ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP - MỘT CON NGƯỜI HẾT SỨC DUNG DỊ VÀ TÌNH CẢM

Đăng ngày: 15/08/2011
Ngày 26 tháng 8 vừa rồi, Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân cả nước trân trọng chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc của Bác Hồ, Người anh cả của các Lực lượng vũ trang nhân dân - Người mà được cả thế giới ngưỡng mộ về tri thức quân sự - chính trị tài ba, ngay cả đối phương cũng phải kính nể, thán phục thượng thọ 96 tuổi (08/1911-8/2007).
Tôi vốn là một người lính chiến trận, thật may mắn và hạnh phúc nhiều lần được gặp Đại tướng ở các thời điểm và vị trí khác nhau. Nhân dịp kỷ niệm Hội cựu chiến binh Việt Nam 18 tuổi (06/12/1989-06/12/2007) và QĐND Việt Nam hơn sáu mươi năm ra đời (22/12/1944-22/12/2007), tôi xin ghi lại niềm hạnh phúc ấy để cùng chia sẻ với quý bạn.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta đang ở vào giai đoạn hết sức nóng bỏng và quyết liệt. Đế quốc Mỹ và tập đoàn hiếu chiếu Nhà Trắng lầu Năm Góc cậy thế nhiều tiền, lắm của ngang ngược đưa quân đội và trang bị vũ khí mạnh hòng đè bẹp phong trào cách mạng Miền Nam nước ta. Đồng thời huy động một lực lượng khổng lồ hải quân, không quân mở rộng chiến tranh ra miền Bắc với tính chất hủy diệt. Chúng ảo vọng, với lượng sắt thép sẽ đẩy lùi Việt Nam về thời kỳ “đồ đá”. Các nước bầu bạn yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới hết sức lo lắng cho Việt Nam đất không rộng, người không đông lắm, kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu... liệu có đủ khả năng chống chọi với tên sen đầm quốc tế, mà đội quân nhà nghề của chúng được trang bị hiện đại, chưa từng nếm đòn thất bại khi đi xâm lược nước ngoài? Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân nhiều đêm không ngủ khi nghĩ về vận nước, tìm muôn phương ngàn kế để từng bước đánh bại quân xâm lược. Phong trào: Cả nước ra quân, toàn  dân là lính, khẩu hiệu: Tất cả vì Miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược... như thôi thúc muôn người.

Hòa chung với khí thế hào hùng ấy, vào một đêm tối trời, dù thời tiết đã chuyển sang xuân, song những đợt gió Đông Bắc còn thổi về lạnh buốt. Vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 19/3/1967 tại Trường Cán bộ dân tộc Trung ương đóng trên địa bàn xã Phùng Khoang, huyện Từ Liêm, Hà Nội (Nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Chúng tôi ai vào việc ấy, như thường lệ một buổi tập chính thức được bắt đầu! Khi khẩu lệnh từ người chỉ huy được phát ra: Tất cả đứng dậy! Lúc ấy ai nấy rất ngỡ ngàng vì đã thấy có một đoàn khách tới tham quan bộ đội đặc công thao diễn kỹ thuật, chiến thuật. Xong đâu đó, chúng tôi vào hội trường tập trung như một cuộc sinh hoạt bình thường để rút kinh nghiệm. Điện bật sáng nhưng không được để ánh sáng lọt ra ngoài, vì hồi ấy còn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ hết sức căng thẳng. Đội ngũ đã chỉnh tế, Thượng tá Nguyễn Chí Điềm - Tư lệnh trưởng Đoàn Đặc công 305 dõng dạc hô “nghiêm” và báo cáo:

- Kính thưa Bác, bộ đội đặc công đã chỉnh tế, xin chỉ thị của Bác.

