Một số dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua

Đăng ngày: 15/08/2011
Tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai đã thông báo kết quả kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XII, trong đó có việc Quốc hội xem xét, thông qua 7 dự án luật, đó là:
1. Luật đặc xá: Luật gồm 6 chương, 35 điều. Nội dung Luật thể hiện chính sách khoan hồng đặc biệt của nhà nước tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù. Luật quy định về thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; các trường hợp không được đề nghị đặc xá; trình tự, thủ tục lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá; người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2008.

2. Luật tương trợ tư pháp: Luật gồm 7 chương, 71 điều. Nội dung của Luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài. Những quy định này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để nước ta đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế. Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp; trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp; phạm vi áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp ở Việt Nam. Để tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng, Luật quy định thẩm quyền thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp như Bộ Tư pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an và nhiều cơ quan khác. Tuy nhiên, cơ quan nào khi tiếp nhận và thực hiện thẩm quyền theo lĩnh vực phụ trách phải thông báo cho Bộ Tư pháp tổng hợp. Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.

3. Luật thuế thu nhập cá nhân: Luật gồm 6 chương, 35 điều. Luật này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng nộp thuế, các khoản thu nhập không phải nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế. Luật cũng quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc quản lý thuế và xử lý vi phạm thuế. Căn cứ tính thuế theo luật này là những thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng, thừa kế, quà tặng. Luật cũng quy định về việc giảm trừ gia cảnh, giảm trừ từ việc đóng góp từ thiện, về biểu thuế luỹ tiến từng phần, toàn phần; quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú và không cư trú ở Việt Nam. Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

4. Luật chất lượng, sản phẩm hàng hoá: Luật gồm 7 chương, 72 điều. Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam và một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Các cơ quan nhà nước công bố tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá, quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp của cá tổ chức thử nghiệm, giám định, kiểm định và chứng nhận chất lượng theo yêu cầu của nhà nước và doanh nghiệp. Luật quy định và phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan kiểm tra và thanh tra chuyên ngành; quy định việc khen thưởng và đặt giải thưởng về chất lượng hàng hóa nhằm khuyến khích việc sản xuất kinh doanh những hàng hoá, sản phẩm có lợi ích cho xã hội; quy định về giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.

5. Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm: Gồm 6 chương, 63 điều. Nội dung của Luật quy định về phòng bệnh truyền nhiễm; chống dịch; kiểm dịch y tế biên giới; các điều kiện đảm bảo cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tại Việt Nam. Theo Luật này, các loại bệnh truyền nhiễm được phân chia theo nhóm để người dân hiểu rõ tính nguy hiểm của mỗi loại bệnh và quy định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, vệ sinh phòng bệnh trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, về vệ sinh phòng bệnh trong cung cấp nước sạch, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh chăn nuôi, vận chuyển gia súc, gia cầm; giám sát các bệnh truyền nhiễm; quy định về việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc. Luật cũng quy định về việc chống dịch, phân định thẩm quyền công bố dịch cho ba chủ thể là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ; quy định về nguyên tắc, thẩm quyền ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Luật không điều chỉnh việc phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS) vì đã có Luật phòng, chống HIV/AIDS điều chỉnh. Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.

6. Luật phòng, chống bạo lực gia đình: gồm 6 chương, 45 điều. Luật quy định các hành vi bạo lực gia đình; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình; các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình như việc thông tin, tuyên truyền, hòa giải mâu thuẫn và tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình; việc tư vấn, phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư; quy định về trách  nhiệm, thủ tục và thời gian của các cơ quan nhà nước, TAND đối với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình…Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.

7. Luật hóa chất: gồm 10 chương, 71 điều. Ngoài một số quy định chung về nguyên tắc, chính sách của nhà nước và một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất, Luật còn quy định về quy hoạch phát triển công  nghiệp hóa chất; trách nhiệm cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức đối với dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hóa chất, bảo đảm an toàn, các điều kiện vật chất kỹ thuật, chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; quy định về trình tự, thủ tục cấp, nội dung và thời hạn, gia hạn, sửa đổi, thu  hồi giấy phép kinh doanh hóa chất; quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước như thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấtp trong hoạt động hóa chất. Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.

Ban Biên tập