VĨNH CỬU – ĐIỂM ĐẾN CỦA DU LỊCH Đăng ngày: 15/08/2011
Vĩnh Cửu là một huyện của tỉnh Đồng Nai, chạy dài theo tả ngạn rồi hữu ngạn sông Đồng Nai. Diện tích tự nhiên 105.557ha, phía Đông giáp huyện Trảng Bom, Định Quán, Tân Phú; phía Tây giáp huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, huyện Đồng Phú tỉnh Bình Phước; Phía Bắc giáp huyện Bù Đăng và Đồng Phú tỉnh Bình Phước; phía Nam giáp Thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom.
|
Bình minh trên Hồ Trị An | Ngược dòng lịch sử huyện Vĩnh Cửu có nhiều tên gọi và nhiều lần thay đổi địa giới. Năm 1851, huyện Vĩnh Cửu ngày nay thuộc tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Bến Cá (Tân Bình) là trung tâm huyện lỵ. Năm 1878 là quận Châu Thành, gồm 3 tổng: Phước Vĩnh Thượng, Phước Vĩnh Trung, Phước Vĩnh Hạ. Năm 1948, huyện Vĩnh Cửu được thành lập gồm các xã Bình Hòa, Bình Phước, Bình Ý, Bình Long, Lợi Hòa, Tân Phú, Bình Thạnh, Thiện Tân, Tân Định, Đại An, Trảng Bom, Hố Nai ( nay thuộc huyện Trảng Bom), Tam Hiệp, Tân Phong, Tân Thành, Hóa An, Tân Vạn, Bửu Hòa, Hiệp Hòa, Bửu Long ( nay thuộc Thành phố Biên Hòa), Tân Hưng, Long Hòa, Long Hưng, Phước Tân (nay thuộc huyện Long Thành). Năm 1959, chế độ Sài Gòn thành lập tỉnh Phước Thành, trong đó có quận Tân Uyên gồm Tổng Chánh Mỹ Trung, Phước Vĩnh Hạ ( Bình Phước, Bình Long, Bình Thạnh, Lợi Hòa, Tân Định, Tân Phú, Thiện Tân), Chánh Mỹ Hạ và hai xã Tân Hiệp, Tân Hòa Khánh ( Bình Dương), quận Hiếu Liêm gồm Chánh Hưng, Thái Hưng (Chánh Mỹ Hạ), Đại An, Trị An ( Phước Vĩnh Hạ) một phần phía Nam vùng Bunard (tỉnh Phước Long) và vùng Tà Lài( Long Khánh). Trong chiến khu, năm 1960, huyện Vĩnh Cửu còn lại các xã từ Bình Hòa đến Trị An. Năm 1963, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Công Thanh tỉnh Biên Hòa gồm 2 tổng, 12 xã. Năm 1985, thị xã Vĩnh An được thành lập trên cơ sở huyện Vĩnh Cửu, 3 lâm trường Hiếu Liêm, Mã Đà và Vĩnh An gồm 2 phường, 11 xã. Năm 1994, huyện Vĩnh Cửu được thành lập trên cơ sở thị xã Vĩnh An. Huyện lỵ đặt tại thị trấn Vĩnh An (phường Cây Gáo cũ).
Vĩnh Cửu với những trang sử oai hùng tiếp nối nhau: Hiếu Liêm, Cẩm Vinh, Cây Đào, cầu Rạch Lăng, chi khu Công Thanh…Tự hào với “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất” với khu ủy miền Đông, Trung ương cục miền Nam một thời vang dội, với chi bộ cộng sản đầu tiên Bình Phước – Tân Triều làm nòng cốt để thành lập Tỉnh ủy Biên Hòa lâm thời. Vĩnh Cửu đã sản sinh và hun đúc những người con ưu tú của đất nước trên nhiều lĩnh vực: những chiến sỹ cách mạng trong ngày đầu kháng chiến –Huỳnh Văn Lũy, Huỳnh Văn Phan, nhà văn Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm…xứng danh trong đấu tranh người miền Đông anh dũng. Vĩnh Cửu với tiềm năng dồi dào: rừng, hồ, sông, vườn, khu di tích lịch sử và nguồn nhân lực phong phú. Tất cả đang vẫy gọi Vĩnh Cửu vươn cánh bay lên, bay cao, bay xa như sức trẻ Phù Đổng. Xứng danh trong lao động Vĩnh Cửu cũng anh hùng, để sáng ngời thêm ý nghĩa của những giọt máu mà chiến sĩ, đồng bào Vĩnh Cửu đã đổ xuống mảnh đất này trong hai cuộc kháng chiến cứu nước.
Nói đến tiềm năng du lịch của huyện Vĩnh Cửu không thể không nhắc đến Hồ Trị An và hàng chục đảo lớn nhỏ trên hồ. Đây vừa là nơi chứa nước để phát điện, vừa là nơi nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là du lịch hồ. Từ điểm xuất phát Đồng Trường, du khách đi thuyền máy hoặc cano đến đảo Ó. Sau khoảng 30 phút lênh đênh trên sóng nước, nhìn mặt hồ rộng bao la mà êm ả, du khách bước chân lên một trong hàng chục đảo lớn nhỏ, bắt đầu cho một ngày picnic, cắm trại vui đùa thỏa thích. Từ đảo, du khách phóng tầm nhìn ra xa, những chiếc thuyền lúc ẩn, lúc hiện của buổi hoàng hôn. Một cảnh đẹp nên thơ không nơi nào có được.
