Từ ngày đầu thành lập đến năm 2000, Đài PTTH Đồng Nai, chỉ phát sóng phát thanh mỗi năm 1100 giờ. Chương trình phát thanh giai đoạn này phát trên sóng AM720 kHz mỗi ngày 3 buổi (sáng, trưa, chiều) theo mô hình sản xuất chương trình cũ. Riêng 2 năm 2001 và 2003, thời lượng phát sóng phát thanh mỗi năm tăng lên 200 giờ/năm do yêu cầu tiếp sóng Đài TNVN chứ bản thân chương trình phát thanh của Đài vẫn không chưa sự thay đổi về thời lượng. Đến năm 2003, khi máy phát sóng phát thanh FM97,5 MHz được UBND tỉnh đầu tư, khánh thành và đưa vào sử dụng thì các đợt cải tiến chương trình, tăng thời lượng đã được tổ chức và đến năm 2004 thì sóng phát thanh Đồng Nai đã phát liên tục từ 5 giờ đến 23 giờ hằng ngày.
Về truyền hình, từ năm 1995 (ngày phát sóng đầu tiên 26 – 1) đến năm 2000, Đài Đồng Nai chỉ phát sóng từ 18 giờ đến 22 giờ hằng ngày với hệ thống chương trình đơn điệu. Bắt đầu từ năm 2001, truyền hình Đồng Nai đã có đợt cải tiến đầu tiên, tăng thời lượng từ 11 giờ trưa đến 23 giờ. Sang năm 2002, đợt cải tiến thứ 3, truyền hình Đồng Nai tăng thời lượng từ 8 giờ sáng đến sau 23 giờ mỗi ngày. Và từ năm 2003 đến nay, truyền hình Đồng Nai trải qua nhiều đợt cải tiến trong đó đáng chú ý là 2 cột mốc: khánh thành và đưa vào sử dụng máy phát sóng UHF36 (kênh ĐN-RTV1) và sau đó đưa thêm vào kênh sóng VHF 12 (ĐN-RTV2). Đến nay, cả 2 kênh sóng truyền hình Đồng Nai đã phát từ 5 giờ sáng đến sau 23 giờ.
Việc tăng thời lượng cũng như tăng diện phủ sóng trên 3 kênh phát thanh – truyền hình đã dẫn đến sự thay đổi về kết cấu hệ thống chương trình, về quy mô nội dung, về nguồn nhân lực, về yêu cầu cải tiến công nghệ, về chi phí sản xuất và về thu hút quảng cáo, tài trợ.
Hệ thống chương trình phát thanh với 4 nhóm chính: nhóm thời sự; nhóm chuyên đề; nhóm khoa giáo và nhóm văn nghệ - thể thao - giải trí được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng. Hằng ngày, phát thanh Đồng Nai có 10 chương trình thời sự trong đó có 3 chương trình chính và các bản tin đầu giờ được thực hiện trực tiếp. Hàng tuần, có 15 chuyên mục, chuyên đề: Hội nhập kinh tế quốc tế, Hương quê, Đảng ở quanh ta, Tiếp chuyện bạn nghe Đài, Văn hóa xã hội, Nhịp sống đô thị, Dành cho phụ nữ, Câu chuyện hôm nay, Gương sáng đời thường. Y học và sức khỏe, Mua sắm dịch vụ, Gặp gỡ và bình luận, Đồng Nai xưa và nay, Thế giới quanh ta, Bạn trẻ và cuộc sống, Đi chợ buổi sáng, Việt Nam – Đồng Nai 300 nhìn lại v.v... Trên sóng phát thanh hệ thống các chương trình văn nghệ – giải trí cũng hết sức phong phú, đóng góp lớn vào việc tạo ra món ăn tinh thần cho nhân dân. Ví dụ: Đọc truyện sáng (dành cho nông dân); Ca khúc Việt Nam; Ca nhac yêu cầu; Nhạc nhẹ quốc tế; Ca khuc quốc tế; Ca cổ; Cổ nhạc yêu cầu; Ca nhạc thiếu nhi; Thính phòng và giao hưởng; Dân ca; Nhạc không lời VN; các tiết mục Giai điệu và bạn trẻ; Mỗi tuần 1 nhân vật; Tạp chí văn nghệ; Thơ & kể chuyện TN; Sân khấu truyền thanh; Câu chuyện truyền thanh; Đọc truyện đêm khuya; Tiếng thơ…
Mỗi ngày. phát thanh có 48 đầu chương trình, trong đó có chương trình Đài huyện phát trên sóng Đài tỉnh và 7 chuyên đề khác.
Sự khởi sắc trong kết cấu chương trình truyền hình bắt đầu từ sau năm 2000 và sau nhiều đợt cải tiến liên tục trong các năm 2001, 2002 và đỉnh cao là từ giữa năm 2003 đến nay. Hiện hệ thống chương trình truyền hình của Đài có thể chia thành 9 nhóm chính: nhóm thời sự; nhóm chuyên đề; nhóm khoa học - giáo dục, nhóm phim truyện, nhóm sân khấu, nhóm ca nhạc; nhóm thể thao - giải trí, nhóm trò chơi truyền hình; nhóm chương trình khai thác qua các Đài nước ngoài… được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng.
Hệ thống các chương trình chuyên đề hiện nay của Đài cũng khá phong phú và bao quát đầy đủ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, VHXH, ANQP như: Đảng ở quanh ta, Chung một bóng cờ, Trên đường phát triển, Công nhân lao động Đồng Nai, Nhịp sống đô thị, Tạp chí Văn hóa - Xã hội, Tạp chí thể thao, An ninh Đồng Nai, Quốc phòng toàn dân, Diễn đàn công dân, Miền Đông hôm nay, Búp măng non, Vấn đề hôm nay, truyền hình tiếng dân tộc Châu Ro… Đây là những chương trình mang tính phản ánh, dự báo, bình luận, đặt ra những vấn đề thời sự qua cái nhìn chuyên sâu. Hình thức của những chương trình chuyên đề của Đài Đồng Nai những năm gần đây đã có nhiều cải tiến, yếu tố tương tác được khai thác khá tốt, tính chính luận truyền hình cũng được nâng cao hơn.
Hệ thống các chương trình khoa học - giáo dục truyền hình cũng có nhiều cải tiến đáng ghi nhận. Việc phát sóng định kỳ là các chương trình trực tiếp Nhịp cầu nhà nông, Sức khỏe cho mọi người đã tạo được lượng khán giả cố định. Hình thức tọa đàm qua sóng truyền hình cũng tăng được sự gần gũi và thiết thực của những chương trình này với khán giả. Trong những năm gần đây, Đài PT-TH Đồng Nai sản xuất serries các chương trình dạy học từ xa qua hệ thống truyền hình như: ôn thi tốt nghiệp THPT và BTVH, dạy thi lấy bằng lái xe, dạy nấu ăn, dạy hát v.v…
Hệ thống chương trình văn nghệ – giải trí – thể thao của Đài ngày càng phong phú và luôn chiếm tỉ lệ cao trong thời lượng phát sóng truyền hình. Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu giải trí, các chương trình này đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng như Các cuộc thi tiếng hát phát thanh – truyền hình, tiếng hát vàng anh, các liên hoan đàn ca tài tử, tiếng hát hoa phượng đỏ, các chương trình văn nghệ của cơ sở, các chương trình biểu diễn của ngành văn hóa thông tin hằng năm… Các hoạt động bảo tồn phát huy những giá trị tinh thần truyền thống được chú trọng trong quá trình biên tập, khai thác, sản xuất các chương trình giải trí. Các buổi chiếu phim (sáng, trưa, chiều, tối) với nguồn phim Việt Nam và nước ngoài chọn lọc cho phù hợp với văn hóa tinh thần của người dân; Các hình thức ca nhạc; Văn nghệ thiếu nhi; Phim hoạt hình; Văn nghệ tổng hợp; Dân ca; Ca cổ; Ca nhạc nước ngoài; Sân khấu; Khúc hát tôi yêu (ca nhạc theo yêu cầu khán giả); chương trình văn nghệ "Nối những dòng sông"; các Trò chơi truyền hình như Cùng xây mái ấm, Về thăm chiến khu Đ, Sau giờ tan ca, Tìm hiểu Luật giao thông; Chiếc hộp bí mật, Chân trời tin học, Các hội thi cán bộ dân vận, bí thư chi bộ giỏi, các chương trình giải trí nước ngoài… là những ví dụ.
Nhu cầu thể thao giải trí của người dân cũng được chú trọng sắp xếp thời lượng và thời điểm hợp lý trên sóng truyền hình. Đài PT-TH Đồng Nai là một trong những cơ quan báo chí tổ chức thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thể thao theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Giải Việt dã Cúp Phát thanh - truyền hình, Giải bóng đá thiếu niên U.14 Cúp phát thanh - truyền hình, các hoạt động tường thuật các sự kiện thể thao lớn trong nước, trong khu vực và trên thế giới… là những ví dụ. Trong hệ thống các chương trình giải trí của Đài không thể không kể đến các chương trình khai thác hoặc mua bản quyền từ các Đài nước ngoài và thu qua vệ tinh, đặc biệt là các chương trình thể thao. Việc chọn lọc nguồn chương trình giải trí phù hợp để biên dịch và biên tập luôn được Đài chú trọng.
Phim tài liệu là mảng thể loại được Đài tập trung sản xuất rất nhiều trong 2 năm gần đây. Các phim tài liệu tiêu biểu như: Điểm hẹn Đồng Nai, Đồng Nai – những trang sử trong lòng đất, Văn hóa các dân tộc Đồng Nai, Loạt phim chủ đề 300 năm, phim Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đồng Nai; Miền Nam chia lửa với Điện Biên Phủ; Điện Biên ngày ấy - bây giờ; loạt phim tài liệu về Trung ương Cục miền Nam - Bước ngoặt lịch sử; Chiến khu Đ còn - Sài gòn mất; Loạt phim tài liệu tuyên truyền các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh, Nỗi đau Giồng Sắn, 70 năm Đảng bộ Đồng Nai, Nhớ Bắc... Cùng với việc sản xuất, Đài còn khai thác, mua bán trao đổi bản quyền nhiều nguồn phim tài liệu về đề tài lịch sử – truyền thống để phát sóng hàng ngày trên các kênh sóng.
Những con số thống kê trên đây cho thấy được những bước tiến đáng kể của phát thanh – truyền hình Đồng Nai trong những năm vừa qua. Đó là bước tiến lớn trong quá trình đổi mới báo chí Đồng Nai phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
PHÚ TRANG