Phát triển sự nghiệp báo chí cách mạng trong thời kỳ mới

Đăng ngày: 15/08/2011
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Thông báo số 162-TB/TW của Bộ Chính trị về “Một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí trong tình hình hiện nay”. Kỷ niệm 82 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội nghị đã tiến hành trao giải “Ngòi viết vàng lần thứ 18 năm 2007” cho 15 cá nhân và tập thể trong số 44 tác phẩm gửi dự thi.
Ông Mai Sông Bé-Chủ tịch Hội nhà báo phát biểu cảm tưởng về sự nghiệp báo chí cách mạng trong thời kỳ mới
Trong suốt chặng đường  82 năm xây dựng và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với sự nghiệp của Đảng, của Bác Hồ, làm tốt nhiệm vụ là công cụ cổ vũ tinh thần yêu nước, động viên phong trào cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Từ khi cách mạng thành công, báo chí ngày càng được đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ nhà báo, tạo đà tiếp tục phát triển lớn mạnh đến ngày nay. Nhớ ơn Bác Hồ, học tập làm theo tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh, các thế hệ nhà báo Đồng Nai nguyện làm tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và nghĩa vụ của người làm báo.

Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, báo chí Đồng Nai đã không dẫm vào vết xe đổ của một số tờ báo lớn là khuynh hướng thương mại hóa, nên đã không bị cơ chế thị trường làm xa rời tôn chỉ mục đích, giữ vững được bản lĩnh chính trị, góp phần khắc họa quê hương, con người Đồng Nai trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển mình đi lên, không thể nói là báo chí Đồng Nai không còn nhiều trăn trở. Tuy không sa lầy vào bí mật doanh nghiệp và đời tư cá nhân, không bôi đen uy tín, không sa vào chỉ trích, chạy theo việc thổi phồng tin tức giật gân để câu khách… Nhưng thực tế báo chí Đồng Nai vẫn thiếu sự nhạy bén về chính trị, chưa có nhiều bài viết gây tiếng vang, tạo hiệu quả xã hội to lớn, thiếu bài điều tra các vấn đề lớn, gai góc của xã hội, bài mang tính chính luận sắc sảo có định hướng xã hội, chưa phát triển tương xứng với tầm vóc của một tỉnh năng động.

Theo nhà báo Phong Vũ ( Báo Đồng Nai), nhà báo hiện đại ngoài việc có bản lĩnh chính trị, có kiến thức nghiệp vụ vững vàng, nhà báo hiện đại còn phải thông thạo tin học, ngoại ngữ để tham gia tác nghiệp ngoại tỉnh và nước ngoài. Hiện nay vẫn còn không ít một bộ phận nhà báo không chịu học hỏi trau dồi nghề nghiệp, chỉ đưa tin hội nghị, xào xáo báo cáo để cho độc giả thưởng thức một món ăn tinh thần nhạt nhẽo, không có chính kiến. Các cơ quan báo chí tuy khác nhau về cơ quan chủ quản, nhưng đều nằm dưới sự lãnh đạo, định hướng của Đảng, vì vậy mỗi nhà báo phải có lập trường chính trị, quan điểm vững vàng, bên cạnh đó có trình độ qua đào tạo bồi dưỡng, phải chịu khó tự học hỏi, cập nhật kiến thức liên tục. Làm nhà báo, tức là phải đối đầu với những cám dỗ khó vượt qua, nhất là đối với những nhà báo trẻ, nhà báo tham gia chống tiêu cực và tham nhũng để ngòi bút không bị bẻ cong, để phản ánh sự việc với cái tâm trong sáng. Nhà báo cũng cần có sự giám sát của xã hội, sự giúp đỡ, hướng dẫn của tổ chức Đảng và cơ quan đoàn thể. Họ không thể hành động đơn độc mà cần sự hợp tác của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các địa phương, các tổ chức Đảng và quần chúng nhân dân trong quá trình tìm hiểu thực chất của các vụ việc.

Tại hội nghị, đồng chí Bùi Ngọc Thanh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương sự đóng góp to lớn của báo chí Đồng Nai với những nỗ lực lớn trong suốt quá trình chuyển biến của xã hội, bổ sung đội ngũ nhà báo trẻ, chính quy, giàu nhiệt huyết, tiếp cận nhanh với trình độ báo chí của khu vực, vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà Bùi Ngọc Thanh cũng đã phát biểu chúc mừng 15 tập thể và cá nhân đoạt giải “Ngòi viết vàng lần thứ 18 năm 2007” do Hội nhà báo tổ chức nhân kỷ niệm 82 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Kim Chung