Thị trường sau tết Mậu Tý: Giá thực phẩm tăng chóng mặt

Đăng ngày: 15/08/2011
Chỉ mấy ngày sau tết, giá cả các mặt hàng phục vụ đời sống, nhất là giá thực phẩm tăng cao chóng mặt. Tình trạng này đã ảnh hưởng khá nhiều tới đời sống nhân dân, nhất là đa số những người lao động.
Thịt tươi luôn được đẩy giá cao
Giá thực phẩm tại hầu hết các chợ trên địa bàn thành phố Biên Hòa thời điểm sau tết lại một lần nữa khiến các bà, các cô nội trợ “méo mặt”. So với thời điểm trước tết, giá nhiều mặt hàng không những không giảm mà còn tăng rất mạnh từ 40% đến 80%, thậm chí có mặt hàng tăng tới 100%. Tại chợ K8, thuộc 2 phường Long Bình và Long Bình Tân, chợ có tiếng là có giá bán “khá mềm” và phù hợp với đa số người lao động tại các KCN Biên Hòa 1, 2, Loteco, và khu cận Long Thành thế nhưng ở thời điểm ngày 10 tết âm lịch, cá lóc ở mức 45.000 đồng/kg, so với trước tết tăng 17.000 đồng; thịt heo ở mức giá 85.000- 97.000 đồng kg; thịt bò ở mức 100.000-110.000 đồng/kg tùy loại; gà ta cũng được đẩy nhanh không kém với mức giá là 110.000-117.000 đồng/kg. Các mặt hàng rau xanh, trái cây cũng tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm trước tết: rau cải co mức giá 4000 đồng/mớ, trước tết là 1000 đồng; rau xà lách 12.000-15.000 đồng/kg, trước tết là 6000-7500 đồng. Cam quýt và các loại trái cây cũng theo đó tăng vọt với mức 30.000 đồng/kg cam sành, 25.000 đồng/kg quýt Thái Lan, cam đỏ cũng ở mức 28.000 đồng… so với trước tết đều tăng từ 3-4 lần.

Chị Thanh Bình, phường An Bình cho biết: chính nhu cầu được ăn những món tươi sau những ngày tết đã đẩy giá thực phẩm tăng cao như vậy. Ngày mùng 7 tết, gia đình tôi làm cơm đãi bạn bè tân niên để bước vào một năm làm việc mới với những món rất đơn giản như lẩu thập cẩm, gà ta và bánh tráng cuốn cho 8 người ăn mà đã hết gần 750.000 đồng, cũng là những món ấy nhưng thời điểm trước tết chỉ 350.000-400.000 đồng là tươm tất. Vậy mà!...bỏ lửng câu nói nhưng chị Bình cùng nhiều người nội trợ khác đều chóng mặt khi ngày nào cũng phải suy nghĩ tới việc đi chợ cho hai bữa ăn.

Ra đến chợ, nhiều người đều choáng váng trước mức giá mà người bán nêu lên như tôm cá, thịt bò, rau xanh và các loại trái cây. Điều ngạc nhiên hơn cả là các loại xương hầm dùng cho nước lẩu, nước lèo đều được đẩy lên nhanh chóng như xương ống 60.000 đồng/kg, xương cùi 75.000 đồng/kg, trong khi sườn thăn cũng chỉ 80.000-85.000 đồng/kg…chưa bao giờ giá các mặt hàng lại ngược chiều như thế, xương còn đắt hơn cả thịt. Nhưng để có một nồi lẩu ngon, một nồi nước lèo hấp dẫn thì nước dùng được hầm từ các loại xương phải ngon thế nên những người bán cứ vô tư tăng giá.

Cùng với giá thực phẩm tăng nhanh, giá các mặt hàng ăn nhanh, các quán vỉa hè cũng thi nhau đẩy giá. Một tô bún riêu khu vực quốc lộ 15 cũ (đọan từ cổng 10 đến cổng 11) trước tết chỉ từ 4000-6000 đồng thì nay cũng được đẩy lên tới mức 10.000 đồng, tô phở là 15.000 đồng và miến cũng tương tự. Giá này trong nội ô Biên Hòa là bình thường song tại khu vực nêu trên là vượt quá tầm tính toán của đại đa số người lao động tại các KCN. Chị Trần Thị Anh, công ty All Super nói: giờ em phải tiết kiệm bằng cách buổi tối nấu cơm dư một chút, sáng dậy có cái lót dạ đến công ty, chứ một ổ bánh mì patê cũng mất 5000-6000 đồng, bằng cả tiếng tăng ca nên phải tính lại chị ạ. Tương tự nhiều người lao động cũng có chung tâm sự và đều than thở khi giá cả tăng vọt sau tết.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Anh, Vụ Thị trường giá cả, Bộ Tài Chính thì năm 2008, mức tăng trưởng GDP của cả nước vẫn được đẩy nhanh dự báo sẽ tăng ở mức trên 8,5% do đó lạm phát nhanh là vấn đề dễ hiểu. Có điều Chính phủ và các ngành cũng phải cân đối điều tiết các chính sách vĩ mô như tiền tệ, tăng cung hàng hóa, tăng lãi suất căn bản, lãi suất chiết khấu và có các chính sách điều tiết vĩ mô như điều chỉnh cân bằng tỷ giá hối đoái giữa xuat và nhập khẩu phù hợp mới mong chương trình chống lạm phát có hiệu quả.

Song thực tế, với kinh nghiệm buôn bán lâu năm, nhiều hộ kinh doanh được hỏi đều nhận định, giá cả sẽ còn cao ít nhất cho đến qua ngày rằm, thậm trí hết tháng giêng. Cùng với các chính sách điều tiết của Nhà nước và chỉ đến khi các nguồn hàng trở lại mức ổn định và sức mua đã cân đối thì cơn sốt giá mới hạ nhiệt và đời sống nhân dân, nhất là người lao động mới bớt lao đao.

N.Trinh