|
Công ty May Đồng Thịnh-đơn vị đóng BHXH đạt 100% |
UBND tỉnh đã có những buổi làm việc liên tiếp với các đối tác Đài Loan, Nhật Bản nhằm có nhiều giải pháp hạn chế mâu thuẫn dẫn tới đình công. Trong đó giải pháp tích cực là UBND tỉnh lập 4 đoàn liên ngành gồm sở LĐTB&XH, Liên đoàn lao động tỉnh, Ban quan lý các khu công nghiệp, UBND và phòng nội vụ các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và thành phố Biên Hoà xuống 35 doanh nghiệp làm việc để bàn biện pháp hỗ trợ ngăn chặn đình công. Đây là những doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Theo đoàn, chúng tôi ghi lại nhiều nỗi lo cũng như nhiều biện pháp chủ động nhằm đón tình thế khi có mâu thuẫn xảy ra.
Đến hai trong số 3 doanh nghiệp giày cuả tập đoàn Phong Thái là Công ty TNHH Việt Vinh và Dona Pacific, đoàn công tác cơ bản yên tâm vì phương pháp làm việc nơi đây khá bài bản. Các chế độ chính sách đối với người lao động đều được thực hiện tốt. Tại Công ty TNHH giày Việt Vinh, Chị Trà Lam Thảo, Phó Tổng giám đốc hành chính cho biết: hiện công ty có 9.100 lao động đang làm việc trong 25 xưởng, chuyền của công ty. Người lao động ở đây phải làm cả 3 ca nhưng các chế độ đều được thực hiện đúng luật. Mỗi lao động khi được tuyển dụng sau 6 ngày nếu được nhận công ty liền ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn để người lao động yên tâm làm việc. Bởi vậy hiện 100% lao động trong công ty được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Các chế độ phép năm, nghỉ dưỡng sức đều được công ty làm tốt từ 12 đến 14 ngày/người tuỳ theo tính chất công việc. Việc trả công cho người lao động được công ty áp dụng theo các mức cụ thể: trước ngày 1-1-2006, lương tối thiểu là 715.000 đồng/người/tháng; lương cho lao động có tay nghề là 950.000 đồng/người/ tháng, thu nhập thấp nhất cuả người lao động là 950.000 đồng/người/tháng, cao nhất là 1,7 triệu đồng/người/tháng. Từ sau khi có Nghị định 03/2006/NĐ- CP công ty điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động là 760.000 đồng người/tháng (khu vực Trảng Bom là 710.000 đồng/người/tháng); lương cho lao động có tay nghề là 1 triệu đồng/người/ tháng; lao động có thâm niên áp dụng theo thang bảng lương phù hợp với năng lực đảm đương công việc mà doanh nghiệp đã xây dựng; các khoản phụ cấp khác doanh nghiệp tính gộp vào lương, trong đó thu nhập thấp nhất là 1 triệu đồng/người/ tháng; cao nhất là 1,8 triệu đồng/ người/ tháng. Tiền lương cho người lao động được thanh toán vào ngaỳ 10 hàng tháng, công ty thực hiện chế độ nâng lương hàng năm theo 6 tháng/lần qua chỉ tiêu đánh giá chất lượng công việc. Công ty là một trong 20 doanh nghiệp đã xây dựng thang bảng lương, quy chế nâng lương, thưởng và có thoả ước lao động tập thể. Tổ chức công đoàn hoạt động có hiệu quả và thực sự là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, có chế độ thưởng, phạt nghiêm minh. Trong năm 2005 có 200 trường hợp bị khiển trách, 30 trường hợp bị kéo dài thời hạn nâng lương, 5 trường hợp trộm cắp tài sản bị sa thải… Nhờ vậy người lao động ý thức được trách nhiệm cuả mình với công việc, yên tâm gắn bó với công ty nên công ty vẫn hoạt động bình thường trong những ngày nóng nhất.
|
Tại xưởng sản xuất của Công ty May Công Nghiệp |
Tại Công ty Dona Pacific, ngoài việc thực hiện các chính sách giống như tập đoàn Phong Thái, công ty còn mạnh dạn điều chỉnh lương cho những lao động mới nhưng có năng lực công tác tốt thậm chí chỉ trong vòng 1 hoặc 2 tháng. Chủ động trong việc kích thích óc sáng tạo và coi trọng người lao động tạo ra mối quan hệ lao động gắn bó nên năm 2005 ngoài những thành tích về kinh doanh, Dona Pacific còn được nhận Bằng khen cuả Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về những mối quan hệ tốt giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Đối với công ty Dona Botron, doanh nghiệp dệt khăn 100% vốn cuả Đài Loan, hiện có trên 600 công nhân, là doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất. Không đơn thuần các chế độ chính sách đối với người lao động được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo đúng pháp luật Việt Nam và các tiêu chí mà Hoa Kỳ đang là đối tác chính. Phó Chủ tịch công đoàn công ty cho biết: cứ bất ngờ đối tác lại thuê người về kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ ngưng xuất hàng. Vì thế tiêu chí đầu tiên là phải chăm lo tốt các điều kiện cho người lao động. Được biết sau khi có Nghị định 03/2006/NĐ- CP thì doanh nghiệp cũng đang thực hiện mức lương tối thiểu là 760.000 đồng và lao động có nghề tăng thêm 7%...
Qua tìm hiểu một số doanh nghiệp còn lại ở khu công nghiệp Hố Nai, Amata, Long Thành, Nhơn Trạch thì mức lương cơ bản hiện giờ cuả các doanh nghiệp đều vượt qua mức trần quy định. Song điều lo lắng nhất cuả các doanh nghiệp hiện nay là sợ xảy ra đình công, sợ mâu thuẫn tranh chấp. Bởi vậy dịp này 4 đoàn liên ngành xuống cùng doanh nghiệp vừa mang tính hướng dẫn, hỗ trợ, vưà mang tính kiểm tra các văn bản mà UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH gởi xuống doanh nghiệp để hướng dẫn thực hiện. Song có một thực tế các doanh nghiệp đều phản ánh với đoàn là không hề nhận được bất kỳ loại văn bản nào. Mặt khác đại diện các doanh nghiệp cũng mong muốn các ngành chức năng sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nữa để doanh nghiệp tiếp tục ổn định sản xuất và phát triển. Qua thực tế cho thấy doanh nghiệp nào có chính sách đãi ngộ công nhân tốt, thực hiện chế độ thưởng phạt nghiêm minh và chấp hành đúng các quy định cuả pháp luật về mọi mặt nhất là Luật lao động thì doanh nghiệp đó vẫn ổn định và phát triển sản xuất.
Đứng về góc độ quản lý nhà nước về lao động, ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH chia sẻ: việc lập các đoàn hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những biện pháp cần thiết vì qua đây chính những người quản lý lao động cũng thêm một lần hiểu về doanh nghiệp, để biết rõ hơn về tình hình chấp hành luật của các doanh nghiệp, đồng thời ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có những hỗ trợ giúp doanh nghiệp như việc mở lớp tập huấn thang bảng lương là một giải pháp giúp ổn định tình hình hiện nay.
N.TRINH