Có một đại biểu hội đồng nhân dân như thế

Đăng ngày: 15/08/2011
Bài viết được giải Nhất đợt II của cuộc thi "Viết về chân dung người đại biểu nhân dân Đồng Nai" do Thường trực HĐND tỉnh phát động
Đêm văn nghệ cây nhà là vườn của Đại học Luật thành phố Hồ Chí minh, cả Hội trường lặng đi trước tiếng hát của Điểu Hoàng, anh Sinh viên người dan tộc Châuro, người con xã Túc Trưng anh hùng huyện Định Quán với ca khúc “Chiếc vòng cầu hôn” của nhạc sỹ Trần Tiến. Cuộc thi đó, anh đạt giải nhất đơn ca, cũng từ đấy anh nổi danh là cây văn nghệ của trường.

Những nam 1990, sinh viên Luật ra trường đi xin việc không phải là việc khó. Nghe tin anh về huyện miền núi Định Quán công tác đã là chuyện bất ngờ, bất ngờ hơn là anh về làm … cán bộ xã, bạn bè trụ lại ở thành phố không khỏi ái ngại cho một ông Cử về làng bởi dẫu sao thì điều kiện làm việc ở xã sẽ không tránh khỏi những thiếu thốn, khó khăn.

Gặp lại Điểu Hoàng sau hơn 10 năm, đã chững chạc nhiều so với thời sinh viên nhưng vẫn nụ cười ấm áp, vẫn mê văn nghệ, vẫn là cán bộ Tư pháp xã, chỉ thêm là anh đã được tín nhiệm bầu làm Đại biểu HĐND huyện Định Quán khóa 9 nhiệm kỳ 2004-2009. Công việc của người cán bộ Tư pháp xã vẫn tất bật với những khai sinh, kết hôn khai tử, thay đổi cải chính hộ tịch, chứng thực, với những buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, những cuộc hòa giải các tranh chấp vốn thường phát sinh trong cộng đồng dân cư từ những nguyên nhân rất đời thường; công việc bồn bề là thế vẫn thấy anh vui, một niềm vui vì mình là người có ích và khiến cho tôi cảm giác là anh đã không lầm khi chọn Túc Trưng là nơi vào đời để thể hiện kiến thức nhà trường.

Xã Túc Trưng là một xã anh hùng với 4/9 ấp là nơi đồng bào dân tộc Châu-ro sinh sống. Một bộ phận lớn là công nhân cao su, mặc dù trong những năm gần đây đời sống của công nhân cao su đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Mà đời sống nhân dân khó khăn thì công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động của Đại biểu cũng có cái khó của nó do người dân chỉ chú tâm vào công việc làm ăn mà lơ là trước những vấn đề của xã hội. Trong đieu kiện, hoàn cảnh như thế đòi hỏi người đại biểu cần phải phát huy cao vai trò của mình để gắn kết chính quyền với nhân dân và Điểu Hoàng đã làm được điều đó.

Nhiều người dân đến UBND xã liên hệ công việc là tìm gặp Điểu Hoàng trước: Làm hộ khẩu, các thủ tục về đất đai… biết rõ không phải là việc của Điểu Hoàng nhưng vẫn tìm đến. Để được nhận những lời tư vấn, hướng dẫn tận tình. Trong cách nói chuyện với nhân dân của anh, tôi nhận thấy nụ cười thường trực, nét thẳng thắn, chân thành, nói thẳng vào vấn đề, không vòng vo dài dòng, chuyện gì đúng thì khuyên làm, chuyện thấy sai kiên quyết cản.

Nghe anh tiếp dân, câu chuyện cứ líu lo chuyển từ tieng Kinh sang tiếng Châu-ro. Anh cười, xin lỗi trước cái vẻ ngơ ngác nghe mà không hiểu của tôi:“ Đồng bào dân tộc Châu-ro mình cũng có những người không rành hết tiếng Kinh, mình phải chuyển sang tiếng Châuro để nhân dân hiểu ”. Anh “khoe” những thuận lợi của mình: Đi hòa giải, đi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở những ấp có đông đồng bào sinh sống mình cũng sử dụng hai thứ tiếng; nói tiếng Việt một hồi, nhìn bà con mình thấy nhiều người có vẻ chưa “thấm” thì chuyển hướng, đấy cũng là một nghệ thuật trong công tác tuyên truyền. Thể hiện tiếng Châu-ro với đồng bào mình nhất là trong những phiên hòa giải thấy gần gũi, ấm áp hơn, dễ thuyết phục và hiệu quả cao hơn. Thế nên có nhiều cuộc hôn nhân đã đứng trước bờ của sự tan vỡ thì nhờ tài của Điểu Hoàng, “gương” đã rạn nứt lại lành… Nếu như chỉ làm theo đúng nhiệm vụ một cách đơn thuần thì hòa giải không được là chuyển Tòa án nhưng với Điểu Hoàng thì khác. Có những cặp vợ chồng sau khi được hoà giải, đoàn tụ rồi, gặp mặt là cảm ơn Điểu Hoàng, anh bảo, vui và hạnh phúc lắm khi được nhận những lời cảm ơn như thế nhưng để có được cũng là cả một quá trình tìm hiểu, thuyết phục, là lặn lội đến tận nhà, gặp từng người để kiên trì hòa giải mà đôi khi chính anh cũng phải ngạc nhiên về tính kiên trì của chính mình. Nhưng vào việc rồi thì say việc, thì đeo bám cho đến cùng, đấy cũng là niềm vui, là trách nhiệm của mình trước nhân dân.

Tôi nhẩm so sánh về “công suất” tiếp dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng nhân dân của Điểu Hoàng; với thực tế luôn luôn có người chờ đến lượt giải quyết công việc tại Tư pháp xã thì quả thật con số tiếp công dân mỗi tháng của anh là một con số không nhỏ. Đó là chưa kể đến những buổi tuyên truyền, hòa giải, phối hợp trợ giúp pháp lý cho đồng bao, những lần như thế ý kiến của nhân dân là nhiều vô số kể. Với cương vị công tác, Điểu Hoàng đã điều phối hài hòa giữa nhiệm vụ của một công chức và trách nhiệm một đại biểu HĐND. Điểm mạnh của Điểu Hoàng so với nhiều ĐBHĐND khác là nghe ý kiến, phản ánh của nhân dân thì hầu hết đều có thể tham mưu cho UBND giải quyết hoặc giải quyết ngay, không phải thực hiện bước chuyển đến các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trừ khi những vấn đề đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã. Ở xã, lĩnh vực Tư pháp và địa chính là hai lĩnh vực được nhân dân “thăm hỏi” nhiều nhất. Nhiều việc thì sẽ có nhiều ý kiến, nhiều phản ánh từ phía nhân dân. Có khi dan không hiểu hết vấn đề thì phản ánh, kiến nghị; mình là người trong cuộc, nghe, giải thích ngay cho nhân dân hiểu vấn đề đó thực hiện như thế nào, thủ tục ra sao hoặc tại sao không thực hiện được nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trả lời ngay với dân như thế tránh được việc để  một nỗi băn khoăn hay ấm ức kéo dài dễ gây nên sự hiểu lầm hay mâu thuẫn không đáng có. Mà việc này thì Điểu Hoàng vẫn thường xuyên làm và làm một cách troi chảy.

Nghe anh nói, thấy việc anh làm, câu hỏi mà tôi vẫn canh cánh lâu nay để đợi đến khi gặp mặt anh mà hỏi rằng: “Anh có ân hận không khi mười mấy năm qua đã chọn làm cán bộ Tư pháp xã Túc Trưng?” đã thành thừa thãi.  

Nam