Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cấn thiết "

Đăng ngày: 15/08/2011
Từ thực tiễn cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi và phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng sâu sắc vào tuổi trẻ, Người nhận thấy ở đó có bầu nhiệt huyết, sức mạnh tiềm tàng, sự hoài bão, niềm khát khao, tinh thần xung kích trên mọi lĩnh vực của sự nghiệp đấu tranh, gìn giữ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, Người luôn quan tâm, chăm nom, vun trồng cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay có niềm tự hào to lớn là được sinh ra và lớn lên trong một đất nước hòa bình độc lập, có Đảng cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu dạy dỗ, rèn luyện và trưởng thành. Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, thật xúc động biết bao, trước lúc đi xa, năm 1969 trong di chúc của mình, Người đã căn dặn: "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết".

Bởi theo Người, thanh niên là lực lượng rất quan trọng của đất nước là chủ nhân tương lai của dân tộc. Lúc sinh thời, ngay từ buổi ban đầu hoạt động cách mạng, Người đã tập trung cho công tác này, đã truyền bá tư tưởng cách mạng dân tộc, chủ nghĩa Mac-Lênin cho thanh niên, tập hợp những người ưu tú, trẻ tuổi vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để bồi dưỡng và đào tạo thành những hạt nhân cho phong trào cách mạng.

Dưới sự dìu dắt của Người, lớp thanh niên Việt Nam luôn biểu dương lòng yêu nước, ý chí quả cảm, quật cường đã cùng với toàn dân tộc hiên ngang đấu tranh vì nên độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, mà lịch sử mãi mãi còn ghi nhớ những tấm gương chói lọi làm rạng ngơi sông núi của những anh hùng trẻ tuổi như: Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Phan Đình Giót, Nhất Chi Mai, Nguyễn Thái Bình…chúng ta không bao giờ quên những hành động quả cảm, những câu nói bất hữu đã có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước, bẻ gãy xiềng gông, làm khiếp đảm quân thù đó là "con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường đấu tranh cách mạng chứ không thể là con đường nào khác" (Lý Tự Trọng), "nhằm thẳng quân thù mà bắn" (Nguyễn Viết Xuân), "đã đảo Nguyễn Khánh, đã đảo Nguyễn Văn Thiệu, Hồ Chí Minh muôn năm…" trước lúc hy sinh còn gọi Bác ba lần (Nguyễn Văn Trỗi) đây là những con người ưu tú của dân tộc, bởi họ đã được dân tộc di truyền ngọn lửa kiên trung, bất khuất của dòng máu Lạc Hồng từ đời này sang đời khác.

Ngày nay trong hòa bình thống nhất Tổ quốc, lực lượng thanh thiếu niên nước ta rất to lớn, chiếm hơn 36% dân số cả nước, trên 55% lao động xã hội, là nguồn nhân lực quan trọng, giàu tiềm năng, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, năng động, sáng tạo, giàu khát vọng, ham học hỏi, có tinh thần xung phong tình nguyện, luôn ủng hộ và hăng hái tham gia công cuoc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, là nguồn lực hùng hậu để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có được những kết quả ấy là do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện. Tuy nhiên, lực lượng này cũng đứng trước những thử thách hết sức gây gắt, đó là các thế lực luôn tìm cách ru ngủ, lôi kéo làm phai nhạt ý chí cách mạng, làm ảnh hưởng đến hệ tư tưởng, lối sống, đạo đức tuổi trẻ, vẫn còn một bộ phận thanh niên thất nghiệp, trình độ tay nghề, học vấn thấp, thiếu ý chí vươn lên, lười lao động, thích hưởng thụ, coi nhẹ các giá trị truyền thống…

Do vậy hơn lúc nào hết, nhiệm vụ bồi dưỡng giáo dục cho thế hệ trẻ lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn của dân tộc. Bác Hồ đã từng nói "nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu một phần là do thanh niên", Nghị quyết hội nghị lần thứ 04 BCH Trung ương Đảng (khoá VII) về công tác thanh niên đã chỉ rõ "sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng có vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn là tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên". Như vậy, rất rõ ràng bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết.

