Một số giải pháp hạn chế dịch cúm gia cầm tái bùng phát

Đăng ngày: 15/08/2011
Vừa qua, ông Ao Văn Thinh- PCT.UBND, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại vật nuôi tỉnh đã chủ trì cuộc họp đánh giá công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm thời gian qua và triển khai các giải pháp cụ thể phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Ao Văn Thinh-PCT.UBND tỉnh-Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại vật nuôi tỉnh- chỉ đạo hội nghị
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trở lại. Thủ tướng Chính phủ đã gửi hỏa tốc Chỉ thị số 29/2006/CT-TTg ngày 08/8/2006 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người. Tiếp theo là công điện và thông báo của các Bộ, ngành: Ngày 15/8/2006 có công điện của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn chỉ đạo gấp rút triển khai các biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm tái phát; ngày 16/8/2006 có Công điện của Bộ GTVT chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm trên ô tô; ngày 02/8/2006, Bộ y tế thông báo về các biện pháp phòng chống đại dịch cúm A (H5N1) ở người. Mặc dù ở Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, từ đầu năm đến nay không xảy ra dịch cúm gia cầm và không có trường hợp nhiễm cúm A H5N1) ở người. Do vậy nhiều địa phương trong tỉnh và nhân dân xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, buông lỏng công tác phòng chống dịch. Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang diễn biến rất phúc tạp, ở một số nước trong khu vực sau một thời gian dài không có dịch, nay đã tái bùng phát dịch và tiếp tục ghi nhận thêm bệnh nhân nhiễm và tử vong do virut cúm A (H5N1)…

Ông Nguyễn Văn Giàu-Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo tình hình xử lý việc vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm
Vừa qua, ông Ao Văn Thinh- PCT.UBND, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại vật nuôi tỉnh đã chủ trì cuộc họp đánh giá công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm thời gian qua và triển khai các giải pháp cụ thể phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người trên địa bàn toàn tỉnh. Cuộc họp đã nhất trí đánh giá về kết quả đã đạt được trong thời gian qua là tích cực, các cấp các ngành đã chủ động phối hợp để triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Kết quả thực hiện từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2006 trên địa bàn toàn tỉnh đã tập huấn được 11 lớp kỹ thuật tiêm phòng cúm gia cầm với 1.246 người tham gia, tuyên truyền về bệnh cúm gia cầm, phổ biến biện pháp phòng ngừa; các cơ quan thông tin đại chúng đã tích cực đưa tin để nhân dân nâng cao nhận thức về bệnh cúm gia cầm, lợi ích của việc tiêm phòng văcxin cúm gia cầm; vận động các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ đăng ký và cam kết tiêm phòng… Bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn tồn tại là: Kinh phí phục vụ tiêm phòng ở một số huyện còn chậm, có huyện cán bộ thú y phải bị trừ lương do tiền tạm ứng mua thuốc tiêm phòng đưa xuống xã, nhưng xã chưa thu được tiền kịp thời, thời gian dự kiến chưa đảm bảo tiêm đủ 2 mũi của đợt 1, thiếu việc phối kết hợp giữa các cơ quan đoàn thể…các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chuyển đổi được tập quán nuôi thả sang nuôi nhốt hoặc thả vườn có rào chắn; các hộ chăn nuôi thủy cầm, chim cút vẫn còn nhiều, chưa thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc phải tiêu thụ, giết mổ đàn vịt đẻ và chim cút đã tiêm phòng đến hết ngày 30/6/2006, nếu đến nay chưa tiêu thụ thì phải kiên quyết tiêu hủy không bồi thường.

Đàn vịt nuôi thả vẫn tung tăng bơi lội trong khu du lịch bò cạp vàng
Công tác kiểm dịch từ tháng 1 đến tháng 8 nắm 2006, đã kiểm dịch xuất tỉnh được trên 4 triệu con gà, gần 29 ngàn con vịt, trên 63 triệu quả trứng, trên 131 ngàn kg trứng cút. Các công tác phòng, chống dịch khác đã triển khai kịp thời, thực hiện báo cáo hàng ngày theo quy định của Văn phòng Chính phủ bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, tổ chức lấy mẫu huyết thanh gia cầm kịp thời; duy trì thường xuyên 5 chốt kiểm dịch giáp ranh với các tỉnh.

Những tồn tại cần phải xử lý trong thời gian tới và thực hiện một số giải pháp hạn chế dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Cần triển khai ngay việc tiêu thụ, giết mổ đối với đàn vịt đẻ và chim cút đã tiêm phòng, thực hiện tiêm phòng mũi 2 cho đàn vịt và tiến hành tiêu thụ, giết mổ trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày hôm nay (18 tháng 8 năm 2006).

2. Phải thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để các hộ nuôi nhỏ lẻ phải nuôi nhốt gia cầm, nếu có nuôi nhốt thì mới thực hiện tiêm phòng đợt 2, vì sau khi tiêm đợt 1 cho thấy việc không nuôi nhốt gia cầm thì tiêm phòng không hiệu quả, vì sẽ tiêm trùng lắp hoặc bỏ sót, do không quản lý được gia cầm nuôi thả nhỏ lẻ

3. Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu để  trình UBND tỉnh xem xét thành lập 01 tổ đặc nhiệm (gồm Chính quyền, Thú y, y tế, Hội nông dân, các đoàn thể…) để vận động tuyên truyền và giám sát chủ động, chủ yếu là ở cấp xã vì thực tế thời gian qua, ở cấp xã cảnh giác chưa cao về dịch cúm gia cầm.

4. Xử lý triệt để nạn vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm. Giao cho Giám đốc Sở GTVT nghiên cứu phân tuyến lưu thông vận chuyển gia cầm, không cho đi vào các tuyến đường trong nội ô thành phố.

5. Giao cho Giám đốc Sở Tài chính xây dựng định mức chi phí tuyên truyền, phòng, chống dịch theo 3 mức khung cho 3 vùng trên địa bàn tỉnh để khắc phục tình trạng kinh phí chậm do khâu thẩm định trong thời gian qua; xây dựng chính sách khen thưởng để động viên, khuyến khích kịp thời những đối tượng phát hiện sớm dịch gia cầm và cúm A (H5N1) ở người, đồng thời thực hiện biện pháp xử phạt nghiêm minh những đối tượng cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Nguyễn Thị Phi