Cải cách hành chính phải không ngại khó khăn cho cán bộ mà ngại phiền hà cho nhân dân

Đăng ngày: 15/08/2011
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2007 của ban Pháp chế hội đồng nhân dân tỉnh đó là giám sát tình hình cải cách hành chính giai đọan 2003-2006 và chương trình cải cách hành chính giai đọan 2006-2010 tại các cơ quan, các địa phương trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ này, ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức các đoàn giám sát, khảo sát về cải cách hành chính. Các đơn vị chịu sự giám sát, khảo sát là UBND cấp huyện, UBND cấp xã và cấp sở.
Niêm yết thủ tục hành chính tại một UBND cấp xã tuy ở vị trí thuận lợi nhưng vẫn khó theo dõi
Đánh giá về cải cách hành chính, đại diện một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện phản ánh tình trạng làm phát sinh thêm thời gian cũng như trình tự giải quyết công việc. Đơn cử như công tác chứng thực, nếu như trước đây công dân chỉ liên hệ trực tiếp tại phòng Tư pháp để được giải quyết thì với triển khai “một cửa” phải qua một khâu trung gian là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, từ đó hồ sơ mới chuyển qua phòng Tư pháp làm mất thời gian đi lại trong khi đây là loại việc giải quyết ngay. Tuy nhiên, đánh giá dưới góc độ của cải cách hành chính thì việc làm theo trình tự này chỉ làm phát sinh thêm một phần khó khăn cho cán bộ nhưng lại tạo thuận lợi cho nhân dân vì cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc không có điều kiện tiếp xúc với người dân để gây phiền hà, nhũng nhiễu nếu có ý định. Như vậy thì dù có phát sinh thêm thời gian, trình tự thì mục đích của cải cách hành chính vẫn đạt được.

Nhìn chung, các ngành, các địa phương đã tích cực, chủ động trong việc triển khai cải cách hành chính theo đúng chỉ đạo và quy định chung. Một số công việc được chuyển giao về bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc liên hệ giải quyết công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong quan hệ hành chính giữa cán bộ công chức và nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn đạt cao.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành còn những hạn chế, cụ thể như sau: Tiến độ cải cách hành chính còn chậm, chưa nhất quán giữa các địa phương, hiệu quả còn thấp so với mục tiêu đã đề ra và không theo kịp với yêu cầu đổi mới. Thời gian giải quyết hồ sơ cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp tuy có nhanh hơn trước nhưng chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu của cải cách hành chính. Mặc dù theo báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng thời gian quy định đạt cao tuy nhiên đây chỉ là tỷ lệ tính trên số hồ sơ hợp lệ đã tiếp nhận trong khi thực tế những phiền hà, tiêu cực thường xảy ra trước khi bộ phận “một cửa” tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Một số lĩnh vực khi thực hiện cơ chế “một cửa”  gây nên tình trạng lãng phí trong sử dụng cán bộ (như lĩnh vực xây dựng có địa phương trong 3 năm chỉ tiếp nhận 129 hồ sơ nhưng vẫn bố trí 01 cán bộ ở bộ phận tiếp nhận) tuy nhiên địa phương chưa có những đề xuất, kiến nghị để có điều chỉnh phù hợp Đề án cải cách hành chính.

Các địa phương, ngành chưa rà soát, phát hiện được những thủ tục có thể rút ngắn thời gian để phân loại công việc từ đó quy định lại về thời gian gian giải quyết cho nhân dân mặc dù trong thực tế có những loại việc có thể rút ngắn thời gian như: Đăng ký kinh doanh đối với những trường hợp đơn giản. Đối với những loại việc do phân cấp được quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện nhưng vẫn không được điều chỉnh bổ sung trong đề án như: Cải chính hộ tịch.  

Lĩnh vực đất đai, một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm và thường xuyên phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực nhưng không được triển khai theo cơ chế “một cửa” một cách nhất quán giữa các địa phương. Ngay sau khi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ra đời, có địa phương đã rút lĩnh vực này ra khỏi “một cửa” nhưng có địa phương thực hiện thận trọng bằng cách có văn bản xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh. Đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo cho các địa phương chuyển công tác tiếp nhận hồ sơ trong lĩnh vực đất đai về lại “một cửa” để thực hiện theo đúng tinh tầhn của Quyết định 181/2003/QĐ-TTg.

Riêng cải cách hành chính ở cấp xã, một số nơi còn mang tính hình thức, việc tiếp nhận công việc vẫn do cán bộ chuyên môn trực tiếp thực hiện do đó khi cán bộ chuyên môn vắng thì lĩnh vực do cán bộ đó phụ trách không được giải quyết và xảy ra tình trạng quá tải trong khi cấp xã liên tục được phân quyền thêm nhiệm vụ mới: Cấp phép xây dựng, chứng thực… Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho cải cách hành chính ở cấp xã hiện nay rất khó khăn do UBND cấp xã được xây dựng theo thiết kế chung không còn phòng dành cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thậm chí khuôn viên của UBND cấp xã cũng không còn chỗ để dành cho xây dựng mới phòng làm việc. Việc niêm yết thủ tục hành chính, thời gian giải quyết…. được nhiều UBND cấp xã tận dụng các khoảng không có trong trụ sở để niêm yết vừa không trang trọng, vừa khó theo dõi.

Xuất phát từ những nội dung đã làm rõ, ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có những kiến nghị với ban chỉ đạo cải cách hành chính và UBND các cấp. Cải cách hành chính không thể là việc làm trong ngày một, ngày hai; chính vì vậy những vấn đề này cũng sẽ được tiếp tục đưa ra bàn thảo tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11 để các đại biểu HĐND tỉnh cho ý kiến đóng góp nhằm đưa cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đi đúng hướng của mình.

Nguyễn Thị Oanh