TRAO ĐỔI THÔNG TIN VỚI CỬ TRI

Đăng ngày: 15/08/2011
TRAO ĐỔI THÔNG TIN VỚI CỬ TRI
Cử tri Trần Ngọc Lương ngụ tại xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom phản ánh: Theo báo cáo hàng năm của chính quyền về đời sống của nhân dân trong tỉnh bộc lộ số liệu thống kê được công bố không đúng với thực tế, vì thực tế số lượng người nghèo nhiều hơn so với số liệu báo cáo nhất là ở vùng nông thôn. Chính vì việc thông kê không chính xác này nên việc chăm lo cho nhân dân của Chính quyền không đầy đủ. Đề nghị Tỉnh nên kiểm tra lại chính xác để tập trung quan tâm hơn nữa cho nông dân nghèo.

Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai trả lời: Hàng năm, Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của tỉnh đều thẩm định danh sách hộ nghèo từng xã theo chuẩn của quốc gia và chuẩn của tỉnh. Từ thực tế thẩm định này mới đưa ra số liệu hộ nghèo đầu kỳ và cuối kỳ từng năm để thực hiện các chính sách chăm lo đời sống cho nhân dân. Qua số liệu của tổ chuyên viên XĐGN của tỉnh cho thấy: năm 2006 hộ nghèo đầu kỳ là 41.726 hộ, thực giảm trong kỳ là 6.021 hộ, hộ nghèo cuối kỳ (cuối năm 2006 - đầu năm 2007) là 35.705 hộ, chiếm tỷ lệ 8,08% số hộ toàn tỉnh. Số liệu này do tổ chuyên viên Ban chỉ đạo XĐGN của tỉnh Đồng Nai thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp tính toán trên cơ sở thực tế.

a. Chương trình Xóa đói giảm nghèo giai đoạn II (2001-2005) đạt được những thành tựu to lớn:

+ Đã xóa hẳn tình trạng tái đói; giảm 49.032 hộ nghèo/52.827 hộ nghèo toàn giai đoạn (từ 12,26% xuống 0,87%), vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra là giảm 45.000 hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2005 dưới 2%; 16/16 xã đặt biệt khó khăn đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135 và đang hòa nhập vào tiến trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa của tỉnh; 11/11 đơn vị cấp huyện đã căn bản không còn hộ nghèo (dưới 2,5% theo tiêu chí của Trung ương), 44 xã, phường, thị trấn hoàn toàn không còn hộ nghèo, 70 xã, phường, thị trấn chỉ còn dưới 1% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của giai đoạn II (<130.000đ ở nông thôn và <160.000đ ở thành thị); đời sống người nghèo và hạ tầng vùng nghèo được cải thiện rõ rệt; thu nhập bình quân của người nghèo tăng lên 2 lần; khoảng cách giàu - nghèo được giữ 6 lần.

Kết quả nêu trên đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, giữ vững ổn định chính trị, được khẳng định là một chương trình hợp lòng dân.

Để có được kết quả nêu trên, Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, vùng nghèo như: đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết yếu; tín dụng ưu đãi, dạy nghề và giải quyết việc làm; khuyến nông hướng dẫn cách làm ăn; Bảo hiểm y tế; miễn giảm thuế, học phí; xây dựng nhà tình thương; hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu (tập, vở, muối iốt, dầu thắp sáng); hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng cho người nghèo...

Tổng nguồn lực đã huy động trong 5 năm qua phục vụ cho mục tiêu của chương trình đạt 740 tỷ đồng. Trong đó ngân sách 635 tỷ đồng, huy động cộng đồng 55 tỷ đồng, phong trào dân tự giúp dân 50 tỷ đồng.

Tuy nghiên, nhìn tổng thể thì Chương trình vẫn còn một số mặt hạn chế, yếu kém như sau:

+ Trong tổ chức thực hiện vẫn còn thiếu những giải pháp mũi nhọn, đột phá; dân trí cho người nghèo và vùng nghèo chưa được nâng lên đúng mức. Công tác tuyên truyền giáo dục đối với người nghèo thiếu thường xuyên; huy động nội lực trong nhân dân còn hạn chế; tâm lý ỷ lại, tự ti trong một bộ phận nghèo chưa được khắc phục.

+ Việc phối hợp, lồng ghép chưa đồng bộ; công tác kiểm tra, đôn đốc, giải quyết phát sinh của cấp quản lý thiếu thường xuyên; tình trạng khoán trắng cho cấp dưới hoặc ỷ lại cho cấp trên vẫn còn xảy ra.

b. Kết quả thẩm định hộ nghèo năm 2006:

             - Thành thị: dưới 400.000đ/người/tháng.

