Công tác dân tộc thiểu số ở tỉnh Đồng Nai

Đăng ngày: 15/08/2011
Toàn tỉnh hiện có 3.503 hộ/31.128 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách theo chương trình 134 của Chính Phủ, trong đó 2.081 hộ được hỗ trợ về đất sản suất, 1.351 hộ được hỗ trợ đất ở, 1.834 hộ được hỗ trợ nhà ở, 2.646 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt.
Đến nay 1.325/1.834 hộ đã được hỗ trợ nhà ở với giá trị 20 triệu đồng/căn; 2.646/2.646 hộ được hỗ trợ về nước sinh hoạt. Tuy nhien, tiến độ triển khai các dự án chậm, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn gặp khó khăn do địa phương không có quỹ đất. 11/11 huyện, thị xã, thành phố Biên Hoà đã giải quyết cho 3.461 hộ dân tộc nghèo được giúp vốn, cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi... góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, từng bước cải thiện đời sống, đến nay không còn hộ đói.

Hệ thống trường, lớp vùng đồng bào dân tộc được xây dựng và tu sửa khang trang, không còn tình trạng học 3 ca. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 20.000 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các cấp học phổ thông, trong đó có hơn 700 hoc sinh học ở các trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Xét tuyển 349 học sinh, nâng tổng số học sinh là người dân tộc thiểu số học nghề tại trường Cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc Phòng) là 1.163 học sinh; đối với học sinh dân tộc thiểu số và học viên học nghề tại các trường, cơ sở dạy nghề do địa phương quản lý được miễn 100% học phí toàn khoá học; trong năm tỉnh đã cử tuyển 12 em học các trường đại học chính quy như đại học Kinh tế thành pho  Hồ Chí Minh (03 sinh viên), đại học Nông Lâm thành phố  Hồ Chí Minh (03 sinh viên), đại học luật thành phố  Hồ Chí Minh (02 sinh viên), đại học Văn Hoá (02 sinh viên), đại học Cần Thơ (01 sinh viên), Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố  Hồ Chí Minh (01 sinh viên). Số sinh viên tốt nghiệp, học viên học nghề  đều được  bố trí  công việc ổn định, phù hợp với chuyên môn đã học.

Hầu hết các hộ dân tộc thiểu số nghèo đều được cap thẻ bảo hiểm y tế. Năm 2007 các cơ quan, ban ngành và Hội Chữ thập đỏ các cấp đã phối hợp với ngành y tế tổ chức các đoàn khám bệnh chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng cũ; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn đồng bào ăn chín, uống sôi và giữ gìn vệ sinh môi trường, phát quang đường liên khu, liên ấp, trồng và sử dụng có hiệu quả các loại cây thuốc nam trong từng gia đình... đã ngăn ngừa được dịch bệnh phát sinh, góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong vùng đồng bào dân tộc được các địa phương chú trọng chăm lo và phát triển, như xây dựng các nhà văn hóa dân tộc, làng văn hóa và tổ chức các lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng dân tộc như lễ Chol Chơnam ThMây của dân tộc Khmer; cúng Jàng của dân tộc Châuro, Mạ; Loòng Toòng của dân tộc Tày, Nùng...; sưu tầm và khôi phục nghệ thuật múa, hát dân ca các dân tộc (Châu ro, Châu mạ...), Cồng, Chiêng và trang phục của các dân tộc ... Hiện nay toàn tỉnh đã xây dựng được 6 nhà văn hóa của đồng bào dân tộc ở các huyện: Tân Phú 1, Long Thanh 1, Xuân Lộc 2, Vĩnh Cửu 1, Định Quán 1 và xây dựng các làng, ấp văn hóa như: làng văn hóa đồng bào dân tộc Chăm (Xuân Lộc), dân tộc Châuro (Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành), dân tộc Stiêng (Long Thành), Châu mạ (Tân Phú)...Năm 2007, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Đại hội thể dục thể thao lần thứ nhất cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh thu hút hàng trăm vận động viên của các dân tộc: Châu ro, Tày, Nùng, Stiêng, Cơho, Mán, Châu Ma và người Hoa  tham gia thi đấu các môn bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy và bắn nỏ... tạo nên mối quan hệ gắn bó, tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng. Tỉnh đã thực hiện cấp 11 loại báo, tạp chí đến các xã, ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tất cả các loại báo trên đều được cấp phát đủ đến đối tượng thụ hưởng, kịp thời mang đến cho đồng bào dân tộc thiểu số các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, thông tin thơi sự, tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và đời sống ...

Các xã vùng đồng bào dân tộc hầu hết đều có đường nhựa đi đến trung tâm, 100% các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, bưu điện văn hoá, trên 80% số hộ dân tộc có điện sinh hoạt, trên 90% số hộ được sử dụng nước sạch; 85% số hộ có phương tiện nghe nhìn...  Năm 2007, các cơ quan chức năng tỉnh và chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư, hình thành các khu tái định cư cho 175 hộ dân tộc Châu ro tại huyện Định Quán và 275 hộ dân tộc Châu ro, Mạ, Stiêng, Khơme huyện Tân Phú, Cẩm mỹ và hình thành 2 làng dân tộc phát triển bền vững tại ấp Suối Sóc xã Xuân Mỹ và ấp 4 xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ được đồng bào phấn khởi.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác dân tộc của tỉnh Đồng Nai trong năm qua vẫn còn những hạn chế cần tập trung tháo gỡ đó là: Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung vẫn còn khó khăn, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; đời sống văn hoá, tinh thần tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của đồng bào, bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc ở một số địa phương có nguy cơ bị mai một, một số nơi vẫn còn những thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; vẫn còn một số người có tư tưởng ỷ lại, chông chờ sự quan tâm của nhà nước, chưa chủ động, tích cực vươn lên trong cuộc sống; Công tác truyên truyền học tập các Nghị quyết của Trung ương, chương trình hành động của Tỉnh uỷ tuy đạt kết quả, song một số nội dung chưa chưa được cụ thể phù hợp với trình độ dân trí của đồng bào; các hoạt động của đoàn thể nhân dân vùng đồng bào dân tộc, đội ngũ cán bộ là người dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Việc triển khai thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ ở các ngành, địa phương trong tỉnh còn chậm.

Nguyễn Văn Khang- Ban Dân vận tỉnh Uỷ Đồng Nai