Nhìn lại những tháng qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức như bão lũ, tai nạn, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; giá dầu thô và một số vật tư chủ yếu trên thế giới tiếp tục tăng cao gây áp lực đến giá đầu vào của các ngành các cấp và dịch vụ trong nước, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự tập trung chỉ đạo điều hành năng động, có hiệu quả của Chính phủ; sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển ổn định. Trong năm 2007, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua (8,5%), tạo khả năng hoàn thành nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 ngay trong năm 2008 . Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu cả về kinh tế - xã hội và môi trường đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Trong số 23 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2007 chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 21 chỉ tiêu (Có hai chỉ tiêu có thể chưa đạt kế hoạch đề ra là mức giảm tỷ lệ sinh và tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Ngành nông nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn vươn lên đạt được kế hoạch. Công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và tăng thêm tỷ trọng công nghiệp chế biến. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của GDP. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá cao (20,5%) trong năm đầu gia nhập WTO.
Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ huy động từ thuế và phí vào ngân sách nhà nước đạt 23,4% GDP. Cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư khá, dự trữ ngoại tệ tăng từ gần 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2006 lên gần 20 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2007, đáp ứng được các nhu cầu về ngoại tệ và bình ổn thị trường ngoại hối. Nợ của Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục được duy trì ở mức an toàn.
Đầu tư phát triển tăng mạnh, nhiều công trình hạ tầng và cơ sở sản xuất được đưa vào sử dụng, tạo tiền đề quan trọng để phát triển đất nước trong các năm tiếp theo. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 ước đạt khoảng 464,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% GDP, tăng 16,4% so với năm 2006; trong đó, nguồn vốn của Nhà nước tăng 17,5%, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tăng 12%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 17,1%, vốn đầu tư dân doanh tăng 19,5%. Thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh, đang trở thành một kênh huy động vốn đầu tư dài hạn quan trọng trong nền kinh tế. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm cho thị trường tài chính phát triển nhanh và bền vững.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tiến bộ. Các chỉ tiêu về tuyển sinh, phổ cập giáo dục, tạo việc làm, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, cung cấp nước sạch đều đạt và vượt kế hoạch. Các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản và thông tin đối ngoại có bước tiến bộ. Thể thao Việt Nam đang hướng tới chuyên nghiệp, có tiến bộ và đạt được một số thành tích cao. Các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội và đồng bào ta đã có nhiều nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Công tác xóa đói giảm nghèo tiếp tục đạt được kết quả nổi bật. Các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho các vùng khó khăn và các chính sách trợ giúp trực tiếp về sản xuất và đời sống cho người ngheo được đẩy mạnh. Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội được tăng thêm để triển khai nhiều chính sách tín dụng mới. Đến nay, có gần 4 triệu hộ nghèo và 1,7 triệu người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn thuộc 10 chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18% năm 2006 xuống còn 4,7% năm 2007.
Công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính tại những lĩnh vực có nhiều bức xúc trong xã hội như: đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư, thủ tục hải quan, thu thuế, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp; công chứng, chứng thực, hộ tịch hộ khẩu, chứng minh nhân dân, cấp giấy quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, đăng ký phương tiện giao thông... đã có những bước tiến mới, được nhân dân và doanh nghiệp đồng tình. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm và chỉ đạo kiên quyết. Đã đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra và điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật .
Chính trị, xã hội tiếp tục ổn định. Nhân dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, yên tâm phấn khởi đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm được tăng cường. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, vị thế quốc tế của nước ta không ngừng được nâng cao.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội năm 2007 cũng còn bộc lộ những bất cập, cần phải được phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân để đưa ra những giải pháp khắc phục trong năm 2008. Đó là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững của nền kinh tế vẫn còn là một vấn đề lớn cần được tập trung nhiều hơn nữa trong chỉ đạo và điều hành. Một số cơ chế, chính sách kinh tế-tài chính đã được ban hành nhưng tác dụng còn hạn chế. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao tác động bất lợi đến sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của đại bộ phận nhân dân. Xuất khẩu tăng, nhưng nhập khẩu tăng cao hơn, nhập siêu lớn. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước có nhiều tiến bộ nhưng cũng còn chậm so với kế hoạch. Các vấn đề xã hội bức xúc, vấn đề ô nhiễm môi trường đã được quan tâm nhưng chưa đạt được kết quả căn bản. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được tăng cường, nhưng kết quả đạt được chưa cao.
Ban Biên tập