Từ đó nhân dân ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, hăng hái tham gia xây dựng chính quyền và các chương trình kinh tế xã hội, thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Qua 6 năm thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác dân vận của chính quyền tại tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, kết quả nổi bật cụ thể được thể hiện trên các mặt sau:
Thể chế hóa việc thực hiện Chỉ thị, nâng cao nhận thức về công tác dân vận trong các mặt hoạt động của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức: Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường công tác Dân vận chính quyền, ngày 23/10/2000 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/CT.UBT để cụ thể hóa việc triển khai, thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai nghiêm túc, xây dựng quy chế phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và đã tổ chức nhiều nội dung thiết thực chăm lo đời sống cho nhân dân; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong bộ máy, các cơ quan Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Qua triển khai quán triệt, hầu hết các cấp, chính quyền và cán bộ đảng viên nhận thức đúng đắn, khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của dân vận chính quyền. Từ đó các cấp, các ngành đã thể hiện trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phần lớn cán bộ, công chức làm tốt vai trò gương mẫu để đưa công tác dân vận đi vào cuộc sống, tinh thần làm việc ngày càng cao, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Song song với việc thực hiện quy chế dân chủ các cơ quan hành chính nhà nước, các doanh nghiệp từ huyện đến cơ sở trong toàn tỉnh đã tiến hành sắp xếp các phòng tiếp dân, bố trí cán bộ tiếp dân; cải cách thủ tục hành chính, củng cố Ban Thanh tra nhân dân và các quy định về tiếp xúc cử tri; tổ chức việc kiểm điểm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, trưởng ấp, trưởng khu phố với dân; nâng chất lượng hoạt động của Ban ấp, khu phố và cụ thể hoá phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" một cách chặt chẽ và hiệu quả, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.
Thực hiện công tác dân vận đi đôi với cải cách thể chế và cải cách các thủ tục hành chính nâng cao năng lực quản lý và phục vụ nhân dân: UBND tỉnh đã ban hành nhiều quy định phù hợp để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, từng bước đáp ứng yêu cầu của nhân dân và xã hội. Trong đó, luôn chú trọng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tập trung thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành kế hoạch kinh tế xã hội nhằm đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt phiền hà cho người dân, cải thiện mối quan hệ của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức với nhân dân; tập trung vào các lĩnh vực: cấp giấy phép đầu tư; xuất, nhập khẩu; đăng ký kinh doanh; đăng ký hộ tịch, công chứng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, giấy phép xây dựng...Hiện nay toàn tỉnh có, ở cấp tỉnh: 14/23 đơn vị sở, ngành đã thực hiện cơ chế "một cửa"; cấp huyện: là 11/11 huyện, thị xã, thành phố; cấp xã: có 171/171 xã, phường, thị trấn. Tiến hành quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, thực hiện có nề nếp cơ chế bổ nhiệm và bổ nhiệm lại có thời hạn. Công tác luân chuyển cán bộ được triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả. Từ năm 2001 đến nay, có trên 6.000 cán bộ công chức của tỉnh được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nhất là chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở cấp xã, phường, đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức các loại cho tổng cộng trên 11.000 lượt cán bộ cấp xã là đại biểu HĐND, thành viên UBND, Bí thư, Chỉ huy trưởng quân sự...
