Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND cấp huyện còn thấp.

Đăng ngày: 15/08/2011
Trong năm 2008 các cấp, các ngành, các địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực để chỉ đạo, tổ chức, triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đặc biệt UBND tỉnh đã giành nhiều thời gian để tiếp công dân, giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại dây dưa, kéo dài nhiều năm, đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, tổ chức tập huấn về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong 10 tháng năm 2008, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 7.071 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ảnh; thụ lý 1204 đơn khiếu nại, tranh chấp đất đai và tố cáo, đã giải quyết 997 đơn, đạt tỷ lệ 82,8%, trong đó: UBND tỉnh đã giải quyết 181 đơn, đạt tỷ lệ 90%; Các sở, ngành cấp tỉnh đã giải quyết 381 đơn, đạt tỷ lệ 98%; UBND cấp huyện đã giải quyết 407 đơn, đạt tỷ lệ 70,2%; UBND cấp xã, cơ sở đã giải quyết 28 đơn, đạt tỷ lệ 80%.

Tuy nhiên, tình trạng khiếu kiện đông người có chiều hướng gia tăng, toàn tỉnh có 58 lượt đoàn đông người đến phòng tiếp dân tỉnh, huyện, trong đó phòng tiếp dân tỉnh 30 lượt đoàn. Công tác tiếp dân định kỳ của lãnh đạo các cấp nhìn chung chưa thường xuyên theo quy định, còn hình thức, chưa chuẩn bị nội dung tiếp công dân do đó hạn chế đến kết quả và hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND cấp huyện còn thấp; Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo một số địa phương chưa tích cực tiếp nhận và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân tại cơ sở, chưa thật sự quan tâm chỉ đạo và đối thoại với công dân để giải quyết vướng mặc của dân; Một số vụ việc đã giải quyết nhưng việc tổ chức thực hiện, xử lý các sai phạm không dứt điểm, thiếu thẩm tra, đôn đốc kịp thời, do đó gây ra khiếu nại kéo dài làm cho công dân bất bình và gây ra phản ứng gây gắt từ đó tập hợp thành các đoàn đông người kéo lên tỉnh để khiếu nại. Khi nhận được đơn khiếu nại còn có nhiều trường hợp không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời hạn, trình tự và thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật, chưa quan tâm đến việc tiếp và đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là người giải quyết lần đầu; Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan tư pháp trong quá trình giải quyết khiếu nại, nhiều đơn thư chuyển lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất kéo dài trong nhiều năm không được cơ quan có trách nhiệm thụ lý giải quyết gây bức xúc cho công dân.

Một số quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thống nhất, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp ví dụ như: Theo quy định tại Điều 46 Luật Khiếu nại, tố cáo (đã được sửa đổi, bổ sung  năm 2004, 2005) thì: “…kể từ ngày nhận được giải quyết khiếu nại nếu không đồng ý thì có quyền khởi kiện tại Tòa án…”. Tuy nhiên, khi đương sự khởi kiện vụ án tại Tòa án thì Tòa án trả lại với lý do không thuộc thẩm quyền của Tòa án. Từ đó, dẫn đến tình trạng đơn khiếu kiện kéo dài, lòng vòng vì không xác định được cơ quan thẩm quyền giải quyết, gây ra những khó khăn nhất định cho cơ Nhà nước và người khiếu kiện; Theo quy định của Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/12/2004 của Chính phủ thì không có quy định cụ thể về trình tự thủ tục đối với các trường hợp khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhà ở theo chính sách cải tạo trước đây. Cho nên, khi thụ lý giải quyết các vụ việc này thì các đơn vị giải quyết có những quan điểm xử lý khác nhau (có quan điểm đồng ý trả, có quan điểm không đồng ý trả) về hình thức văn bản trả lời cho người khiếu nại cũng khác nhau (có nơi ban hành quyết định, có nơi thì văn bản trả lời). Theo quy định tại điều 100 Luật Khiếu nại, tố cáo (đã được sửa đổi, bổ sung  năm 2004, 2005) có quy định về: “…hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật, xuyên tạc, vu khống …” nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục để xử lý hành vi vi phạm này. Cho nên, rất khó xử lý, như vụ khiếu kiện của bà Hồ Thị Thân, huyện Trảng Bom … Ngoài ra, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn xử lý đơn đối với các trường hợp người khiếu nại hoặc người bị khiếu nại, gởi giấy mời đến làm việc nhiều lần nhưng không đến làm việc nhưng sau đó lại tiếp tục gửi đơn đến nhiều cấp cơ quan Nhà nước. Trong Luật Khiếu nại, tố cáo, không quy định trách nhiệm của cơ quan giải quyết lần đầu phải cung cấp hồ sơ cho cơ quan giải quyết lần hai, do đó thời gian giải quyết lần 2 có kéo dài do việc thu thập hồ sơ giải quyết lần đầu …

Sĩ Tiến