Bác cho phép tất cả được ngồi xuống, qua lời giới thiệu của đồng chí Tư lệnh, chúng tôi mới tường tận thêm là hôm ấy có Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Đảng, Chính phủ, Quân đội tới xem bộ đội đặc công trình diễn kỹ thuật, chiến thuật. Quả là một dịp may hiếm có và hạnh phúc lớn lao trong đời lính chúng tôi. Sau đôi lời thăm hỏi ân cần cán bộ, chiến sĩ rồi Người huấn thị. Trong Huấn thị, Bác nêu có muời một cái đặc biệt đối với bộ đội Đặc công (có bài giới thiệu riêng về lời Huấn thị của Người) và chính thức từ ngày ấy (19/3/1967), Binh chủng Đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời. Suốt hơn 40 năm chặng đường chiến đấu, xây dựng và trưởng thành gặt hái nhiều thành tích hết sức vẻ vang.

Tiếp theo lời Huấn thị của Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu, rồi Đại tướng Tổng Tư lệnh cũng căn dặn thêm. Ông khái quát: “... Cách đánh đặc công là một trong những cách đánh quan trọng của lực lượng vũ trang ta, của nhân dân Việt Nam, là một trong những cách đánh dũng cảm nhất, sáng tạo nhất, anh dũng nhất của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam...”. Đó là lần thứ nhất tôi vinh dự được gặp Đại tứơng Võ Nguyên Giáp.

Vâng lời căn dặn ân cần của Đảng, Chính phủ và của Quân đội, chúng tôi hăng hái ra chiến trường với một niềm tin mãnh liệt quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược, không hề khuất phục trước mọi gian khổ, hy sinh, làm tròn sứ mệnh của một người lính trên tuyến đầu, mũi nhọn của cuộc kháng chiến cứu nứơc vĩ đại.

Cho tới hai mươi bảy năm sau, tôi mới có dịp hân hạnh được gặp lại Đại tướng. Đó là vào một buổi chiều đầu tháng 5/1994, tại Nhà Bảo tàng lực lượng võ trang Miền Đông Nam Bộ, đường Hoàng Văn Thụ, Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh. Đại tướng đựơc Hội Cựu chiến binh Thành phố mời đến để nói chuyện nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/1994).Cùng đi với Đại tướng hôm ấy, đặc biệt có nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và bà Đặng Thị Hà - Phu nhân của Đại tướng. Bằng trí tuệ uyên bác, qua buổi nói chuyện, Đại tướng đã tái hiện lại lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng là thời khắc cáo chung của chủ nghĩa đế quốc Pháp - một tên cáo già gần một trăm năm đô hộ nước ta đã cúi đầu khuất phục ý chí của một dân tộc khát vọng độc lập tự do. Nhân lúc nghỉ giải lao, ông trò chuyện với mọi người, họ đều là cấp tướng, cấp tá một thời dưới quyền thống soái của vị Tổng Tư lệnh nay ai nấy tóc đã điểm sương nhưng chất lính vẫn hồn nhiên tươi trẻ lạ.  Vui chuyện, tôi mạnh dạn hỏi ông:

- Thưa Đại tướng, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, trong giờ trích giảng văn học ở bài thơ Sáng tháng năm của Tố Hữu - có đoạn:

... Lát rồi chim nhé, chim ăn

Bác Hồ còn bận khách văn tới nhà...

Là người gần gủi, thường xuyên làm việc với Bác. Xin Đại tướng cho biết “khách văn” đó là Đại tướng (Anh Văn), Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hay là nhà thơ Tố Hữu, hoặc một người nào khác ạ?

Với một phong thái hết sức điềm tĩnh, khoan thai của một Nhà giáo trước cậu học trò nhỏ là tôi. Ông nở nụ cười rất tươi trước sự chú ý của mọi người mà rằng:

- Câu hỏi của cháu rất lý thú, mà dường như đây đó cũng có những người đã hỏi câu này thì phải. Này nhé, khách văn ấy mà, trong phạm vi văn cảnh ấy, không phải anh Phạm Văn Đồng - Thủ tướng, cũng chẳng phải là tôi mà chính Nhà thơ Tố Hữu đó ông bạn thân mến ạ (cười).

Tôi thật vui sướng được một vị danh tướng trực tiếp giải thích rõ ràng, khúc chiết một đoạn văn mà đã hàng chục năm rồi rất muốn biết để sáng tỏ - bởi thầy giáo cũng chỉ phỏng đoán thôi.

