Giao ban giữa Ban VHXH và Ban KTNS.HĐND tỉnh với Ban Kinh tế-Xã hội HĐND cấp huyện được duy trì thường xuyên và đem lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động HĐND.

Đăng ngày: 15/08/2011
Vừa qua, Ban Văn hóa- Xã hội và Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh đã tổ chức họp giao ban định kỳ hàng quý theo quy định, nhằm trao đổi kinh nghiệm hoạt động, đánh giá kết quả năm 2007 và xây dựng chương trình phối hợp hoạt động với Ban Kinh tế- Xã hội các huyện, thị xã và thành phố Biên Hoà năm 2008 và thống nhất chương trình hoạt động quý I/2008, cuộc giao ban được tổ chức tại Hội trường Huyện ủy huyện Cẩm Mỹ.
Qua kết quả đạt được trong thời gian qua của Ban VH-XH, Ban KT-NS. HĐND tỉnh và Ban KT-XH HĐND cấp huyện đã cơ bản hoàn thành chương trình phối hợp công tác: Quan hệ phối hợp 2 Ban HĐND tỉnh và Ban KT-XH trong hoạt động thẩm tra, giám sát và trao đổi thông tin giữa các Ban  HĐND tỉnh với Ban KT-XH được duy trì thường xuyên và đem lại hiệu quả thiết thực, các đề nghị của Ban KT-XH HĐND cấp huyện được các Ban HĐND tỉnh đáp ứng kịp thời. Nội dung giao ban trao đổi kinh nghiệm được đổi mới, ngoài việc trao đổi kinh nghiệm giữa các Ban HĐND, hai Ban HĐND tỉnh đã mời đại diện một số Sở, Ngành đến dự họp và cung cấp thông tin, trao đổi về nghiệp vụ liên quan đến hoạt động giám sát ở các lĩnh vực: về tài chính, về đầu tư và xây dựng cơ bản, về Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong công tác phối hợp giám sát giữa các Ban HĐND tỉnh với Ban KT-XH HĐND huyện như: một số nội dung các Ban KT-XH đề nghị Ban KT-NS tổ chức phối hợp giám sát và ngược lại chưa thực hiện được; Nội dung phối hợp giám sát của các Ban HĐND tỉnh đề ra khá nhiều, đề cương giám sát chưa cụ thể, thời gian thực hiện việc giám sát quá ngắn làm huyện lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của huyện. Ngoài ra, do chương trình họp giao ban có nhiều nội dung, hai Ban HĐND tỉnh cần rút kinh nghiệm nhất là cung cấp thông tin, cần phải bố trí thời gian làm việc nhiều hơn để không làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu thông tin của cuộc họp.

Qua trao đổi thông tin được các Ban HĐND đã rút ra một số kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra, đó là:

* Sau khi có Thông báo liên tịch về chương trình, nội dung kỳ họp HĐND, các Ban HĐND cần chủ động: cử thành viên tiếp cận với đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo để được tham gia vào việc xây dựng đề án, tờ trình ngay từ đầu. Chủ động tìm kiếm các văn bản có liên quan và nghiên cứu kỹ các quy định để nắm bắt các cơ sở pháp lý và áp dụng vào việc xem xét, chất vấn khi thẩm tra. Yêu cầu với cơ quan soạn thảo và tổ chức các phiên họp giám sát đối với đơn vị soạn thảo tờ trình, báo cáo, khi kết thúc phiên họp, người chủ trì cần có các kết luận cụ thể về những nội dung chấp nhận và các nội dung cần chỉnh sửa cho đúng pháp luật và những kết luận này phải được thể hiện vào biên bản gửi cho đơn vị được giám sát.

* Sau khi có Báo cáo, Tờ trình chính thức của cơ quan trình dự thảo Nghị quyết, Ban HĐND cần tiến hành xem xét nội dung tờ trình, báo cáo. Chú ý xem xét việc tiếp thu ý kiến của Ban HĐND đã đóng góp cho cơ quan soạn thảo. Sau đó, tổ chức các phiên họp thẩm tra đối với cơ quan, tổ chức trình dự thảo Nghị quyết.

Hội nghị đã thống nhất chương trình phối hợp hoạt động năm 2008 tập trung một số nội dung sau: Chính sách tín dụng đối với hộ nghèo; Tình hình hoạt động ở các cơ sở nuôi dạy trẻ; Tình hình ô nhiễm môi trường; Tình hình huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và ở nhà trường; Tình hình quản lý quy hoạch sử dụng đất; Thực hiện xã hội hóa theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của chính phủ; Duy trì và tăng cường giao ban HĐND cấp huyện với cấp xã.

KNgọc