Triển khai, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát huy dân chủ và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ chính trị (Khoá VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; Kế hoạch 141- KH/TU ngày 29/03/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Thông báo số 159-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá IX) về tiếp tục xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đến nay có 23/23 Sở, ngành thuộc tỉnh, 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 171/171 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo, do Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp uỷ làm Trưởng ban chỉ đạo. Qua quá trình triển khai thực hiện quy chế dân chủ, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai lồng ghép các nội dung quy chế với 06 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, kết hợp với các buổi sinh hoạt khác của cộng đồng dân cư. Sau các đợt học tập, nhân dân nhận thức rõ hơn quyền làm chủ của mình theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng chính quyền địa phương ngày càng vững mạnh. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và cán bộ đảng viên nhận thức đúng đắn, từ đó thể hiện trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nâng cao trách nhiệm, ý thức thực hành quy chế dân chủ trong cán bộ, công chức, đồng thời phát huy quyền làm chủ tại cơ quan, đơn vị. Các cơ quan hành chính nhà nước phối hợp với Mặt trận tổ quốc tổ chức việc kiểm điểm trước dân và lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Trưởng ấp, Trưởng khu phố; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, sinh hoạt thường xuyên về các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Công tác Dân vận gắn với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân: Công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được UBND các cấp chú trọng, từ năm 2001 đến năm 2006, toàn tỉnh tiếp nhận 16.713 đơn khiếu nại, tố cáo. Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường giải toả và tranh chấp đất đai trong nhân dân; phản ánh về hành vi tham nhũng vi phạm pháp luật của cán bộ cơ quan Nhà nước trong việc thi hành nhiệm vụ. Kết quả, các cơ quan nhà nước thẩm có quyền đã giải quyết 16.537 đơn khiếu nại, tố cáo, đạt 98,94%. Qua giải quyết đã đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nhân dân, thu hồi về cho Nhà nước được nguồn tiền và tài sản bị thất thoát, minh oan cho nhiều tập thể, cá nhân bị khiếu tố sai sự thật, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều trường hợp có hành vi sai phạm.
Thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, chăm lo đời sống nhân dân và giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội: Xác định công tác dân vận của chính quyền trọng tâm là phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, nhất là chăm lo cho các đối tượng chính sách, các gia đình có công với cách mạng, gia đình nghèo khó khăn.
Kết quả thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2005: Đã xoá hẳn tình trạng tái đói, giảm 49.032 hộ / 52.827 hộ nghèo (từ 12,26% xuống còn 0,89% cuối năm 2005), vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. 16/16 xã đặc biệt khó khăn đã hoàn thành mục tiêu của chương trình 135. 11/11 đơn vị cấp huyện cơ bản không còn hộ đói, đời sống người nghèo và hạ tầng vùng nghèo được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng lên hơn 2 lần, nhiều hộ nghèo đã phát triển vươn lên...khoảng cách giàu, nghèo được giữ ở khoảng cách gần 6 lần. Chất lượng xoá đói giảm nghèo đang hướng tới bền vững.
Kết quả thực hiện các dự án, chính sách: có 74,2% số hộ nghèo được vay vốn, với doanh số 185,726 tỷ đồng, nhìn chung các hộ vay đều sử dụng vốn vào mục đích sản xuất, kinh doanh phát triển sản xuất, tăng thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo. Về đầu tư lồng ghép các chương trình kinh tế-xã hội đạt 827,5 tỷ đồng (trong đó trực tiếp cho vùng nghèo, ấp nghèo khoảng 300 tỷ đồng). Các dự án: định canh, định cư; khuyến nông, lâm, ngư; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nghèo và hỗ trợ các mặt về giáo dục, y tế; miễn giảm thuế; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi; nhà ở cho hộ nghèo…đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng bảo hiểm y tế đã cấp 934.478 thẻ khám chữa bệnh với kinh phí 55,516 tỷ đồng, vận động xây dựng 7.549 căn nhà tình thương, sữa chữa 629 căn với kinh phí 48,3 tỷ đồng.
Thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: Hầu hết các chương trình liên tịch giữa UBND với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở ngày càng được phát huy cao vai trò trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, động viên sức mạnh của quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Các cấp chính quyền đều quan tâm và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phát động rộng mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa, thi đua sản xuất, phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, xã hội hóa giao thông nông thôn, xoá đói giảm nghèo...Điểm nổi bật của sự phối hợp giữa chính quyền các cấp với các tổ chức Mặt trận Tổ quốc các cấp trong 6 năm qua là đã làm tốt công tác bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII thành công tốt đẹp.
Tuy nhiên, trong công tác dân vận chính quyền còn những hạn chế đó là: mặc dù xác định công tác dân vận có vai trò rất quan trọng nhưng trong từng thời điểm chưa được chính quyền các cấp quan tâm, đôi khi chưa thực hiện hết vai trò quản lý nhà nước, nên có tình trạng chính quyền chưa sát với nhân dân; không kịp thời xử lý những khiếu nại, tranh chấp của nhân dân; việc sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ công chức tiến hành chậm, kéo dài làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, làm giảm niềm tin trong nhân dân.
Viên Hồng Tiến (Phó Phòng đoàn thể, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai)