Hoạt động văn hóa: nếu không có sự thỏa mãn có định hướng cho số đông quần chúng thì sẽ trở nên biến tướng, khó kiểm soát

Đăng ngày: 15/08/2011
Thực hiện Quyết định số 86/QĐ-HĐND ngày 31 tháng 3 năm 2006 về giám sát kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa và thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian từ ngày 11 đến hết ngày 20 tháng 4 năm 2006, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ tiến hành khảo sát tình hình tổ chức, hoạt động, hiệu quả của hồ bơi NET huyện Tân Phú, Câu lạc bộ Xanh huyện Long Thành, Câu lạc bộ Sông Phố thành phố Biên Hòa và Nhà văn hóa tỉnh; đồng thời tiến hành giám sát tại Sở TDTT và Sở VHTT.
Phó Giám đốc Sở TDTT Vũ Khánh: " các đơn vị xã hội hóa về TDTT phần lớn là nhỏ lẻ, hoạt động tự phát, rất khó quản lý"
Qua 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 và 5 năm thực hiện Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ, công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao của tỉnh Đồng Nai đã thu được những kết quả đáng kể, tiềm năng và nguồn lực to lớn của xã hội bước đầu được phát huy, khu vực ngoài công lập phát triển với những loại hình và các phương thức hoạt động mới, đa dạng, phong phú; khu vực công lập đã có bước đổi mới.
Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa đã được thực hiện đối với nhiều thành phần, việc sắp xếp lại các doanh nghiệp thuộc ngành VHTT quản lý theo hướng xã hội hóa từng phần hoặc toàn phần, tiêu biểu là công ty Phát hành phim và chiếu bóng đã chủ động liên kết, phối hợp với các tổ chức, cá nhân mở rộng phạm vi, nội dung hoạt động như rạp Thanh Bình, rạp Đồng Nai, Siêu thị sách Nhân Văn, Câu lạc bộ Sông Phố... Công ty Phát hành sách đã  liên kết với công ty Fahasa của thành phố Hồ Chí Minh để cải tạo, nâng cấp các cửa hành sách như nhà sách Biên Hòa, siêu thị sách Đồng Nai.. Sự chuyển đổi này đã đưa doanh thu của các đơn vị tăng gấp nhiều lần  so với trước đây. 
UVTT.HĐND tỉnh Nguyễn Văn Dũng:" Hai cơ quan chủ quản là Sở TDTT và Sở VHTT nên thành lập tổ tư vấn để cung cấp thông tin về địa phương cho các nhà đầu tư"
Nhận thấy đây là một loại hình đầu tư khá đặc biệt đòi hỏi mức độ đổi mới, cập nhật khá cao về cả máy móc thiết bị và nội dung chương trình. Các tổ chức và cá nhân đầu tư rất tâm huyết với loại hình này và đã có sự chuẩn bị khá kỹ trước khi đầu tư, điển hình như Câu lạc bộ Sông Phố hoạt động khá hiệu quả do có công tác khảo sát thị hiếu và có định hướng phát triển phù hợp tại địa bàn.Đối với các thiết chế văn hóa  công lập đã được củng cố và phát triển làm nòng cốt mang tính định hướng lâu dài sự nghiệp văn hóa của tỉnh. Về hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tính đến năm 2005 toàn tỉnh đã có 61 Trung tâm văn hóa thể thao xã, phường được xây dựng và đi vào hoạt động,105 điểm văn hóa xã. Kinh phí xây dựng các Trung tâm văn hóa thể thao từ 500 triệu đồng trở lên, có nơi lên đến 2 tỉ đồng. Đây chính là nơi sinh hoạt, học tập chính trị, nâng cao trình độ văn hóa, rèn luyện sức khỏe, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Một thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động mạnh là Trung tâm văn hóa thể thao phường Bình Đa thành phố Biên Hòa. Ngoài ra, phải kể đến mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm đã tạo ra rất nhiều câu lạc bộ trực thuộc các Trung tâm văn hóa-thể thao của tỉnh, thành phố Biên Hòa và các huyện như các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ dân ca Phường Long Bình thành phố Biên Hòa… Nhiều cơ quan đơn vị đã tự đầu tư xây dựng thư viện, nhà truyền thống, hồ bơi, các khu sinh hoạt văn hóa thể thao cho cán bộ công nhân viên. Hoạt động xã hội hóa văn hóa- thể thao còn phải kể đến một số tụ điểm có đầu tư khá lớn về nhân lực, tài lực, có định hướng phát triển độc đáo và có tính lâu dài như điểm cà phê Cội Nguồn thành phố Biên Hòa.
