Chữ ký điện tử và khóa thông minh USK- Mô hình thành công của Sở Khoa học và Công nghệ

Đăng ngày: 15/08/2011
Gần hai năm nay, những người quan tâm tới lĩnh vực công nghệ thông tin của tỉnh đều quen với mô hình văn phòng điện tử do Sở khoa học và công nghệ Đồng Nai đã đưa vào vận hành và bước đầu thử nghiệm thành công. Trong quá trình nghiên cứu và hoạt động, những thiếu sót đã từng bước được hoàn thiện và hiệu quả nhất là mô hình chữ ký điện tử và khoá thông minh USK. Đây là giải pháp sáng tạo từng được đánh giá cao trong các hội thảo khoa học của một số Bộ, Ban, Ngành TW; được chọn tham dự diễn đàn biến đổi khoảng cách số thành cơ hội số tại châu Á Thái Bình Dương và gần đây nhất là giải thưởng Cúp vàng tại Techmart 2005.
Từ ý tưởng sáng tạo

Tiến sĩ Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu ứng dụng mô hình bộ ‘chữ ký điện tử’ và chế tạo khoá thông minh điện tử để chứng thực chữ ký điện tử” cho biết: Lúc đầu khi nghiên cứu xây dựng và đưa vào vận hành mô hình văn phòng điện tử của sở mới chỉ có 3 mục tiêu là Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 (ISO Online), áp dụng hệ thống đa phương tiện để thực hiện các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo và đào tạo lại cán bộ công chức để thích nghi với phương thức làm việc và lối sống điện tử. Ba mục tiêu trên khi đưa vào hoạt động đã nảy sinh bất cập nhất là quá trình luân chuyển công văn trên mạng và việc kiểm nghiệm, chứng thực mức độ xác thực của văn bản. Nhóm nghiên cứu đã nảy sinh ý tưởng phải chế tạo khoá thông minh để đảm bảo độ an toàn thông tin và chứng thực tính sát thực của thông tin, đặc biệt mỗi khi luân chuyển trên mạng theo tiêu chuẩn ISO 17799. Mô hình chữ ký điện tử và khoá thông minh USK ra đời từ đó và trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng bổ sung vào mô hình văn phòng điện tử và các ứng dụng khác của sở để chuẩn bị mọi điều kiện cho quá trình hội nhập khi có khung pháp lý về Chính phủ điện tử.

Giám đốc Sở KH&CN Phạm Văn Sáng tại Điểm cung cấp Thông tin khoa học-Công nghệ xã Sông Trầu
Đến hiệu quả thực tiễn của chữ ký điện tử và khoá thông minh