Nội dung nhiệm vụ bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ là chăm lo bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị tư tưởng, chú trọng  đủ các mặt về đạo đức cách mạng, giác ngộ ý thức xã hội chủ nghĩa, lối sống, văn hoá, sức khoẻ, nghề nghiệp, lao động; phát triển tài năng và sức sáng tạo; phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đào tạo thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".

Theo Hồ Chủ Tịch, chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn xã hội, của gia đình, nhà trường, của các đoàn thể…nhưng trước hết là trách nhiệm của Đảng. Hồ Chí Minh khẳng định "để thế hệ trẻ xứng đáng với tương lai thì thế hệ đi trước, những bậc cha anh phải có trách nhiệm bồi dưỡng thế hệ trẻ" và Người chỉ rõ, nhiệm vụ của chăm lo giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ là làm cho thanh niên luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành vối sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho.

Trách nhiệm học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ để xứng đáng với sự chăm lo, bồi dưỡng của Đảng, Bác Hồ: Đảng và Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và giáo dục toàn diện thanh niên, thiếu niên nhi đồng. Trong thời chiến cũng như trong hoà bình, luôn đặt niềm tin vào thanh niên, trao cho thanh nhiên những trọng trách quan trọng, song cũng đòi hỏi ở thanh niên sự phấn đấu vươn lên. Thanh niên ngày nay không thể có và không được phép lựa chọn con đường nào khác, mà phải tiếp tục, hăng hái, xung phong gương cao ngọn cờ độc lập, tiến công mạnh mẽ vào khoa học công nghệ, thực hiện nhiệm vụ lịch sử trọng đại là nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến lên chủ nghĩa xã hoi bằng chính ý chí quật cường, tài năng, trí tuệ của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã nói "nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã làm những gì cho mình? mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước" và Người vận dụng quan điểm của Lênin "không học thì không thể trở thành người cộng sản được", Hồ Chí Minh đã nói: "muốn thức tỉnh dân tộc trước hết phải thức tỉnh thanh niên" vì một dân tộc dốt là dân tộc yếu và người cán bộ cách mạng Việt Nam phải nhớ "cán bộ phải có văn hoá gốc" vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất định phải có học thức và trước hết phải có con đường xã hội chủ nghĩa. Thật là ý nghĩa biết bao khi Bác căn dặn những chủ thể tương lai của dân tộc để chúng ta cùng nhau suy ngẫm: "thanh niên muốn làm những người tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra sức làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó…".

Do đó, hơn ai hết là đoàn viên thanh niên phải ra sức học tập, học mọi lúc mọi nơi, học một cách toàn diện và lẽ đương nhiên phải xác định rõ động cơ học tập là học để làm người, học để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đúng như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX…ý nghĩa cuộc sống của mỗi người, nhất là lớp trẻ, không chỉ bó hẹp trong đời sống riêng tư mà phải vươn lên, gắn mình với xã hội, quan tâm tới mọi người, tới Tổ quốc, tới nhân dân trở thành lý tưởng và hoài bão lớn. Lý tưởng cách mạng của thanh niên, của dân tộc ta là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hoi, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, trước hết là cách sống, học phong cách của Hồ Chí Minh, là hiểu được tâm huyết, tình cảm và kỳ vọng của Người vào thế hệ trẻ. Tư tưởng của Người là tiếng kèn thúc dục, là động lực, hành trang, là sức mạnh to lớn để tuổi trẻ Việt Nam sống chiến đấu, lao động học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, đem hết sức lực và tài năng trẻ, quyết tâm xây dựng đất nước ta "to lớn hơn", "đàng hoàn hơn" xứng đáng sánh vai cùng bạn bè năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Viên Hồng Tiến - Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai