Tin tổng hợp

Đăng ngày: 15/08/2011
Tin tổng hợp
Bạn cần biết về mở rộng đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất
Ngày 16/8/2006, Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 2746 đính chính lại thông tư số 70/2006 vừa được ban hành trước đây (hơn 2 tuần) về hướng dẫn thực hiện thủ tục và đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quyết định đã nêu rõ, các hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở hoặc chuyển từ đất nông nghiệp đã được quy hoạch khu dân cư sang sử dụng vào mục đích làm nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận mà phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 198/2004/NĐ-CP nếu chưa đủ khả năng nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước thì được ghi nợ số tiền phải nộp trên giấy chứng nhận. Trước đó Thông tư 70/2006 đã giới hạn đối tượng được ghi nợ chỉ là những hộ nghèo kèm theo một số thủ tục khá phức tạp.

Công ty Cổ phần doanh nghiệp trẻ Đồng Nai- Thực hiện một nghề kinh doanh mới
Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện một nghề kinh doanh mới, đó là mua bán doanh nghiệp chết. Các nhà đầu tư mua doanh nghiệp chết luôn có kế hoạch tái cấu trúc lại doanh nghiệp bằng những chiến lược và kế hoạch thích hợp.Họ bỏ vốn và đưa công nghệ mới hoặc thay đổi phương pháp quản lý để vực dậy và phát triển doanh nghiệp chết này theo bản sắc của nhà đầu tư mới. Công ty Cổ phần doanh nghiệp trẻ Đồng Nai, mới được thành lập, nhưng họ đã thực hiện một nghề kinh doanh mới. Công ty Cổ phần doanh nghiệp trẻ Đồng Nai mua lại Công ty Cheerfield Rama bị phá sản  do những khoản nợ lớn không thể thanh toán với giá tượng trưng 1 USD. Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty C ổ phần Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai cho biết: Công ty của Ông sẽ kiếm được một số tiền khá từ việc bán lại Công ty chết này sau khi đã làm sạch nợ cho nó. Công ty Cổ phần doanh nghiệp trẻ Đồng Nai sẽ phải đầu tư giải quyết khoản nợ 34 tỷ đồng của Công ty Cheerfield Rama thì mời dễ bán cho nhà đầu tư khác.

 
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh vừa tiến hành giám sát kết quả tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2002/NQ-HĐND6 ngày 11.7.2002 về việc thành lập hai xã Mà Đà, Hiếu Liêm thuộc huyện Vĩnh Cửu trong tháng 8 năm 2006. Kể từ khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc thành lập hai xã Mã Đà, Hiếu Liêm, ngày 13.3.2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2003/NĐ-CP về việc thành lập hai xã Mã Đà, Hiếu Liêm, hai xã đã chính thức đi vào hoạt động ổn định; Công tác cắm mốc, bàn giao hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính, đề nghị công nhận là các xã miền núi đã được UBND huyện Vĩnh Cửu thực hiện hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, hai xã vẫn chưa có trụ sở làm việc mà còn phải mượn một phần văn phòng của Lâm trường Mã Đà(cũ) và Lâm trường Hiếu Liêm(cũ) làm trụ sở; việc bàn giao quỹ đất chậm thực hiện. Nhằm đảm bảo thực hiện dự án quy hoạch dân cư gắn với công tác quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng, UBND huyện Vĩnh Cửu đã hợp đồng với Trung tâm quy hoạch thuộc sở Xây dựng để lập quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn trên địa bàn xã Mã Đà và xã Hiếu Liêm. Hiện nay Trung tâm quy hoạch đang thực hiện điều tra, thu thập số liệu để tiến hành lập dự án.

Qua giám sát, Đoàn đã chỉ rõ những tồn tại trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh từ đó kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ lập dự án quy hoạch, rà soát và có hướng tháo gỡ đối với những khó khăn trong quản lý hộ khẩu, hộ tịch, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thuộc hai xã.

 Hội thảo về công tác giám sát của HĐND.

Vào 2 ngày 15 và 16/8/2006 tại Bỉnh Định, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội tổ chức cuộc Hội thảo về công tác giám sát của HĐND được sự tài trợ bởi dự án VIE/02/007. Có 17 tỉnh thành gồm 04 khu vực về tham dự cuộc Hội thảo này. Mục đích của cuộc Hội thảo là nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát của HĐND.

Tại Hội nghị có 04 bài báo cáo được trình bày bởi HĐND các tỉnh như: Tham luận của Thường Trực HĐND tỉnh Đắk Nông về hoạt động giám giám sát tại kỳ họp HĐND, Tham luận của đồng chí Hoàng Phước Quỳnh-Phó Ban Pháp chế Quảng Trị về hoạt động giám sát của Ban Pháp chế, Tham luận của của Ban KT-NS HĐND tỉnh Phú Yên về một số kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện một cuộc giám sát chuyên đề, Tham luận của Thường Trực HĐND tỉnh Thanh Hóa về công tác phục vụ giám sát của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Qua các bài tham luận, Thường Trực HĐND, Văn phòng HĐND và các Ban của HĐND các tỉnh muốn nêu lên tình hình họat động thực tế tại tỉnh nhà và đưa ra những kinh nghiệm, kiến nghị tại Hội nghị.

Sau các bài tham luận, đại diện của các tỉnh-thành phố chia thành 03 nhóm dự thảo luận về công tác giám sát của HĐND gồm: nhóm là đại diện Thường Trực HĐND, nhóm thuộc đại diện lãnh đạo Văn phòng phục vụ HĐND và nhóm đại diện các Ban của HĐND các tỉnh, thành phố. Cuộc thảo luận đã đưa ra nhiều vấn đề nhằm nâng cao hoạt động giám sát như: đề nghị sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND, tăng tỉ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, giảm số lượng giám sát trong năm và nâng cao chất lượng một cuộc giám sát,…

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Ngọc Thiện-Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu đã đánh giá cao về việc thực hiện cơ cấu tổ chức hoạt động chuyên trách của các Trưởng và Phó trưởng Ban của HĐND của tỉnh Đồng Nai, đồng thời việc thành lập các tổ giám sát của HĐND cấp xã của Thường Trực HĐND tỉnh Đồng Nai cũng là việc áp dụng linh hoạt theo tình hình thực tế tại địa phương nhằm nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan ở địa phương.

Với việc tham dự và đóng góp ý kiến nhiệt tình, sôi động của 17 tỉnh, cuộc Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Hội nghị là dịp gặp mặt tốt nhất cho việc học tập, trao đổi kinh nghiệm của Thường Trực HĐND, Văn phòng HĐND và các Ban của HĐND các tỉnh.

Hoạt động của Ban Pháp chế HĐND thành phố Biên Hòa

Ban Pháp chế HĐND thành phố Biên Hòa đã tổ chức khảo sát việc thực hiện NQ 50/2005/NQ-HĐND thành phố về vận động toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thực hiện chủ trương 4 giảm “ Tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm và tai nạn giao thông” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006-2009 tại các phường Quang Vinh, Bửu Long, Bửu Hòa và Tân Biên.

Việc tổ chức thực hiện NQ 50/2005/NQ-HĐND của thành phố Biên Hòa đã được các địa phương quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể, qua đó đã góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống, đồng thời qua phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc trong việc thực hiện chủ trương 4 giảm đã gắn với cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mang lại nhiều kết quả thiết thực; công tác hòa giải tranh chấp trong dân được chú trọng, công tác quản lý địa bàn, năm chắc đối tượng và cảm hóa đối tượng được thực hiện tốt, việc quản lý nhà trọ, quản lý sau đăng ký kinh doanh được các đại phương tổ chức theo dõi, nắm chắc tăng cường tuần tra kiểm soát. Công tác tuyên truyền đã có nhiều hình thức thiết thực, nhiều nội dung, nhiều đối tượng cụ thể, gắn với việc tổ chức cam kết trong các hộ, cộng đồng dân cư. Qua cuộc vận động, cơ quan chức năng đã nhận được nhiều nguồn tin có giá trị giúp cho công tác điều tra, phá án đạt kết quả.

Tuy nhiên việc tổ chức tuyên truyền trong dân chưa được rộng rãi và liên tục, chưa  thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, thông tin giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo chưa nắm bắt kịp thời để xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn. Qua giám sát, Ban Pháp chế kiến nghị Ban chỉ đạo thành phố tăng cường kiểm tra, có quy chế phối hợp hoạt động giữa các thành viên nhằm phát huy sức mạnh của tòan xã hội, hướng dẫn các hộ kinh doanh chấp hành các quy định cuả nhà nước, chú ý các loại hình kinh doanh dịch vụ liên quan đến môi trường văn hóa. 

Từ nay đến cuối năm 2006, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cần tuyển thêm 20.000 lao động chủ yếu ở các ngành dệt may, giày da, chế biến thực phẩm.
Điển hình như Công ty TTHH Hwaseung Vina (Nhơn Trạch) thiếu 1.000 lao động; công ty Amanda, Khu công nghiệp Amata (Biên Hòa) cần hơn 1.000 lao động; công ty Pousung Vina, Khu công nghiệp Bàu Xéo (Trảng Bom) gần 2.000 lao động... Theo giới chuyên môn, sở dĩ trước đây nhiều khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai thiếu lao động khá trầm trọng là do lương và các chế độ của người lao động chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức nên khó thu hút thanh niên từ các tỉnh, thành đến địa phương làm việc, thêm vào đó tình trạng cạnh tranh về lao động hoặc người lao động bỏ doanh nghiệp đang làm việc để đến với đơn vị khác có các chế độ ưu đãi khá hơn. Mặt khác số lượng và quy mô doanh nghiệp phát triển mạnh, nhưng các nhà tuyển dụng lại thiếu thông tin về cung-cầu thị trường lao động. Để khắc phục vấn đề trên, lãnh đạo Tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các ngành chức năng bám sát doanh nghiệp và cung cấp thông tin kịp thời những vấn đề liên quan đến lĩnh vực lao động và việc làm theo định kỳ hàng tháng; yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt những chính sách về tiền lương, thưởng, phụ cấp đối với người công nhân để họ nâng cao chất lượng cuộc sống, gắn bó lâu dài với đơn vị và được nhiều chủ doanh nghiệp đồng ý. Nhờ vậy, sự thiếu hụt về lao động hay đơn phương chấm dứt hợp đồng của công nhân đang chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đã tiến hành sắp xếp và sử dụng lao động hợp lý hơn theo chiều hướng tiết kiệm nhân lực. Bên cạnh đó, hiện Tỉnh Đồng Nai đã và đang khuyến cáo  các nhà đầu tư trước khi đến Đồng Nai nên chọn những ngành nghề hạn chế sử dụng nhiều lao động phổ thông, tập trung đầu tư các ngành công nghệ cao, ít tác động đến môi trường.

Vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại buổi giám sát về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của Thường trực HĐND tỉnh, hiện nay hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản gặp nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn xuất phát từ chính các quy định của pháp luật.

Điểm a khoản 3 điều 11 của Nghị định 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản quy định mức phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép từ 20 triệu đến 50 triệu đồng; hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm là không phù hợp với tình hình thực tế. Hoạt động khai thác khoáng sản thông thường diễn ra với quy mô nhỏ, do các hộ dân nghèo không am hiểu pháp luật thực hiện bằng cách bơm hút cát sông lên ghe nhỏ chứa được từ khoảng 2 đến 5 m3  cát hoặc khai thác từ 10 đến 30 xe ben đất một ngày để cung cấp cho nhu cầu san lấp nền nhà của dân cư quanh vùng,  chính vì vậy mức phạt theo quy định như trên là khó thực hiện do người dân không có khả năng. Hơn nữa, với việc quy định mức phạt như vậy làm cản trở chức năng quản lý của chính quyền cấp xã và cấp huyện do khung phạt vượt thẩm quyền xử lý trong khi đó việc khai thác khoáng sản trái phép  là việc làm xảy ra hàng ngày trên địa bàn các xã, phường,  thị trấn ven sông Đồng Nai để cung cấp cho nhu cầu xây dựng ngày càng tăng trong nhân dân. Với mức phạt theo quy định hiện hành cũng sẽ gây khó khăn cho phía cơ quan có thẩm quyền xử phạt vì hiện tượng quá tải. 

Kết luận buổi giám sát, ông Huỳnh Chí Thắng-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường rà soát những khó khăn, vướng mắc của ngành, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để có kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nhằm tìm hướng tháo gỡ.  

Thực hiện:Nguyễn Thị Phi-Nguyễn Thị Oanh-Đăng Khoa-Kim Ngọc-Ban Biên tập