Tại hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu của đề tài vừa qua, tất cả các thành viên của hội đồng đều đánh giá và cho điểm tối đa. Vì đề tài không chỉ hoàn thành và hoàn thành vượt mức  mục tiêu đề ra mà còn có tính sáng tạo và có nhiều kết quả ứng dụng trong thực tế. Đề tài đã nghiên cứu xây dựng được mô hình bộ chữ ký điện tử dựa trên công nghệ khoá chung, sử dụng xác thực điện tử để ký và mã hoá các tài liệu, giao dịch trong việc bảo mật thông tin khi xử dụng chữ ký điện tử. Nghiên cứu chế tạo được khoá thông minh điện tử (USK) để hiện thực chữ ký điện tử phục vụ công tác quản lý và điều hành văn phòng điện tử trên địa bàn Đồng Nai. Khoá điện tử là một thiết bị gọn nhẹ có khả năng lưu trữ chứng chỉ số theo chuẩn PKI (Public Key Infrastructure) dùng để ký và xác thực trên các tài liệu, phim, ảnh, mã nguồn. Mặt khác còn được tích hợp bộ nhớ 128 MB, sử dụng tuỳ chọn ở chế độ bảo mật hoặc chuẩn thông thường và các ứng dụng MS Office giúp hiển thị chữ ký, con dấu như văn bản thật. Nhận xét về đề tài khoa học này, ông Đào Thế Long, Giám đốc Trung tâm an toàn mạng đánh giá Đây là đề tài khoa học có giá trị và được đánh giá cao không chỉ với Đồng Nai mà còn với nhiều cơ quan ban ngành của cả nước. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai nên sớm có quyết định đưa vào hoạt động và làm điểm nhân rộng cho quá trình thực hiện văn phòng điện tử sau này. Quả thực, khi qua thực tiễn mô hình đã được thể nghiệm thành công, chữ ký điện tử là khái niệm còn khá mới lần đầu tiên được nghiên cứu và ứng dụng thành công trong văn phòng điện tử của Sở, chương trình được viết trên giao diện tiếng Việt nên rất dễ sử dụng, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay về bảo mật an toàn mạng và an toàn thông tin. Khoá thông minh USK là sản phẩm đầu tiên được nghiên cứu thành công tại Việt Nam, giúp mã hoá và giải mã mọi tài liệu được số hoá với cơ chế khoá phiên và cho phép tuỳ chọn giải thuật mã hoá. Thiết bị hỗ trợ đăng nhập và duy trì hoạt động của các chương trình máy tính, khi người dử dụng rút khoá ra khỏi máy thì chương trình sẽ tự động kết thúc. USK có khả năng lưu trữ, bảo mật 100 tài khoản trên nhiều hệ thống khác nhau và có thể phát triển mọi ứng dụng chứng chỉ số trong thương mại điện tử và Chính phủ điện tử. Một sản phẩm đa năng tương tự như USK giá xấp xỉ 312 USD thì USK chỉ khoảng dưới ½ giá bán sản phẩm nhập cùng tính năng. Nhóm nghiên cứu đã phát triển Hardware, Firmware của USK nạp vào IC trắng, đảm bảo loại trừ được việc xâm nhập dữ liệu trái phép. Nhờ chất liệu và quy trình sản xuất đặc biệt, sản phẩm bảo toàn được các tính năng ngay cả khi thả xuống nước. Hiện nay kết quả lớn nhất của đề tài đã được ứng dụng thành công tại sở khoa học và công nghệ tỉnh, đã giải quyết và giảm thiểu được nhiều công đoạn, giấy tờ rườm rà không cần thiết và đảm bảo an toàn trong quá trình trao đổi thông tin. Nhóm nghiên cứu cũng đã sản xuất thêm trên 100 khoá điện tử nhằm trang bị cho cán bộ công chức, 12 điểm thông tin khoa học công nghệ thuộc sở và các sở ngành liên quan.  Sau 3 tháng, việc ứng dụng mô hình văn phòng điện tử với sự hỗ trợ của thiết bị trên đã giảm thiểu giấy tờ, công sức, thời gian không cần thiết cho sở. Nếu trước đây công văn của sở gửi đi phải lưu lại bản thảo giấy, có bút tích của lãnh đạo và người biên soạn thì hiện nay tất cả được lưu trên mạng và được xác thực bằng chữ ký điện tử. Các vấn đề thảo luận của Ban giám đốc sở, chưa được phép công bố cũng được thực hiện và bảo mật trên mạng. Một kết quả lớn của đề tài là 100% cán bộ, công chức của sở đã được tập huấn, đào tạo và sử dụng thành thạo phần mềm chữ ký điện tử, góp phần nâng cao trình độ và nhận thức về bảo mật mạng và an toàn thông tin. Đồng thời tạo hiệu ứng nâng cao nhận thức và vai trò của bảo mật an toàn thông tin trong các cấp lãnh đạo tạo nền tảng cho việc xây dựng mô hình Chính phủ điện tử của Đồng Nai trong tương lai.

Sản phẩm không còn là của riêng Đồng Nai

Kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học được đánh giá là mới, có tính sáng tạo và hiệu quả cao. Mặc dù chỉ qua một năm vừa nghiên cứu vừa triển khai ứng dụng, kết quả đó hiện không chỉ của riêng Đồng Nai mà đã trở thành sản phẩm được nhiều cơ quan, ban ngành của TW biết đến. Kết quả này đã được trình bày và đăng trong kỷ yếu khoa học  của các Hội thảo quốc gia về công nghệ thông tin lần 3 và Hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin lần thứ IX tại TP Hải Phòng; Hội thảo về ứng dụng chữ ký điện tử  của Ban khoa giáo TW, tại Hội thảo về biến đổi khoảng cách số thành cơ hội số do Trung tâm cơ hội số thuộc diễn đàn châu Á Thái Bình Dương tại Đài Bắc. Sản phẩm đã được trao giải cúp vàng tại Techmart 2005, được xếp thứ 4 trong 10 thành tựu công nghệ thông tin xuất sắc nhất Việt Nam năm 2005; cá nhân chủ nhiệm đề tài, tiến sỹ Phạm Văn Sáng đã dành giải CIO, giải thưởng dành cho các nhà lãnh đạo công nghệ thông tin xuất sắc khu vực Đông Dương năm 2005… Với những thành tựu trên là điều kiện để ngày 28-10 vừa qua, Ban cơ yếu Chính phủ đã có buổi ký kết thoả thuận hợp tác với một đơn vị cấp sở đầu tiên của cả nước là Sở khoa học và công nghệ Đồng Nai trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin, tiền đề cho hai bên cùng phối hợp nghiên cứu ứng dụng các giải pháp mật mã và an toàn thông tin, phục vụ cho yêu cầu của chương trình Chính phủ điện tử, thương mại điện tử tại Đồng Nai và các giao dịch điện tử trong lĩnh vực kinh tế xã hội.
BÍCH THUẬN