Khu du lịch sinh thái vườn Tân Triều có diện tích đến 2005 là 500ha, đến 2010 là 1000ha thuộc các xã ven sông Đồng Nai: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thạnh Phú, Thiện Tân, Tân An, Trị An. Hiện tại, khu du lịch sinh thái vườn Tân Triều với 3 điểm dừng: Cầu Tân Triều ( đón khách đường bộ), vàm Cẩm Vinh (đón khách đường sông) và các vườn bưởi của dân. Các xã ven sông Đồng Nai rất thuận lợi cho du lịch sông nước gắn kết với sinh thái vườn. Từ Biên Hòa du khách đi thuyền máy trên sông Đồng Nai, thưởng ngoạn dòng sông xanh, hiền hòa. Thuyền máy có thể cập bến để du khách quá bộ vào các điểm sinh thái vườn. Với cây trái xum xuê, không khí trong lành mát dịu, chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách. Khi ra về, du khách không quên mua bưởi ( đặc sản của huyện Vĩnh Cửu) làm quà cho bạn bè, người thân.
Sông Đồng Nai trong xanh mát dịu
Bưởi Biên Hòa vị ngọt, mùi thơm
Một lần có dịp về thăm
Mười lần nhớ mãi anh Năm Tân Triều.
Du lịch về nguồn kết hợp sinh thái rừng là một “đặc sản” của Vĩnh Cửu. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến khu Đ, khu ủy miền Đông, Trung ương cục miền Nam đã bao phen làm cho thực dân, đế quốc cùng bè lũ tay sai bán nước bạt vía kinh hồn.Trong xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, cũng chính những nơi này là điểm du lịch về nguồn rất lý tưởng. Với bề dày lịch sử, với hệ thống địa đạo, với những khu rừng bạt ngàn, với những con suối róc rách, trong vắt quanh năm. Để đến nơi này, du khách được dịp thưởng ngoạn một đọan đường rừng khỏang 30km. Rừng, rừng trùng điệp, tiếng chim hót, thỉnh thỏang một vài con sóc, thậm chí heo rừng, gà rừng đứng ở ven đường như đón chào quý khách. Đường đến khu ủy miền Đông, Trung ương cục miền Nam tuy đã được mở rộng, nhưng vẫn giữ nguyên trạng quanh co, để tạo cho du khách một sự hồi hộp khó tả. Đến nơi, những căn nhà lợp bằng lá trung quân, hầm của vị chỉ huy, phòng họp, bếp Hoàng Cầm, hệ thống địa đạo, nhà bia….Phía ngoài kia không xa, một vài hố bom B.52 vẫn còn đó, dấu tích của sự hủy diệt tàn nhẫn mà bọn giặc xâm lăng đã thực hiện trên khắp đất nước ta.
So với các địa phương khác, xã Tân Bình có lợi thế về tài nguyên đất để phát triển vườn cây ăn quả, đặc biệt là cây bưởi với 313ha, dự kiến phát triển thêm 72ha trồng mới chuyển từ diện tích đất trồng lúa và hoa màu sang trồng bưởi tập trung ở các ấp Bình Lục, Bình Phước, Vĩnh Hiệp, Tân Triều. Nâng diện tích làng bưởi lên 395ha. Bên cạnh đó, các xã khác đã có 342ha bưởi, tổng diện tích toàn huyện là 656ha, dự kiến phát triển thêm khoảng 345ha cây bưởi trồng tập trung ở các xã dọc sông Đồng Nai như Bình Hòa, Bình Lợi, Thiện Tân, Tân An, Trị An… phấn đấu đến năm 2010 nâng diện tích vườn bưởi của huyện hơn 1.000ha. Đồng thời hoàn thành việc xây dựng dự án quy hoạch phát triển vùng bưởi huyện Vĩnh Cửu và làng bưởi Tân Triều, tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ tỉnh thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn giống bưởi đường lá cam ít hạt, phục tráng và nghiên cứu giống bưởi ổi ít hạt, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây buởi kết hợp du lịch sinh thái vườn tại vườn bưởi Biên Hòa, Tân Triều, Đồng Nai”.
Song song với việc phát triển diện tích trồng bưởi, huyện còn chú trọng đến việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu du lịch, nâng cấp tôn tạo kiểu dáng các ngôi nhà cổ xưa, các công trình nghiên cứu. Giữ gìn phát triển các hoạt động văn hóa của địa phương và xác định các loại hình văn hóa phi vật thể khác như biên soạn các tài liệu giới thiệu về lịch sử hình thành các vùng đất Tân Triều, giới thiệu các công trình di tích….Khôi phục tổ chức các lễ hội truyền thống, các món ăn đặc sản, ngành nghề truyền thống của các địa phương và tổ chức các dịch vụ khác nhằm thu hút ngày càng nhiều lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của địa phương.
Nguyễn Phát Triển
Phó Bí Thư Huyện Ủy – Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Cửu
|
|
|