Những vấn đề liên quan đến Ban HĐND cấp xã sau sơ kết cấp huyện

Đăng ngày: 15/08/2011
Thời điểm hiện nay, hầu hết các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đã hoàn thành việc sơ kết bước 1 đối với việc thành lập và tổ chức hoạt động của các Ban HĐND cấp xã (thí điểm).
Các thành viên Ban HĐND cấp xã của thành phố Biên Hòa
Đánh giá chung, Ban HĐND cấp xã đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình và đi vào hoạt động theo đúng định hướng ban đầu mà Thường trực HĐND tỉnh đã hướng dẫn, thể hiện được sự khác biệt căn bản trong hoạt động của HĐND cấp xã giữa trước và sau khi thành lập Ban HĐND cấp xã. Đáng chú ý, một số Ban hoạt động rất tích cực, liên tục tổ chức các cuộc giám sát, khảo sát trên địa bàn như:
phường Trung Dũng thành phố Biên Hòa, phường Xuân An thị xã Long Khánh, xã La Ngà huyện Định Quán với trên 20 cuộc trong một năm. Một số Ban sau một thời gian lúng túng chưa định hình rõ được hoạt động của Ban như thế nào thì sau đó đã triển khai hoạt động khá đều tay như Phú Xuân huyện Tân Phú. Nhiều xã, phường, thị trấn chưa thành lập Ban HĐND cấp xã sau khi tham khảo và chứng kiến những thành công và thuận lợi của Ban HĐND cấp xã đã đưa ra kiến nghị được thành lập thí điểm tại địa bàn mình nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho HĐND. Tuy nhiên đây là vấn đề cần tiếp tục cân nhắc sau Hội nghị sơ kết cấp tỉnh.

Khó khăn của các Ban HĐND cấp xã hiện nay là việc nhiều thành viên của Ban thường xuyên phải tham dự các khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ cơ sở nên ảnh hưởng đến thời gian tham gia hoạt động ở Ban. Bên cạnh đó cũng phải thẳng than thừa nhận rằng ở một số Ban thì thường trực HĐND vẫn là “phần hồn” của Ban để định hướng cho hoạt động của Ban HĐND cấp xã, đây là một vấn đề không thể tránh khỏi bởi Ban HĐND cấp xã mới được thành lập nên  những kho khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian đầu là việc tất yếu xảy ra.

Tại hội nghị sơ kết cấp huyện, nhiều ý kiến băn khoăn về việc chọn lựa thành viên Ban HĐND cấp xã như thế nào trong tình hình chung là trình độ của đại biểu HĐND cấp xã còn nhiều hạn chế. Thực tế tại một số Ban HĐND cấp xã hiện nay có sự tham gia của một số đại biểu hưu trí, đặc biệt có những thành viên Ban HĐND cấp xã đã ở độ tuổi ngoài 70 nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động và là lực lượng nòng cốt của Ban bởi bề dày những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm cuộc sống mà đại biểu tích lũy  được. Đây chính là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong bầu cư Đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ tới.

Cũng trong tháng 4 năm 2008, nhận lời mời của Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước, Thường trực HĐND tỉnh đã đến Bình Phước trao đổi về những vấn đề có liên quan đến Ban HĐND cấp xã (thí điểm) của Đồng Nai. Tại buổi trao đổi, đồng chí Huỳnh Chí Thắng, phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông tin những vấn đề có liên quan đến thực trạng hoạt động của HĐND cấp xã và những nguyên nhân để Đồng Nai thí điểm thành lập Ban HĐND cấp xã; giới thiệu về hiệu quả hoạt động của các Ban HĐND cấp xã (thí điểm) của Đồng Nai qua các năm 2006 và 2007; những kinh nghiệm trong tổ chức thành lập và triển khai hoạt động cũng như những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Ban HĐND cấp xã cũng được phân tích kỹ trong phần trao đổi, thảo luận tại Hội nghị.

Xuất phát từ nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị cần thành lập Ban HĐND cấp xã để giúp cho HĐND cap xã nâng cao năng lực hoạt động, trong tháng 4 năm 2008, tại báo Người đại biểu nhân dân – Tiếng nói của Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân – cũng đã có bài viết “có nên thành lập Ban HĐND cấp xã” trong đó đi sau phân tích về việc nên hay không nên thành lập Ban cho HĐND cấp xã và việc thành lập sẽ phải giải quyết những vấn đề gì phát sinh.

Việc trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn, những thông tin phản ánh trên các phương tien thông tin và kết quả sơ kết tại cấp huyện sẽ là những tư liệu quý báu để Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai tham khảo trong việc tổ chức Hội nghị sơ kết cấp tỉnh và dần hoàn thiện mô hình Ban HĐND cấp xã thí điểm trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Oanh