Việc thực hiện chính sách cho người có công thuộc hộ nghèo trên địa bàn huyện Long Thành

Đăng ngày: 15/08/2011
Thường trực HĐND tỉnh vừa khảo sát một số gia đình chính sách thuộc hộ nghèo -cận nghèo trên địa bàn huyện Long Thành, đồng thời xem xét việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương trong việc giải quyết chế độ cho hộ chính sách nghèo.
Huyện Long Thành hiện đang quản lý 2.925 đối tượng thuộc diện chính sách, trong đó có 01 vị là lão thành cách mạng, 02 vị là AHLLVT, 10 Mẹ Việt Nam anh hùng; 611 thương binh, 257 bệnh binh, 136 người có công với cách mạng, 1.855 người là thân nhân liệt sĩ, 53 người nhiễm chất độc hóa học. Ngoài ra, có 1.752 đối tượng có công với cách mạng, tham gia kháng chiến,được tặng thưởng Huân, Huy chương. Số hộ  thuộc diện chính sách của huyện hiện nay có 3.599  hộ, trong đó bao gồm 1.308 hộ thờ cúng liệt sỹ.

Theo kết quả điều tra mới nhất, huyện có 41 đối tượng là người có công khó khăn về đời sống, trong đó có 02 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã luôn quan tâm đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, nhất là đối với các gia đình chính sách thuộc diện nghèo-cận nghèo, tạo điều kiện hỗ trợ vốn, tạo việc làm, xây dựng nhà tình nghĩa và hỗ trợ sửa chữa nhà, vận động đỡ đầu cho các mẹ liệt sĩ già yếu, thương bệnh binh nặng, thực hiện chính sách ưu đãi giáo dục cho các em học sinh, sinh viên con em gia đình chính sách.

Ngoài ra, công tác thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công, thương binh và gia đình liệt sĩ vào các dịp lễ, tết đều được các cấp lãnh đạo và cơ quan chức năng của huyện thực hiện chu đáo. Ngoài nguồn quỹ của tỉnh và trung ương hỗ trợ, từ năm 2006 đến nay toàn huyện Long Thành đã vận động được 2.681 triệu đồng để thực hiện công tác thăm hỏi, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công của huyện.

Thực tế khảo sát, trong số đối tượng gia đình chính sách thuộc diện nghèo-cận nghèo, nhiều người được hưởng chính sách cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo của tỉnh ( chế độ thân nhân liệt sĩ, chế độ thương bệnh binh…), tuy nhiên do có vợ/chồng không có nghề nghiệp ổn định, có nhiều con và phải nuôi con ăn học nên thu nhập bình quân của hộ giảm xuống dưới hoặc sát mức nghèo của tỉnh. Ngoài ra, còn một số lý do khác khiến cho kết quả đánh giá hộ nghèo chưa sát thực tế, là việc các hộ này hầu hết đều làm nghề tự do ( chăn nuôi, bán vé số, phụ bán hàng…) và không khai thu nhập của nghề này vào thu nhập chính thức của gia đình.

Có một thực tế tuy không phổ biến, nhưng đã xảy ra, là việc một số đối tượng dựa vào một số quy định còn chưa chặt chẽ của pháp luật để tính toán quyền lợi cho mình. Cụ thể do tiêu chí xét người già neo đơn hiện nay dựa vào đơn vị là hộ gia đình ( theo sổ hộ khẩu) chứ không dựa vào tình tiết thực tế là đối tượng có con, cháu ruột hay không, chính vì vậy một số đối tượng đã tách hộ để tách riêng con, cháu ruột ra nhằm đủ điều kiện để được hưởng chế độ cho người già neo đơn.

Hiện nay, một số người có công già yếu, hoàn cảnh neo đơn thực sự (không có vợ/chồng, không có con cháu ruột) đang được một số người là họ hàng hoặc hàng xóm láng giềng tự nguyện chăm sóc, phụng dưỡng tại cộng đồng. Đây là một nghĩa cử biểu hiện nét đẹp về văn hóa và đạo lý của dân tộc, cần được khuyến khích phát huy. Vì vậy, đoàn khảo sát đã đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu vận dụng, giải quyết chế độ cho những người nuôi dưỡng đối tượng có công nói trên với chế độ bằng chế độ hỗ trợ tại viện dưỡng lão (khoảng 240.000đ/người/tháng) để thể hiện sự động viên, khuyến khích của xã hội.

Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, HĐND tỉnh dự kiến sẽ ban hành Nghị quyết “Điều chỉnh chuẩn nghèo, ban hành chuẩn cận nghèo giai đoạn 2009-2010”. Đoàn khảo sát đề nghị UBND tỉnhchỉ đạo cơ quan chuyên môn sớm xây dựng kế hoạch khảo sát, điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh ngay sau khi Nghị quyết được ban hành. Chú trọng các yếu tố để xác định chính xác hoàn cảnh hộ nghèo để có chính sách điều chỉnh thích hợp, đưa những hộ thực sự thoát nghèo ra khỏi danh sách, để tập trung chăm lo cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với mức hỗ trợ cao hơn, như vậy sẽ bảo đảm hợp lý, công bằng hơn trong việc sử dụng ngân sách, hơn nữa sẽ tạo động lực để hộ nghèo tự lực vươn lên, xóa được tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Kim Chung