Y đức không ở đâu xa

Đăng ngày: 15/08/2011
Ngày 27.2 là ngày Thầy thuốc trên khắp cả nước mừng ngày kỷ niệm nghề nghiệp cao quý của mình. Sức khoẻ và mạng sống của con người là vô giá, và thầy thuốc là những người sử dụng khối óc cùng trái tim để chăm sóc, bảo vệ sự vô giá đó. Đối tượng cứu chữa không phải là máy móc mà là con người, nên lòng nhân ái của người thầy thuốc luôn được đề cao, được người đời xưng tụng như tình thương của người mẹ “ lương y như từ mẫu”.
Ngành y tế Đồng Nai “ chưa làm tốt vai trò chăm sóc sức khỏe cho nhân dân", đó là nhận xét của lãnh đạo tỉnh tại nhiều hội nghị quan trọng. Điểm qua thì thấy, phần lớn các trạm y tế cơ sở, trung tâm y te cấp huyện và bệnh viện tuyến tỉnh đều trong tình trạng cũ kỹ, thiếu thốn phương tiện làm việc, chậm trang bị thiết bị y khoa hiện đại; thiếu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ y, bác sĩ. Đã có nhiều ý kiến bàn về sư yếu kém của ngành y tế, những bức xúc xã hội về công tác khám- chữa bệnh. Nhưng công bằng mà suy xét, thì khó khăn về thiết bị y tế, bệnh viện quá tải đâu chỉ là nỗi khổ riêng của bệnh nhân, mà đó cũng là áp lực đổ xuống trên vai đội ngũ cán bộ ngành y tế.

Trong điều kiện đất nước còn nghèo, chưa đủ nguồn lực để xây dựng được bệnh viện, cơ sở y tế văn minh và trang bị đầy đủ thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, thì chính thầy thuốc là những người đầu tiên gánh chịu nỗi nhọc nhằn từ sự thiếu thốn đó. Hãy thử hình dung, trong môi trường rất kém chất lượng tại phần lớn các bệnh viện, các y bác sĩ không phải làm việc một ngày, mà phải làm việc thường xuyên trong môi trường đó. Bệnh nhân và người nhà đến bệnh viện chỉ chịu đựng trong thời gian nhập viện, còn đối với y, bác sĩ thì đó là không gian sống và làm việc của họ. Cho nên, nỗi bức xúc mà xã hội nêu len đối với ngành y tế cũng chính là nỗi bức xúc của đội ngũ y, bác sĩ. Hạn chế của ngành y tế không phải là lỗi của đa số những người thầy thuốc. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn đó, thầy thuốc vẫn âm thầm làm công việc thiêng liêng và cao quý của mình. Nhiều người đã dành trọn đời chăm sóc bệnh nhân, nghiên cứu khoa học để phục vụ cho sức khỏe của con người. Tên tuổi của các y bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp, có cống hiến khoa học không thể kể hết. Và từng ngày từng giờ, hàng triệu bệnh nhân đang được bàn tay của thầy thuốc chăm sóc, biết bao mạng sống được giữ gìn. Đó không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn là công đức có được từ một nghề nghiệp cao quý. Người bệnh cần không những kỹ thuật cao, phương tiện hiện đại của bệnh viện, mà còn rất cần sự tận tâm, quan tâm chia sẻ, đồng cảm của thầy thuốc.

Hãy cảm thông và chia sẻ, nhất là đối với lực lượng y bác sĩ đang làm việc ở những vùng sâu, vùng xa, thiếu thốn mọi thứ. Thầy thuốc đang mong mỏi có được môi trường và điều kiện làm việc tốt như các nước tiên tiến để cống hiến được nhiều hơn, chăm sóc cho bệnh nhân chu đáo và hiệu quả hơn.

Một trong những hạn chế lớn hiện nay của ngành y tế Đồng Nai là chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến dưới còn thấp, mà nguyên nhân chính là do  cơ sở hạ tầng yếu kém; máy móc trang thiết bị y tế thiếu thốn, lạc hậu, cũ kỹ; thiếu bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ giỏi nghề. Thực tế, ngành y tế trong thời gian dài chưa chú trọng nhiều đến đào tạo bác sĩ cho tuyến xã, chưa chú trọng chữa bệnh bằng Tây y gan với Đông y.

