|
Ảnh: Đập Bỉnh-xã Gia Tân huyện Thống Nhất |
Thực hiện Nghị định 97, Huyện Thống Nhất được tách ra và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2004. Toàn huyện có diện tích hơn 24.000 ha trong đó có đến 19.500 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng cây công nghiệp và cây lâu năm chiếm 15.000 ha, cây hàng năm 4.500 ha. Kinh tế huyện hiện nay chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp. Trong thời gian qua, kinh tế huyện cũng đã gặp nhiều khó khăn về giá cả vật tư nông nghiệp, thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích gieo trồng cũng như nước phục vụ tưới tiêu cho các vụ mùa do đó mà nhiệm vụ tăng cường kiên cố hoá kênh mương và quản lý các đập thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết HĐND huyện kỳ họp thứ 5 đã đề ra. Để nắm bắt cụ thể về tình hình cung ứng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, vừa qua Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện đã tổ chức giám sát công tác kiên cố hoá kênh mương và quản lý sử dụng các công trình thuỷ lợi đối với Phòng Kinh tế huyện và đi khảo sát thực tế tại 3 xã Xuân Thiện, Gia Tân 3 và xã Hưng Lộc.
Trên địa bàn huyện hiện có 16 đập thủy lợi lớn nhỏ, tập trung ở 5 xã trong đó riêng 3 xã Xuân Thiện có 4 đập, xã Gia Tân 3 có 4 đập và xã Hưng Lộc 2 đập. Hầu hết số đập trên đều được xây dựng đã lâu khoảng từ năm 1970 đến 1992 nên đến nay một số công trình đã bị hư hỏng nặng. Hiện có 3 đập bị hư hỏng 100% và 01 đập bị hư khoảng 40%. Ngoài ra qua đi khảo sát ở 3 xã, một số đập bị bồi lắng như đập ông Thọ và đập Bỉnh xã Gia Tân 3. Đặc biệt đập Bỉnh đã bị bồi lắng khoảng 2/3 diện tích dòng chảy, những năm gần đây do ở thượng nguồn, nguồn nước bị cạn kiệt vào mùa nắng nên công trình này không phục vụ được việc tưới cho vụ Đông Xuân. Hiện nay bà con chỉ cần nước phục vụ cho vụ Đông Xuân (công trình này do tỉnh đầu tư); có đập hiện nay không còn phụ vụ cho việc tưới tiêu mà chỉ phục vụ đi lại cho nhân dân, như đập Suối Bí xã Hưng Lộc (công trình này được tỉnh đầu tư 84 triệu đồng). Như vậy hiện nay chỉ có khoảng 10 đập thủy lợi trên địa bàn huyện có thể phục vụ việc tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, với diện tích diện tích là 968 ha chiếm khoảng 5% trên tổng số diện tích đất nông nghiệp , trong đó 429 ha (2,9%) cây công nghiệp và cây lâu năm, 539 ha (12%) cây hàng năm. Về hệ thống kênh mương, hiện nay toàn huyện có 36.257 m kênh mương trong đó có 23.057 m kênh chính và 13.200 m kênh phụ. Huyện đã thực hiện kiên cố hoá được 6.844 m kênh chính đạt khoảng 30% so với toàn bộ hệ thống kênh chính hiện có. Hệ thống kênh mương này hiện nay vẫn đang sử dụng dẫn và thoát nước tốt.
Qua giám sát, một số vấn đề được đặt ra như công tác quản lý sử dụng các đập thủy lợi ở các xã đang bị bỏ ngõ. Chủ tịch UBND xã chưa nắm được phân cấp quản lý các công trình thuỷ lợi nên chưa tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý. Hiện nay chưa có xã nào có quyết định chính thức bố trí bộ máy quản lý cụ thể đối các đập trên địa bàn xã nên đã xảy ra tình trạng người dân tự tiện đục lỗ lấy nước ở đập Cây da xã Xuân Thiện. Các xã vẫn chưa chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức nạo vét, bảo quản tu sửa đối với các đập thủy lợi nên dẫn đến hiện nay có một số đập bị bồi lắng chưa được xử lý, hiệu quả tuới tiêu kém. Các xã cũng chưa triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả công tác thu thủy lợi phí để phục vụ lại cho công tác quản lý, bảo dưỡng các công trình. Theo báo cáo của các xã trên thì công tác thu thủy lợi phí hiện nay là rất khó thực hiện do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là do hiệu qủa sử dụng của các đập không đảm bảo nên nhân dân không muốn đóng. Đối với công tác kiên cố hoá kênh mương, các xã vẫn chưa chủ động có kế hoạch tiến hành kiên cố hoá, chưa huy động được sức dân cùng tham gia. Ngoài ra, chưa có xã nào có kế hoạch để sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp nông lâm thuỷ để phục vụ cho công tác quản lý bảo quản các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương.
Ban KTXH HĐND huyện đã đề nghị Phòng Kinh tế huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng Pháp lệnh 32 về Quản lý và khai thác sử dụng các công trình thủy lợi cho các xã; hướng dẫn các xã thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ sử dụng các đập thủy lợi hiện có trên địa bàn; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp nông lâm thuỷ đúng mục đích và hiệu quả; đối với công tác thu thủy lợi phí cần có sự tính toán để thu đúng và hợp lý. Về kênh mương nội đồng, Ban cũng đề nghị Phòng hướng dẫn UBND các xã tổ chức quy hoạch và xây dựng kế hoạch thực hiện kiên cố hoá hệ thống kênh mương trên địa bàn.
Kim Đoan
VP.HĐND huyện Thống Nhất