|
Ông Huỳnh Văn Huệ-PGĐ Sở Tài chính phát biểu về thực hiện chỉ tiêu thu NS năm 2007 |
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 3.380.051 triệu đồng, đạt 105% dự toán năm, bằng 110% so với cùng kỳ; Các khoản thu được để lại quản lý qua ngân sách (thu lĩnh vực xổ số kiến thiết) ước thu là: 344.200 triệu đồng, đạt 100% dự toán năm, bằng 86% so với cùng kỳ.
Nhìn chung trong các năm qua, Trung ương giao dự toán đối với tỉnh Đồng Nai (từ 2005 đến 2007) là rất cao, vượt quá khả năng nguồn có của tỉnh. Việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách là rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền địa phương, các ngành. Nhưng với sự chỉ đạo sâu sát ngay từ đầu năm của Thường trực tỉnh ủy, thường trực HĐND tỉnh đã tạo khí thế phấn đấu hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách. Tuy nhiên, việc hoàn thành thu ngân sách đạt về tổng thể nhưng trong cơ cấu thu thì không đạt được; vì không có nguồn cân đối như: xí nghiệp quốc doanh Trung ương, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; dẫn tới mất cân đối ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh), ảnh hưởng lớn đến việc điều hành chi ngân sách.
Mặc dù có những thuận lợi trong công tác tổ chức thu thuế, nhưng cũng còn không ít những khó khăn trong công tác thu thuế năm 2007, như:
Có những thay đổi về chế độ, chính sách Nhà nước, có tới 1.812 dòng thuế nhập khẩu được công bố cắt giảm (chiếm 17% biểu thuế cam kết); đồng thời giảm thuế sớm hơn cam kết đối với mặt hàng ô tô chở người (từ 90% xuống 80%), giảm thuế suất các mặt hàng: sữa, gạch, ... (nay xuống còn 0%) cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn thu đối với lĩnh vực này.
Việc áp dụng chính sách cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo lộ trình CEPT (Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung) năm 2007, đó là việc cắt giảm các dòng thuế xuống còn từ 5% đến 0% đã làm giảm số thu thuế gần 69.000 triệu đồng. Mặc khác, có một số doanh nghiệp nộp thuế hàng năm lớn như: Công ty Vedan, Shell, VMEP, Visuco, BHP, Nippon, Dona Biti’s, … năm nay đã giảm đáng kể số tiền thuế nộp do được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ các nước có ký kết quan hệ tối huệ quốc với Việt Nam.
Giá đầu vào của các nguyên, nhiên, vật liệu tăng như: xăng, dầu, gas, giá ngoại tệ, giá vàng và tiền lương, … đã làm tăng chi phí hạch toán đầu vào của giá thành sản phẩm, trong khi đó giá bán ra không tăng hoặc tăng nhẹ. Mặt khác sức mua, sức tiêu thụ sản phẩm chậm, hàng tồn kho nhiều. Do đó số thu ngân sách cũng bị giảm.
Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế quốc doanh, đa số chỉ tiêu đăng ký vốn ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế của đơn vị (cao hơn hoặc là thấp hơn nhiều) nên việc xác định số thuế phải nộp trên tờ khai của đơn vị là rất khó.
Mặc dù chỉ đạo ngành thuế tích cực trong công tác thu nợ thuế của các tổ chức, cá nhân nhưng trong năm 2007 số thu từ nợ thuế của năm trước chuyển qua là 81.226 triệu đồng (giảm so với năm 2006 là 93.315 triệu đồng). Mặc khác, số thuế của các doanh nghiệp đã nộp thừa chuyển sang bù trừ vào năm 2007 là 744.578 triệu đồng (tăng so với năm 2006 là 375.764 triệu đồng).
Tình hình cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trong sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; sự thay thế nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu mua trong nước, … tình hình biến động giá cả các mặt hàng chủ yếu trên thị trường nội địa như xăng, dầu và giá vàng tăng cao.
Ngoài ra mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tăng nhưng do chủ yếu thuộc loại hình doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp gia công, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu (chiếm 56% trên tổng số doanh nghiệp) nên tốc độ tăng thu ngân sách thấp hơn tốc độ tăng kim ngạch.