Giám đốc Sở VHTT Nguyễn Thành Trí:"Đầu tư trong lĩnh vực văn hóa là rất khó khi mà đòi hỏi về chất lượng đầu tư lớn, hiện đại nhưng không thể nâng giá vé như ở tp.Hồ Chí Minh"
Về lĩnh vực thể dục thể thao, tính đến  hết tháng 12 năm 2005, toàn tỉnh đã có 520 sân bóng chuyền, 328 sân bóng đá, 149 hồ bơi-khu vui chơi nước, 90 đầu lân sư rồng, 18 thuyền đua, 12 nhà tập đa năng và một số sân và phòng tập các môn khác. Trong các năm trước, cơ sở vật chất đưa vào sử dụng cho mục đích xã hội hóa đa phần là quy mô nhỏ, đơn môn, sử dụng cơ sở vật chất có sẵn và cải tạo lại, loại hình này phát triển tự phát theo nhu cầu của quần chúng, phần lớn là của tư nhân. Gần đây, các công trình xã hội hóa về thể thao ngày càng có quy mô xây dựng lớn, kinh phí đầu tư nhiều, địa bàn trải đều ở các khu dân cư, từ chỗ tận dụng các cơ sở hiện có để cải tạo lại nay đã tiến tới đầu tư hiện đại ngay từ ban đầu.Các cơ sở do nước ngoài đầu tư kinh doanh khá hiệu quả là sân golf 18 lỗ ở huyện Trảng Bom và câu lạc bộ Bowling ngã ba Vũng Tàu thành phố Biên Hòa… ngoài ra có các công trình thể thao do các doanh nghiệp đầu tư để phục vụ cho cán bộ công nhân viên. Sự đầu tư  này đã góp phần đáng kể vào việc tổ chức cho mọi tầng lớp nhân dân, thanh thiếu niên học sinh ở các địa bàn trong tỉnh tham gia tập luyện, góp phần tạo ra diện mạo mới của hoạt động thể dục thể thao cho mọi người, góp phần từng bước nâng cao mức hưởng thụ thể dục, thể thao, cải thiện sức khỏe và tầm vóc.
Khảo sát hoạt động của một tụ điểm ca nhạc huyện Tân Phú
Khó khăn đầu tiên mà các tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động văn hóa gặp phải là mâu thuẫn giữa việc chấp hành sự quản lý của các cơ quan chức năng về định hướng nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của quần chúng với việc thỏa mãn một phần thị hiếu bình dân của số đông để bảo đảm nguồn thu. Một mâu thuẫn cũng không kém phần quan trọng là việc phải đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đan xen nhiều loại hình, yêu cầu về nội dung và phục vụ chuyên nghiệp… với việc khó có thể nâng giá vé lên cao vì điều kiện kinh tế của số đông nhân dân vẫn còn ở mức thấp. Đối tượng đến các điểm vui chơi giải trí có thành phần khá phức tạp dẫn đến việc quản lý tương đối khó khăn.Vì tính chất tế nhị của loại hình giải trí, khó có thể kiểm soát nếu như đối tượng cố ý vi phạm về trật tự  an toàn xã hội. Về sự phê phán của các ngành chức năng đối với loại hình này cũng chưa thống nhất, mỗi ngành nhìn từ một giác độ khác nhau nên có thể phê phán theo quan điểm riêng của từng ngành, dẫn đến cùng một hoạt động lại có nhiều ý kiến phê bình trái ngược nhau. Ngoài ra, yếu tố tâm lý của người Á Đông cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị xã hội hóa, khi mà xã hội vẫn còn định kiến đối với các loại hình khiêu vũ, karaoke…dẫn đến một lượng không nhỏ cá nhân có nhu cầu nhưng còn ngại như đối tượng người trung niên có nhu cầu khiêu vũ, giao lưu kết bạn…Trong quá trình cấp phép cho hoạt động thể thao hiện nay còn một bất cập là cơ quan có thẩm quyền cấp phép còn chưa thống nhất (ví dụ Sở KH&ĐT có thể cấp phép kinh doanh trong đó có loại hình Karaoke…) cũng là một khó khăn cho công tác quản lý hoạt động thể dục thể thao. Hiện tại, một số cơ sở có hoạt động xã hội hóa về văn hóa có hiệu quả đang trong tình trạng chờ giải tỏa nên  hoạt động cầm chừng, không dám đầu tư phát triển ( CLB Sông Phố, Siêu thị sách Nhân văn, công ty Phát hành phim và chiếu bóng…). Đề nghị UBND tỉnh có hướng dẫn và cung cấp thông tin cụ thể về định hướng quy hoạch phát triển của các đơn vị này gắn với quy hoạch chung của tỉnh, vì đối với lĩnh vực văn hóa nếu không có sự thỏa mãn có định hướng cho số đông quần chúng thì sẽ trở nên biến tướng khó kiểm soát, dễ bị các phần tử xấu lôi kéo.
