Tổng diện tích đất đai của Nông trường Thọ Vực gồm 1.400 ha, trong đó có một phần đã giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 với thời hạn từ 20 đến 50 năm. Hiện tại, công ty trực tiếp quản lý 522 ha đất, trong đó có một phần đã giao khoán cho 41 hộ cán bộ công nhân viên theo phương thức hai bên cùng góp vốn va ăn chia sản phẩm cuối cùng. Trên diện tích 522 ha này hiện đang trồng mía, điều, cà phê, lúa và hoa màu. Nói chung, cây trồng sinh trưởng phát triển ở mức trung bình, năng suất và chất lượng chưa cao, chưa được đầu tư và ưng dụng đúng mức các tiến bộ kỹ thuật.
Từ khi Nông trường Thọ Vực chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên Thọ Vực và trở thành một thành viên của Công ty chế biến nông sản thực phẩm XNK Đồng Nai (DONAFOODS), Ban lãnh đạo Công ty DONAFOODS đã đề xuất việc chọn nơi đây làm địa điểm xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao vì khu vực dự án hội tụ một số ưu điểm nổi bật. Về vị trí địa lý, nơi đây thuộc vành đai thị xã Long Khánh, cách thị xã 10km đường nhựa hiện hữu, cách ga xe lửa Bảo Chánh ( xã Xuân Thọ) chỉ 5km, hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi, nằm trên trục Tỉnh lộ 16 đấu nối với Quốc lộ 1A và đường cao tốc đi Đà Lạt- Lâm Đồng, vì vậy rất thuận tiện cho việc giao thương. Nguồn nước tưới tiêu được bảo đảm vì gần sông La Ngà tạo mạch nước ngầm với trữ lượng dồi dào, chất lượng nước được kiểm nghiệm đạt chuẩn, hiện nay nhiều giếng khoan trong khu vực đang hoạt động tốt. Điều kiện khí hậu điều hòa, thổ nhưỡng phù hợp sản xuất nông nghiệp. Về địa chất, nguồn đất đen được hình thành trên đá bazan, tầng đất canh tác mỏng nên có khả năng chịu lực cao, thuận lợi cho xây dựng công trình giao thông, nhà xưởng...Tất cả những yếu tố nói trên đã tạo ra ưu thế nổi trội, bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế xã hội lâu dài, ổn định cho cả khu vực dự án.
Khu nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao theo mục tiêu cua dự án, sẽ có mô hình tương tự như khu công nghiệp tập trung, nhưng khác là các công ty, nhà máy chuyên về sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là hàng nông sản thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phương thức đầu tư của dự án là xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, chia ra từng tiểu khu chức năng, bản thân chủ đầu tư dự án sẽ đầu tư một cơ sở sản xuất chế biến ứng dụng công nghệ cao, đồng thời cho thuê lại đất để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư theo đúng tiêu chí của khu nông nghiệp.Về bố trí gồm 4 tiểu khu chức nang: Tiểu khu 1 để chăn nuôi heo siêu nạc và gà công nghiệp, Tiểu khu 2 phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tiểu khu 3 chuyên sản xuất thực nghiệm trình diễn các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiểu khu 4 đào tạo và huấn luyện nguồn nhân lực. Trước mắt, tại khu vực dự án còn 41 hộ dân đang sinh sống và sản xuất nông nghiệp. Việc giải quyết bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho 41 hộ dân này cũng đã được công ty DONAFOODS đưa vào lộ trình thực hiện đến năm 2010. Như vậy, đến giai đoạn 2011-2015, toàn bộ các tiểu khu chức năng sẽ đi vào hoạt động có hiệu quả tạo ra sản phẩm hàng hóa có quy mô đủ lớn đáp ứng kịp thời các đơn hàng của thị trường.
Ông Nguyễn Thái Học-Tổng giám đốc Công ty chế biến Nông sản thực phẩm Xuất nhập khẩu Đồng Nai (DONAFOODS) – đại diện cho chủ đầu tư đã phản ánh về những khó khăn khi thực hiện công tác thu hồi đất do tâm lý của người dân vùng dự án còn băn khoăn về việc giải quyết công ăn việc làm sau khi dự án hoàn tất, do không còn đất canh tác, bản thân người dân không có trình độ chuyên môn, không có nghề nghiệp gì khác ngoài nghề nông. Về vấn đề này, đoàn giám sát đã đề xuất với chủ đầu tư việc chú trọng công tác đào tạo nghề cho những hộ dân trong vùng dự án và khu vực lân cận theo các định hướng ngành nghề thích hợp để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển khu nông nghiệp về lâu dài. Như vậy, đây là một việc làm được đánh giá là “nhất cử lưỡng tiện”, không những giải quyết được vấn đề đời sống cho nhân dân vùng dự án mà còn giải quyết được một phần của vấn đề nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất-chế biến tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vốn được dự đoán sẽ là một trở ngại to lớn cho cả chủ đầu tư dự án và các doanh nghiệp thue đất tại dự án.
Việc triển khai thực hiện dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng ứng dụng kỹ thuật cao DONAFOODS là nỗ lực đáp ứng định hướng theo chủ trương Nghị quyết Hội nghị lần VI BCH Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ, đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh đã đặt ra cho năm 2008. Tuy nhiên, có một bất cập và cũng là khó khăn chung cho tất cả các dự án cùng loại, là việc hiện nay khu nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam là mô hình mới nên Chính phủ hiện chưa có quy định về mức ưu đãi cho khu nông nghiệp kỹ thuật cao, mà chỉ cho phép hưởng ưu đãi đầu tư như quy chế khu công nghiệp, như vậy mức ưu đãi là không nhiều, sẽ ít nhiều gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh co văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét đến việc áp dụng các biện pháp khuyến khích đầu tư tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, về phía trách nhiệm của chủ đầu tư, Công ty DONAFOODS và Công ty TNHH Một thành viên Thọ Vực đã thể hiện trách nhiệm và sự linh hoạt trong việc chủ động quản lý diện tích 522 ha đất do Nông trường đang quản lý, không để các hộ phát sinh cất nhà trái phép, đồng thời thành lập Ban quản lý dự án trực thuộc Công ty DONAFOODS có đủ trình độ năng lực và kinh nghiệm để tham mưu cho Ban lãnh đạo công ty. Chủ dự án cũng đã chú trọng đến công tác phối hợp giữa hai dự án DONATABA và DONAFOODS để trao đổi kinh nghiệm, bảo đảm hai chương trình lớn của tỉnh được thực hiện song hành, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cho tỉnh và cho địa phương.
Về diện tích đất 720 ha của Công ty TNHH Một thành viên Thọ Vực, không nằm trong khu vực dự án, tuy nhiên để thể hiện trách nhiệm đối với công tác quản lý và sử dụng đất đai của huyện, của tỉnh, đoàn giám sát đã đề nghị Công ty TNHH Một thành viên Thọ Vực tiến hành khảo sát diện tích đất 720 ha, báo cáo cụ thể hiện trạng trước ngày 30 tháng 6 năm 2008 để UBND huyện Xuân Lộc có cơ sở làm việc với ngành chức năng, thống nhất phương án tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả.
Kim Chung