Những vấn đề cơ bản liên quan đến việc thí điểm nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh

Đăng ngày: 15/08/2011
Xuất phát từ thực tế chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh trong thời gian vừa qua chưa cao, chưa phát huy hết vai trò của Tổ đại biểu và đại biểu trong chức năng giám sát, quyết định và chất vấn giữa hai kỳ họp; mối quan hệ giữa các thành viên trong Tổ đại biểu còn mờ nhạt; chất lượng họp Tổ đai biểu phần lớn chưa đạt yêu cầu nên Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng Đề án thí điểm: “Nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh”.
Tổ đại biểu đơn vị Long Khánh trong buổi giám sát đầu tiên

 Mục tiêu của Đề án đã được thể hiện một cách ngắn gọn, súc tích ngay chính từ tên gọi; thực hiện Đề án đồng thời là việc sẽ thực hiện một việc làm mới đó là tổ chức giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Đây cũng  chính là một trong những nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2008; Nghị quyết số 97/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đồng Nai được kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2007 và đã được Đảng đoàn HĐND tỉnh nhất trí cao trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai.

Có thể nói, “điểm nhấn” của Đề án là triển khai thí điểm giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh còn việc nâng cao chất lượng hoạt động cua Tổ đại biểu đều căn cứ vào những quy định hiện hành nhưng sẽ được nâng lên một bước về chất lượng. Trong điều kiện Luật tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động HĐND do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành chưa quy định To đại biểu có chức năng giám sát; từ thực trạng hoạt động của các Tổ đại biểu và của đại biểu HĐND trong giai đoạn hiện nay như nêu trên, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy cần thiết phải thí điểm nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh nhằm giúp cho các Tổ đại biểu và đại biểu phát huy vai trò, tính chủ động của mình đồng thời hỗ trợ cho Thường trực và các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong tổ chức thực hiện các hoạt động của HĐND hai cấp, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Tổ đại biểu và đại biểu  HĐND tỉnh. Thông qua hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu cũng sẽ giúp cho các kỳ họp cua HĐND có nhiều thông tin từ thực tiễn về các mặt tích cực cũng như những vấn đề còn hạn chế trong việc triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND và những vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình xây dựng, phat triển kinh tế xã hội của tỉnh, qua đó có giải pháp hợp lý, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, tiếp tục đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII  và Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra, đảm bảo nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành đi vào cuộc sống có hiệu quả.

Mục tiêu của Đề án thí điểm nhằm tìm phương thức hoạt động mới giúp nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu, mở rộng thêm chức năng giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh mà pháp luật hiện hành chưa quy định. Yêu cầu là phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Các Tổ đại biểu được lựa chọn thí điểm và các cá nhân có liên quan có trách nhiệm triển khai theo đúng nội dung Đề án và thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên về Thường trực HĐND tỉnh để có sự nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quát, đay đủ và khách quan về kết quả triển khai thực hiện. Giám sát của Tổ đại biểu không làm giảm vai trò và không trùng lắp với giám sát của Thường trực và các ban HĐND cấp huyện nơi tổ chức thí điểm, hoạt động và tổ chức giám sát của Tổ đại biểu sẽ góp phần phát huy chức năng giám sát của HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp với các Tổ đại biểu triển khai thực hiện Đề án.

 Mỗi quý, các Tổ đại biểu được chọn thí điểm (Long Khánh, Long Thành và Xuân Lộc) sẽ tổ chức ít nhất một cuộc khảo sát hoặc giám sát; Thường trực HĐND tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát, trong đó sẽ giao Tổ trưởng hoặc To phó là Trưởng đoàn giám sát các vị đại biểu HĐND tỉnh trong tổ là thành viên tham dự đoàn; thư ký Đoàn giám sát do Tổ chuyên viên giúp việc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm. Thành phần mời tham gia Đoàn giám sát do Thường trực HĐND tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Tổ trưởng. Trên cơ sở kết luận của Trưởng đoàn giám sát và ý kiến thành viên thống nhất các nội dung kết luận của Trưởng đoàn giám sát thì kết luận của Trưởng đoàn sẽ là kết luận chính thức của đoàn giám sát và trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét và ban hành Thông báo kết luận giám sát.

Đến cuối quý IV năm 2008, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm một năm thực hiện Đề án thí điểm.

 

Nguyễn Thị Oanh