Đánh giá của HĐND tỉnh về hiệu quả của Đề án Kiên cố hóa trường học giai đoạn 2003-2005 đối với vấn đề thực hiện nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc đào tạo nhân lực của tỉnh

Đăng ngày: 15/08/2011
Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học của tỉnh là một chương trình lớn được xây dựng với mục đích nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, cũng như tăng cường cơ sở vật chất trường học để đáp ứng mục tiêu phát triển theo chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010, thực hiện theo Nghị quyết 40 của Quốc hội, Nghị định 14 của Chính phủ, Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 58/2003/NQ-HĐND về đề án thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2003-2005.
Đây là một chương trình có tầm quan trọng với số lượng công trình khá nhiều, đòi hỏi phấn đấu tích cực để thực hiện đúng tiến độ cũng như chất lượng. Tuy gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn chung các địa phương thực hiện khá tốt, đã chủ động thời gian, mục tiêu, kế hoạch, khắc phục một số khó khăn về đất đai, nguồn vốn, điều kiện thực hiện để phấn đau đạt mục tiêu đề ra. Kinh phí dự kiến cho chương trình theo đề án là 511 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do đơn giá nguyên nhiên vật liệu, nhân công, chi phí đền bù, giải tỏa tăng …và một số chi phí khác đã làm cho nguồn kinh phí thực hiện chương trình tăng lên, nếu thực hiện hết số lượng trường lớp theo mục tiêu của chương trình đề ra thì kinh phí dự kiến lên đến trên 971 tỉ đồng.

Đánh giá một cách tổng quát về chương trình, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy đề án đã đạt một số kết quả về chính trị, kinh tế, xã hội, thể hiện như sau: việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp hướng đến hoàn chỉnh hệ thống trường lớp theo quy hoạch gắn vơi đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đây là dự án lớn, nhiều công trình, nguồn kinh phí cao nhưng thời gian thực hiện ngắn đã có sự tác động tích cực về nhận thức xã hội, thể hiện sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền đối với sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh nhà; chương trình đã có sự ưu tiên đầu tư cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng để đưa các xã này ra khỏi chương trình 135; chương trình đã tăng cường cơ sở vật chất trường học trên địa bàn theo hướng hiện đại hóa, kết hợp mục tiêu kiên cố hóa với chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; chương trình đã có sự tác động tích cực đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đẩy mạnh việc phát triển trường chuẩn quốc gia ở các cấp học trên địa bàn tỉnh; chương trình không chỉ dừng lại ở mục tiêu của Chính phủ là xóa ca 3 và tranh tre, nứa lá mà còn xây mới phòng học để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển tăng số lượng học sinh. Cụ thể là xây 1.259 phòng học để xóa ca 3, tạm, mượn và 1.325 phòng theo yêu cầu mới; đưa tỷ lệ phòng kiên cố 37,3% năm 2003 lên 52% năm 2006, trường chuẩn quốc gia là 16 trường năm 2003 lên 47 trường năm 2006. Điều này nói lên được tâm huyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và các sở ngành, địa phương chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

Qua quá trình giám sát, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy công tác tổ chức thực hiện đề án còn một số han chế do các nguyên nhân chủ quan và khách quan như sau: một số hồ sơ dự án không khớp với quy hoạch đã được duyệt nên Sở Kế hoạch&Đầu tư đã yêu cầu điều chỉnh lại giới thiệu địa điểm; năng lực và số lượng đơn vị tư van thiết kế còn hạn chế nên các thiết kế kỹ thuật của một số công trình phải chỉnh sửa nhiều lần; trong quá trình giải tỏa gặp khó khăn vì có khiếu kiện do sự chênh lệch giữa giá đất cũ và mới, đặc biệt vì khung giá đất của một số địa phương như thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, huyện Nhơn Trạch… cao hơn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng càng gặp nhiều khó khăn; một số dự án khi rà soát lại mặt bằng tổng thể của khu đất không đúng với giới thiệu địa điểm đã được phê duyệt; một số hồ sơ xét thấy các nhà thầu không đủ năng lực nhưng một số nơi vẫn cho đấu thầu dẫn đến phải hủy kết quả thầu...; năng lực chuyên môn và khả năng điều hành của Ban Quản lý dự án của một số đơn vị cấp huyện còn chưa đạt yêu cầu, số lượng cán bộ chuyên môn còn thiếu do dự án trên địa bàn quá nhiều. Các Ban Quản lý dự án chưa phat huy hết vai trò chủ động tích cực trong việc xử lý hồ sơ dự án và đôn đốc, liên hệ với các sở ngành đối với những khó khăn phát sinh trong  quá trình thực hiện dự  án; đối với mẫu thiết kế xây dựng: một số công trình khi thực hiện theo mẫu thiết kế của Bộ Xây dựng không phù hợp với đối tượng sử dụng và các yêu cầu chuẩn của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Thí dụ như nhà vệ sinh của các trường mẫu giáo được thiết kế chung cho bé trai va bé gái là không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ; quy cách của các thiết bị vệ sinh trong các trường THCS, THPT không đủ đáp ứng với số lượng học sinh quá đông, một số chi tiết nhỏ dùng cho phòng thí nghiệm ở các trường THPT( vòi nước, quy cách của bệ thí nghiệm) chưa hợp lý... Vì thế, có nhiều hạng mục công trình vừa xây xong phải sửa chữa lại để đáp ứng các yêu cầu  trường chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục-Đào tạo; năng lực và mức độ chủ động theo dõi, đôn đốc công trình của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; ban chỉ đạo chương trình chưa chủ động trong công tác huy động các nguồn vốn để khai thác tối đa tiềm lực trong xã hội. Vì thế nguồn vốn thực hiện đề án chủ yếu là vốn ngân sách địa phương (dự kiến 971.321 triệu đồng), chưa thực hiện được việc huy động các nguồn vốn trong nhân dân, từ các doanh nghiệp, các tổ chức… như đề án đã nêu. Chính vì một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nói trên mà đến cuối năm 2006, mặc dù HĐND tỉnh đã gia hạn thời gian thực hiện chương trình thêm một năm nhưng vẫn còn 352 phòng chưa khởi công, trong đó có 12 phòng cần phải xây để thay thế phòng học tạm và mượn;

Phương hướng trước mắt, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan chủ động nghiên cứu kỹ về yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực để có đề án đầu tư xây dưng có trọng tâm, trọng điểm theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ VIII đã đề ra cho giai đoạn 2006-2010 để kịp trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định theo tinh thần của Nghị quyết số 80 /2006/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2006.

Ban biên tập