             - Nông thôn: dưới 250.000đ/người/tháng.

c. Định hướng:

Định hướng mục tiêu chung là: Chương trình Xóa đói giảm nghèo được thực hiện toàn diện hơn, công bằng hơn, bền vững hơn và hội nhập hơn, cụ thể:

- Địa bàn trọng điểm của Chương trình Xóa đói giảm nghèo là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chủ động xử lý việc phát sinh tình trạng nghèo đô thị do quá trình đô thị hóa nhanh trên địa bàn. Đồng thời có cơ chế thỏa đáng, xã hội hóa trong thực hiện các chính sách, dự án XĐGN, làm cho chương trình XĐGN trở thành phong trào thật sự của các tầng lớp nhân dân và của toàn xã hội.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp XĐGN, bảo đảm hài hòa giữa hai nhóm giải pháp lớn là đầu tư hạ tầng với đầu tư nhân lực cho người nghèo, vùng nghèo. Coi đầu tư nâng vốn nhân lực là nhân tố lâu dài, quyết định thành công của định hướng XĐGN chất lượng bền vững. Thực hiện cả hai phương thức đầu tư trực tiếp và lồng ghép chặt chẽ thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ vùng nghèo.

- Tiếp tục nâng cao mức sống người nghèo hàng năm, ít nhất tỷ lệ tăng mức sống trung bình của người nghèo bằng với tỷ lệ tăng mức sống trung bình trong tỉnh. Bảo đảm cho người nghèo được hưởng kết quả của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; khoảng cách giàu – nghèo được kiểm soát, cách biệt thành thị - nông thôn giảm dần.

- Đổi mới và nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành chương trình theo hướng vừa thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư, các chính sách an sinh hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý chí, trách nhiệm tự vươn lên của người nghèo, vùng nghèo.

- Từng bước tiến hành việc phân cấp về quản lý, điều hành Chương trình Xóa đói giảm nghèo theo nguyên tắc cấp nào quản lý tốt nhất việc gì thì giao cho cấp đó quản lý, chủ trì và quyết định việc đó. Để chuẩn bị thực hiện giai đoạn III (2006-2010), ngay trong năm 2006 cấp tỉnh sẽ tiến hành giao cho cấp huyện quyền quyết định những nội dung mà cấp huyện đủ điều kiện thực hiện đối với chương trình XĐGN.

Vào những năm chẵn: 2002, 2004, 2006, Cục Thống kê Đồng Nai có tổ chức khảo sát Mức sống hộ gia đình theo phương án của Tổng Cục Thống kê; mẫu khảo sát được chọn ngẫu nhiên, mỗi năm là 930 hộ thuộc 62 địa bàn, trong đó khu vực thành thị khảo sát 20 địa bàn, khu vực nông thôn khảo sát 42 địa bàn, mỗi địa bàn khảo sát 15 hộ; cỡ mẫu là 0,2%. Vì cỡ mẫu quá nhỏ nên chỉ đại diện cho tỉnh.

Mục đích khảo sát mức sống hộ gia đình nhằm thu thập các thông tin làm căn cứ đánh giá mức sống và phân hoá giàu nghèo để phục vụ công tác hoạch định các chính sách, kế hoạch và các chương trình mục tiêu quốc gia của Đảng và Nhà nước nhằm không ngừng nâng cao mức sống nhân dân. Trong 930 hộ được chọn khảo sát chia ra:

- Mẫu thu nhập gồm 744 hộ để thu thập các nội dung thông tin về nhân khẩu học, thu nhập của hộ gia đình, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của từng thành viên trong hộ, tình trạng ốm đau bệnh tật và sử dụng các dịch vụ y tế, tình trạng việc làm; tài sản, nhà ở và các tiện nghi; tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, còn thêm 2 nội dung về giáo dục và y tế mở rộng.

- Mẫu thu nhập chi tiêu gồm 186 hộ để thu thập đầy đủ các nội dung như trên, còn thêm phần chi tiêu hộ gia đình như: mức chi tiêu, chi tiêu phân theo mục đích và các khoản chi cho ăn, mặc, ở, đi lại, giáo dục, y tế, văn hóa... và chi khác nhằm đánh giá, phân tích mức sống một cách sâu hơn.

Năm 2006, những mẫu khảo sát ở trên không rơi vào xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom.

Qua kết quả khảo sát, Cục Thống kê có báo cáo phân tích sơ bộ mức sống cư dân toàn tỉnh. Các chỉ tiêu chính trong báo cáo là bình quân thu nhập và chi tiêu mỗi người một tháng chung toàn tỉnh và theo 5 nhóm (theo thông lệ quốc tế). Ngoài ra, phân tích thêm một số chuyên đề về y tế, giáo dục, việc làm...; cung cấp số liệu để tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng và phục vụ tính toán tài khoản quốc gia.

Kết quả khảo sát 3 năm dự kiến công bố vào cuối tháng 12 năm 2007, sơ bộ toàn tỉnh như sau:   theo thứ tự: Năm 2002    Năm 2004    Năm 2006

- Bình quân thu nhập 1 người/tháng (1000đ):510,40 ; 678,31; 865,10

    - Chênh lệch giữa  nhóm giàu nhất  và nghèo nhất (nhóm 5/ nhóm 1) (lần):  7,32  ;   6,22 ; 5,36

- Tỷ lệ hộ nghèo (%) :                                    

    + Theo chuẩn mới quốc gia :      -    -   5,06

    + Theo chuẩn mới địa phương :    -      -    6,83

Do mẫu khảo sát nhỏ, có nhiều xã, phường không rơi vào mẫu nên Cục Thống kê không suy rộng mức sống cho từng xã, phường được.