Thành phố Biên Hòa: các công trình kiên cố hóa có tiến độ quá chậm Đăng ngày: 15/08/2011
Đối với thành phố Biên Hòa: cho đến nay số dự án thuộc nguồn vốn ngân sách trên địa bàn thành phố là 24 công trình, trong đó có hai dự án đã hoàn thành là Trường Mầm non Hòa Bình và Khu hiệu bộ Trường THCS Trần Hưng Đạo, hai dự án hiện đang gặp khó khăn trong việc chờ giới thiệu địa điểm là Trường THCS Tân Hạnh và Trường THCS An Hảo, một dự án hiện đã được UBND tỉnh đề nghị đưa ra khỏi danh sách của chương trình là Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn lại 19 công trình hiện đang trong các giai đoạn: duyệt dự án, lập thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán, duyệt thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán, triển khai kế hoạch đấu thầu, đặc biệt chưa có công trình nào được khởi công. Như vậy, trong thời gian còn lại đến hết quý IV/2006 thì việc hoàn thành 19 công trình này là không thể thực hiện được. Ngày 21/02/2006, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập đoàn giám sát về việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học theo Nghị quyết số 58/2003/NQ.HĐND của HĐND tỉnh khóa VI trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Đơn vị được giám sát là UBND thành phố Biên Hòa cùng với các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố: Phòng Giáo dục, BQLDA thành phố, phòng quản lý đô thị. Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là một chương trình lớn, có tầm quan trọng, có số lượng công trình khá nhiều. Cho đến nay, tuy gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn chung đã được các địa phương thực hiện khá tốt như: chủ động được thời gian, mục tiêu, kế hoạch, khắc phục một số khó khăn về đất đai, nguồn vốn, điều kiện thực hiện và quy trình xây dựng cơ bản để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Qua hai năm triển khai đề án kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn thành phố, nhìn chung Ban điều hành dự án đã có cố gắng trong việc đôn đốc thực hiện hồ sơ dự án. Về nguồn vốn: tỉnh đã giao tổng vốn đầu tư Giáo dục cho các dự án nhóm C do UBND thành phố Biên Hòa quyết định đầu tư để UBND thành phố Biên Hòa phân bổ cụ thể tùy theo tình hình triển khai, hiện nay do số dự án được triển khai chưa nhiều nên thành phố chưa gặp khó khăn nào về nguồn vốn. Về đất đai: một số dự án thực hiện trên đất hiện hữu nên không gặp nhiều khó khăn về đất đai. Tuy nhiên, hiện chỉ có 52% số dự án nằm trên đất hiện hữu, số còn lại cần phải giới thiệu địa điểm nên gặp khó khăn trong khâu đền bù giải tỏa, tái định cư, trong tình hình quỹ đất của thành phố gần như không còn. Ngay cả đối với những dự án nằm trên đất hiện hữu cũng gặp khó khăn về đền bù giải tỏa, tuy nhiên quy mô không lớn. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ các dự án: hồ sơ dự án không khớp với quy hoạch đã được duyệt nên Sở Kế hoạch&Đầu tư đã yêu cầu điều chỉnh lại giới thiệu địa điểm; năng lực và số lượng đơn vị tư vấn thiết kế còn hạn chế nên các thiết kế kỹ thuật của một số công trình phải chỉnh sửa nhiều lần; trong quá trình giải tỏa gặp khó khăn vì có khiếu kiện do sự chênh lệch giữa giá đất cũ và mới, đặc biệt vì khung giá đất của thành phố Biên Hòa là khá cao so với các huyện, thị trong tỉnh; một số dự án khi rà soát lại mặt bằng tổng thể của khu đất không đúng với giới thiệu địa điểm đã được phê duyệt; một số hồ sơ bị Sở KH&ĐT bác do xét thấy các nhà thầu không đủ năng lực nhưng UBND thành phố vẫn cho đấu thầu dẫn đến phải hủy kết quả thầu...Năng lực chuyên môn và khả năng điều hành của Ban Quản lý dự án của thành phố Biên Hòa còn chưa đạt yêu cầu, số lượng cán bộ chuyên môn còn thiếu do dự án trên địa bàn thành phố quá nhiều. Ban Quản lý dự án chưa phát huy hết vai trò chủ động tích cực trong việc xử lý hồ sơ dự án và đôn đốc, liên hệ với các sở ngành đối với những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Ngoài ra, còn có tình trạng một số công trình khi thực hiện theo mẫu thiết kế của Bộ Xây dựng không phù hợp với đối tượng sử dụng và các yêu cầu chuẩn của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Thí dụ như nhà vệ sinh của các trường mẫu giáo được thiết kế chung cho bé trai và bé gái là không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ; quy cách của các thiết bị vệ sinh trong các trường THCS, THPT không đủ đáp ứng với số lượng học sinh quá đông gây nên tình trạng bị nghẹt không sử dụng được chỉ sau một thời gian ngắn, cánh cửa nhà vệ sinh làm bằng nhựa rất mau hỏng, một số chi tiết nhỏ dùng cho phòng thí nghiệm ở các trường THPT( vòi nước, quy cách của bệ thí nghiệm) chưa hợp lý... Vì thế, có nhiều hạng mục công trình vừa xây xong phải sửa chữa lại để đáp ứng các yêu cầu trường chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Tuy theo luật xây dựng mới ban hành thì chủ đầu tư có quyền đóng góp ý kiến đối với một số chỉ tiêu kỹ thuật trong quá trình thi công, tuy nhiên vì một số dự án đã được duyệt trước đó nên vẫn còn phải tuân theo các quy định cũ, hơn nữa năng lực và mức độ chủ động theo dõi, đôn đốc công trình của chủ đầu tư thực sự chưa đáp ứng yêu cầu. Đoàn giám sát đã kiến nghị UBND thành phố Biên Hòa cần tích cực, chỉ đạo kiên quyết, chủ động hơn nữa trong quản lý, điều hành chương trình, kiểm điểm lại trách nhiệm của các bộ phận nghiệp vụ của thành phố Biên Hòa trong việc triển khai các bước trong quy trình thực hiện dự án; trong quá trình tập trung giải quyết mặt bằng nếu không tìm được mặt bằng phù hợp với quy hoạch phải có ý kiến xin điều chỉnh quy hoạch ngay; củng cố Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa: tăng cường về nhân sự, củng cố về trình độ, bảo đảm cán bộ điều hành dự án phải thông thạo chuyên môn và có năng lực thực thi; ban Quản lý dự án thành phố cần chủ động trong việc tiến hành song song khâu giới thiệu địa điểm với việc hoàn tất các bước trong quy trình thủ tục đầu tư xây dựng; các sở ngành tích cực phối hợp hỗ trợ cho UBND thành phố Biên Hòa trong việc lập các thủ tục cần thiết của quy trình thu hồi đất cho các dự án, xem xét, thẩm định hồ sơ, quan tâm đến các công trình còn gặp khó khăn về thủ tục để hỗ trợ cho từng công trình, hoàn thiện bản đồ kiên cố hóa trường, lớp học của tỉnh. UBND thành phố Biên Hòa tích cực rà soát lại từng công trình, khắc phục các tồn tại, có lộ trình và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho Ban QLDA thành phố đối với từng dự án, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kiên quyết xử lý công tác quyết toán công trình và có báo cáo kết quả tổng kết cho UBND tỉnh để UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2006. KIM CHUNG
|
|
|