Trong những khó khăn của công tác thu thuế, thì nguyên nhân mang tính chủ quan làm giảm nguồn thu tương đối nhiều và khó khắc phục đó là:
Công tác bố trí nhân sự thực hiện từ đầu năm nhưng các cán bộ lãnh đạo được điều chuyển sang nhiệm vụ mới chưa kịp tiếp cận để nắm bắt được công việc chuyên môn, hình thức theo dõi kiểm tra và thu nộp có cải tiến theo hướng tinh gọn nên bước đầu còn chậm trong khâu phối hợp thực hiện.
Thu tiền sử dụng đất: chủ yếu thu nợ các dự án đã được giao từ ngày 31/12/2006 về trước. Hiện nay, các dự án đang trong quá trình thực hiện bồi thường giải tỏa, tiến độ thực hiện còn chậm do trong thời gian qua chính sách về bồi thường có nhiều thay đổi kéo dài, dẫn đến chậm giao đất, mà quyết định giao đất là cơ sở để thu tiền sử dụng đất theo quy định. Mặt khác, tình hình kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh không diễn ra sôi động, thậm chí đóng băng nên các chủ dự án chậm nộp tiền sử dụng đất, có tâm lý chờ đợi, kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất. Đồng thời, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan và UBND cấp huyện chưa đồng bộ trong việc đôn đốc, kiểm tra để kịp thời có biện pháp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc hoặc trình cơ quan thẩm quyền xử lý kéo dài, đây là nguyên nhân làm các dự án chậm triển khai hoặc bị kéo dài thời gian nộp tiền sử dụng đất. Hơn nữa theo quy định của Nhà nước, việc xác định đơn giá đất làm cơ sở nộp tiền sử dụng đất phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường đã làm cho công tác xác định giá khó khăn, làm chậm thời gian hành thu của cơ quan thuế.
Lĩnh vực thu từ xí nghiệp quốc doanh Trung Ương, tuy tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 21%), nhưng chỉ đạt 89% so dự toán năm . Đó là vì đa số các doanh nghiệp đang trong thời gian miễn giảm thuế do cổ phần hóa (24/36 doanh nghiệp).
Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là lĩnh vực có số thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dự toán thu nội địa được giao (chiếm 39,74%), mặc dù số thu năm 2007 tăng 12% so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 77% so với dự toán năm. Đây là lĩnh vực mà từ năm 2005 đến nay có số thu đều không đạt dự toán, nguyên nhân là do chỉ tiêu giao dự toán quá cao. Trong quá trình tổ chức thực hiện thu từ đầu năm đến nay, có một số nguyên nhân ảnh hưởng dẫn đến số thu của lĩnh vực này đạt thấp như: Có 156 dự án đang thực hiện miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; 322 dự án phát sinh lỗ (106 dự án đăng ký chuyển lỗ vào năm 2007 với số thuế đề nghị chuyển là 939.235 triệu đồng); có 199 dự án sản xuất sản phẩm 80% là xuất khẩu. Đồng thời trong năm 2007 có nhiều đơn vị kinh doanh lỗ lũy kế từ các năm trước chuyển sang (9 đơn vị), với doanh thu lỗ dự kiến lên đến cả ngàn tỷ đồng, trong đó có những doanh nghiệp có số lỗ rất lớn, như công ty TNHH Hưng Nghiệp FORMOSA (trên 680 tỷ đồng), công ty HOULON (trên 180 tỷ đồng), công ty TNHH Viko Glowin (trên 180 tỷ đồng), công ty TNHH Kao Việt Nam (trên 150 tỷ đồng), một điều cần nêu đó là có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngòai báo lỗ liên tục nhiều năm, nhưng vẫn đăng ký tăng vốn mở rộng sản xuất.
Tình hình tiêu thụ ô tô, xe máy của một số Công ty giảm mạnh do thương hiệu không đủ sức cạnh tranh, sau khi quyết toán thuế năm 2006 đã phát sinh lỗ đến 160 tỷ đồng, làm giảm nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số công ty sản xuất ô tô, xe máy trong năm 2007.
Với những nguyên nhân chủ quan trên, nếu không có giải pháp điều hành tích cực hơn thì khó đạt được số ước, trong khi thời gian chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm 2007.
Nguyễn Thị Phi