Khảo sát tại CLB Sông Phố
Lĩnh vực thể dục thể thao gặp phải một số khó khăn riêng như việc tổ chức hoạt động cho các Trung tâm văn hóa thể thao cơ sở: trong quá trình đầu tư xây dựng, tuy Sở TDTT đã có làm việc với Sở Xây dựng và thống nhất đưa ra thiết kế mẫu công trình xây dựng cơ bản về thể thao. Với tiêu chí là các Trung tâm này nên  sử dụng cho nhiều mục đích, càng phong phú thì sẽ càng hiệu quả như việc sử dụng cho các hoạt động văn hóa, thể thao, nơi tập thể dục của các trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng, dùng làm hội trường Đảng ủy xã… tuy nhiên quá trình đầu tư lại do Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư, không có ràng buộc nào đối với việc thông qua Sở TDTT, nên sau khi nghiệm thu, một số công trình đã không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, hiệu quả sử dụng chưa cao. Công tác cập nhật, phổ biến các môn thể thao mới cũng gặp khó khăn, điển hình như loại hình súng hơi đã được thành phố Hồ Chí Minh cấp phép sau khi có khảo sát. Tuy nhiên đối  với tỉnh Đồng Nai, UBND chưa thống nhất chủ trương mà giao lại cho hai ngành công an và quân sự xử lý nên hiện chưa có thống nhất cụ thể  trong việc cho ra đời loại hình này. Hoạt động xã hội hóa thể thao ở tuyến cơ sở đa phần là nhỏ lẻ, tự phát nên Sở TDTT rất khó quản lý, dẫn đến thực hiện công tác hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật còn nhiều hạn chế (ví dụ đối với hồ bơi-khu vui chơi nước phải có các tiêu chuẩn về chất lượng nước, cứu hộ cứu nạn, tiêu chuẩn về chiều sâu của mực nước, về máng trượt, khoảng cách an toàn từ chân máng trượt đến các hạng mục khác của khu vui chơi…)
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã có một số kiến nghị đối với UBND tỉnh  như công tác  tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh để nhận định tình hình, rút kinh nghiệm và có hướng phát triển cụ thể trong thời gian sắp tới. Tổ chức các Hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi về định hướng cụ thể nhằm mục đích đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao. Việc quy hoạch để thành lập một Trung tâm văn hóa thể thao nên có sự tham mưu của các ngành chức năng để đảm bảo vị trí trung tâm, có quy mô lớn với chất lượng cao, hiện đại, kết hợp nhiều loại hình ( Trung tâm biểu diễn, phòng triển lãm tranh, tổ chức festival, trung tâm chiếu phim, siêu thị sách, phòng khiêu vũ, karaoke…) để bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Trong đó có thể có một số hạng mục có thể huy động xã hội hóa để tăng thêm hiệu quả. Trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, đề nghị tính đến nguồn quỹ đất cho việc phát triển sự nghiệp văn hóa thể thao, trong quá trình phê chuẩn quy hoạch sử dụng đất phải có sự tham mưu của ngành TDTT và VHTT.
Về phía hai cơ quan chủ quản là Sở  VHTT và Sở TDTT cần có tổ tư vấn cho nhà đầu tư để cung cấp kiến thức và một số thông tin về địa phương nơi thực hiện dự án, đánh giá đúng nhu cầu của đối tượng mà dự án đặt trọng tâm nhằm giúp định hướng đúng, giảm thiểu khả năng rủi ro ( ví dụ trường hợp thất bại của Khu giải trí Ngư Nhân ). Sở VHTT và Sở TDTT nên phối hợp xây dựng mô hình mẫu dự án khu vui chơi văn hóa/thể thao với các tùy chọn phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế-xã hội-tôn giáo, trình độ dân trí của từng vùng… để các nhà đầu tư tham khảo.
Tuy nhiên, bản thân các nhà đầu tư cần phải tự cố gắng nỗ lực hơn nữa trong việc quảng bá thương hiệu, gắn với các hoạt động phong trào: các câu lạc bộ nước gắn với các chương trình dạy các môn thể thao chính thống cho học sinh, các tụ điểm văn hóa phối hợp với đoàn thanh niên để tổ chức các chương trình giao lưu, chương trình thanh niên lập nghiệp, tư vấn sức khỏe-tình yêu-hôn nhân gia đình, tổ chức giải phong trào…, các hoạt động này vừa giúp đóng góp cho xã hội để định hướng cho quần chúng, vừa giúp cho các đơn vị thu hút được tài trợ, và là phương pháp hữu hiệu để quảng  bá hình ảnh của mình.
KIM CHUNG