận hết sức run sợ, hoang mang…

Trận đánh được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng nhì cho tập thể. 6 cá nhân trực tiếp chiến đấu đều được phần thưởng của Thủ trưởng quân giải phóng U1. Ngày hôm sau, Đài tiếng nói Việt Nam, đài Phát thanh Giải phóng và các báo chí Hà Nội đều ca ngợi chiến công chói lọi và gọi trận đánh là “Tiếng sấm Long Bình” điểm mở màn chiến dịch Đông Xuân 1966-1967 cho toàn chiến trường đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân dân miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, Bác Hồ kính yêu đã gửi điện khen ngợi tập thể và cá nhân có thành tích đánh hiểm, thắng lớn vào kho bom đạn Long Bình đêm 28-10-1966.

Hơn 40 năm đã đi qua, trên trận địa ngày nào giờ mọc lên khu công nghiệp mới làm tươi sáng gương mặt một vùng quê. Song từ sâu thẳm tình cảm của một người lính, con vẫn luôn khắc ghi: Trong mỗi thành tích hay chiến công thắm đỏ, đều thấm nhuần thiêng liêng lời Bác - ấy là lời của Cha Ông non nước vọng về. Không bao giờ phai nhạt niềm tin.
Nguyễn Quốc Hoàn (Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Tấn Vàng)