Còn vào tháng 12/2001, Tỉnh ủy - Hội đồng Nhân dân - Uy ban Nhân dân Tỉnh Đồng Nai đã long trọng kỷ niệm 51 năm Chiến khu Đ lịch sử tại ngã 3 suối Bà Hào, lâm trường Mã Đà. Hôm ấy, có thể nói tới vài ngàn đại biểu tham dự, thật là một lễ hội chưa từng có tại nơi đây suốt hơn nửa thế kỷ qua. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lực lượng vũ trang hôm ấy cũng khá đông. Tôi còn nhớ có sự hiện diện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Mai Chí Thọ và Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ v.v... Là một người làm báo, tôi có thuận lợi trong việc tác nghiệp. Lại một may mắn nửa đến với mình. Hai vị lão thành - hai cây đại thụ ngồi chung một ghế đại biểu danh dự, đó là ông Võ Chí Công và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhìn hai vị với gương mặt phúc hậu, nhân từ hết sức khả kính sát cánh bên nhau ai cũng muốn ghi một bức ảnh để đời, trong đó có mình mà đều không dám tới gần bởi theo quy tắc công tác bảo vệ lãnh tụ. Một chị nói nhỏ với tôi: Làm sao chụp được tấm ảnh quý hiếm ấy? Tôi không thể trả lời được, đành mạnh dạn lại sát, xin ý kiến:

- Thưa Đại tướng, mấy chị cựu chiến binh muốn có một tấm ảnh với Đại tướng mà họ không dám tới gần ạ ?

Thật không ngờ, ông bảo: Cháu nói họ cứ lại gần, thoải mái mà, chúng mình đều là lính Cụ Hồ. Thế là tôi vẫy tay ra hiệu, mấy chị biết ý tiến lên sát sau ghế hai vị. Chớp thời cơ, tôi giương máy ghi liền mấy tấm. Khi về rọi, quả là những bức ảnh quý hiếm đối với họ lưu lại đời sau cho con cháu vậy.

Và cách nay ít năm - hình như cuối năm 2004 thì phải, chỉ còn ít ngày nửa là cả nước đón Tết Nguyên đán. Đại tướng và phu nhân tới thăm tỉnh Đồng Nai. Tại hội trường tiếp khách của Thường trực Tỉnh uỷ, Đại tướng đã có buổi gặp gỡ với cán bộ lãnh đạo đầu ngành của tỉnh. Sau lời chúc mừng sức khỏe, hạnh phúc tới lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà. Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh cần xây dựng một đội ngũ cán bộ ngang tầm với một tỉnh có nền công nghiệp lớn và đa dạng ngành nghề như ở Đồng Nai theo tư tưởng của Bác Hồ là: Lấy dân làm gốc, phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và nhu cầu phát triển để xây dựng chiến lựơc kinh tế - quốc phòng và an ninh xã hội. Đặc biệt chú ý đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, đủ các ngành nghề “vừa hồng, vừa chuyên” để kế tục xứng đáng truyền thống một tỉnh anh hùng trong chiến đấu và sáng tạo trong xây dựng lên tầm cao mới. Sau này, tôi còn nhiều lần được gặp Đại tướng tại Hà Nội và một số nơi khác.

Mỗi lần đựơc gần Đại tướng tuy thời gian ngắn hoặc có khi đi cùng đoàn, nghe ông nói chuyện nhiều hơn. Đặc biệt, đầu năm 2007 nhân kỷ niệm 40 năm Binh chủng Đặc công, được vào thăm Đại tướng tại nhà riêng và chụp ảnh lưu niệm. Mỗi lần như vậy tôi thấy mình thật hạnh phúc và trưởng thành thêm nhiều. Điều ấn tượng và sâu sắc đối với tôi là một vị danh tướng nổi tiếng thế giới mà tác phong gần gũi dung dị lắm thay. Xin kính chúc Đại tướng thêm trường thọ, minh tuệ, ấy cũng là hạnh phúc cho nhân dân ta và quân đội Nhân dân Việt Nam Anh Hùng.

Ghi chép của Nguyễn Quốc Hoàn

Biên Hòa, tháng 12/2007.