Công việc vừa cấp bách vừa lâu dài của ngành y tế Đồng Nai là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực. Trong năm qua ngành y tế Đồng Nai rất thành công khi đã liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các trường đại học y khoa trong cả nước cho gần 160 người. Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên, ngành y tế Đồng Nai mở ra nhiều biện pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác. Mong muốn của lãnh đạo Sở Y tế la sắp tới sẽ khuyến khích đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh như: Bệnh viện liên doanh, bệnh viện dân lập, bệnh viện tư nhân... Trong điều kiện kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách cấp cho ngành y tế rat hạn hẹp, nhưng những thành tích của ngành đã đạt được là rất đáng trân trọng và là nỗ lực của toàn thể y sĩ, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên toàn ngành. Nổi bật là việc kiểm soát thành công dịch bệnh xảy ra; nâng cao  chất lượng và quy mô trong khám, chữa bệnh, nhất là mạng lưới khám, chữa bệnh cơ sở, vùng sâu, vùng xa; trình độ chuyên môn cũng như trình độ quản lý của đội ngũ thầy thuốc ngày càng được nâng lên, đã tạo điều kien cho người nghèo được hưởng các dịch vụ y tế...Mục tiêu trong năm 2007, Sở Y tế sẽ tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, nhất là các trạm y tế vùng sâu, vùng  xa, khu vực có đông dân cư, các trạm đã xuống cấp nghiêm trọng. "Trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “thì y đức là hàng đầu”. Không thể có thầy thuốc thờ ơ trước sinh mạng của người bệnh. Y đức là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của những người hành nghề y, được thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, coi sự đau đớn của người bệnh như của mình. Lời Bác Hồ đã dạy "Lương y như từ mẫu". Y đức không ở đâu xa, đó là thái độ giao tiếp, cung cách phục vụ - cái mà người bệnh rất cần. Lâu nay, nhiều người (ngay cả nhân viên y tế) cứ nghĩ rằng, y đức chỉ là những gì to tát, là những vấn đề liên quan đến yếu tố chuyên môn sâu nhiều hơn, mà quên rằng, y đức không ở đâu xa, đó là những việc diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại các cơ sở y tế. Đó là thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ đối với người bệnh và thân nhân họ. Trong 12 điều y đức (tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế), Điều 4 có nói: "Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình...; phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị...". Thế nhưng, lâu nay tại các bệnh viện, cơ sở y tế, nhiều nhân viên, y, bác sĩ ít quan tâm nhiều đến khía cạnh tiếp xúc, chia sẻ với bệnh nhân; một số y, bác sĩ rất "tiết kiệm" lời, khiến người bệnh rất e ngại mỗi khi vào bệnh viện, nhất là những bệnh viện công!

Đi liền với xây dựng y đức cũng cần có cải cách chế độ chính sách nâng cao thu nhập cho cán bộ thầy thuốc. Đồng thời, ngành y tế cũng cần đổi mới nhanh cơ chế quản lý các bệnh viện, giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm.             

Với những thuận lợi, hạn chế như nêu trên thì trong năm 2007 và những năm tiếp theo, ngành y tế Đồng Nai cần tập trung đầu tư cho các trạm y tế cơ sở cả về hạ tầng, trang thiết bị và con người. "Chúng tôi đề ra mục tiêu đến 2010, tất cả các trạm y tế cấp xã đều có bác sĩ phục vụ thường xuyên, ổn định; đến cuối năm 2007 có 70% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Ngành y tế cũng sẽ phát triển mô hình phòng khám liên xã để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho bệnh viện tuyến huyện. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được mở rộng diện tích, quy mô và tăng cường dịch vụ y tế chất lượng cao. Riêng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ngoài chuẩn bị khởi công vào cuối năm 2007 còn phải tính đến đào tạo y, bác sĩ giỏi nghề, đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên có đủ số lượng và khả năng làm việc trong một bệnh viện hiện đại tầm cỡ khu vực" Giám đốc Sở Y tế  BS Từ Thanh Chương cho biết như vay. Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng sẽ được ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, khuyến khích tăng cường xã hội hóa y tế. Tất nhiên, con người vẫn là yếu tố quyết định nên Sở Y tế sẽ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu về trình độ. Phấn đấu đến năm 2010, ngành y tế Đồng Nai có đội ngũ có năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cao. Toàn ngành y tế ngay trong đợt phát động thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", hãy phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những yếu kém, nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phải đat y đức lên hàng đầu, không thể chấp nhận việc có thầy thuốc thờ ơ trước sinh mạng của người bệnh.

 KNgọc