|
Đoàn khảo sát hiện trạng khu đất dự án tại xã Xuân Tâm |
Tổng diện tích của khu đat thực hiện dự án Phân khu II huyện Xuân Lộc khoảng 730 ha gồm 100 ha đất tại xã Xuân Thành, còn lại khoảng 630 ha đất tại xã Xuân Tâm. Hiện trạng sử dụng đất đai tại phân khu II là diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy do Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn đang quản lý, khai thác, trong đó phần lớn diện tích rừng đã đến kỳ khai thác, còn lại một số diện tích rừng mới trồng từ mùa mưa 2005-2006 chưa đến kỳ khai thác.
Với đà phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa của đất nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, điều kiện về quỹ đất và nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp cũng giảm dần về số lượng, trong điều kiện vẫn phải duy trì tỉ trọng phát triển nông nghiệp để bảo đảm sự cân đối, hài hòa, ổn định cho nền kinh tế và cho cả quá trình cân bằng sinh thái và các điều kiện tự nhiên xã hội của tỉnh Đồng Nai, như vậy việc tiến lên sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao là một định hướng đúng đắn để đáp ứng yêu cầu năng suất, chất lượng cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Để đáp ứng được những tiêu chí này đòi hỏi việc đầu tư xây dựng một khu sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm tập trung, hướng đến một hệ thống khép kín, áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật như ứng dụng công nghệ sinh học, tạo giống cây trồng, kiểm soát phân bón, nhiệt độ, ánh sáng, nước tưới… bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm.
Đề án đầu tư Khu liên hợp Công-Nông nghiệp DONATABA ra đời vào tháng 3 năm 2007 đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như trên đã được UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Kế hoạch và đầu tư chấp thuận về chủ trương. Bản chất của đề án là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm và các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp, các trang trại, vườn ươm… Mô hình của khu liên hiệp kết hợp phát triển công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ, dùng công nghiệp để làm tiền đề phát triển nông nghiệp nông thôn. Đây là dự án kinh tế xã hội quan trọng của tỉnh, phục vụ cho mục đích dân sinh, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh Đồng Nai theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, đúng với đường lối đổi mới kinh tế của Đảng theo Nghị quyết Hội nghị lần VI BCH Trung ương Đảng khóa XI, phục vụ lộ trình hội nhập WTO trước mắt và lâu dài của tỉnh Đồng Nai.
Với chức năng chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và dịch vụ phụ trợ, khu đất tại phân khu II có địa hình tương đối bằng phẳng, khong ngập úng, độ phì của đất từ trung bình trở lên, không có độc tố trong dung dịch đất, có khả năng khai thác nguồn nước để phục vụ cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây và chế biến thực phẩm. Về địa chất công trình đủ điều kiện xây dựng các công trình như nhà máy, chuồng trại, hạ tầng kỹ thuật. Về diện tích đủ rộng để bố trí các hạng mục công trình, chuồng trại, các đồng cỏ để cắt và chăn thả. Về giao thông có tuyến đường liên tỉnh lộ 766 (xã Xuân Thành). Dự án tại xã Xuân Tâm có đường liên huyện Xuân Tâm đi Trảng Táo hiện hữu đã được nhựa hóa, cách QL1A 4km và ga xe lửa Trảng Táo 6km, thuận tiện cho việc giao thương vận chuyển hàng hóa. Về điện có đường 15-22KVA và đường điện 04KVQ chạy cắt ngang qua trung tâm dự án. Về nguồn nước có hồ chứa nước Gia-Ui xã Xuân Tâm với trữ lượng 12 triệu mét khối nước vào mùa mưa, 5 triệu mét khối nước vào mùa khô; cách nhà máy cấp nước Tâm-Hưng-Hòa 700 mét.
Hiện nay, chủ đầu tư đã rà soát, biên tập bản đồ địa chính khu đất dự án tại huyện Xuân Lộc, đồng thời tiến hành đo địa hình toàn bộ khu đất để phục vụ quy hoạch chi tiết ty lệ 1/2000, hiện đơn vị tư vấn thiết kế đã lập xong đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu liên hợp, chủ đầu tư đang nghiên cứu, cho ý kiến hoàn chỉnh chuẩn bị trình các cấp thẩm quyền vào cuối tháng 6-2008. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, chủ đầu tư sẽ khẩn trương lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư và tiến hành các thủ tục về giao đất và thuê đất, bao gồm thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng và các bước tiếp theo của quy trình thực hiện dự án.
Khó khăn hiện nay là việc thu hồi và tiếp nhận đất để triển khai dự án. Nguồn gốc đất đai tại khu vực phân khu II của dự án trước đây được giao cho Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn từ năm 1986 để trồng nguyên liệu giấy, đến nay các hợp đồng giao đất cho đơn vị đều đã hết thời gian hiệu lực. Đến thời điểm năm 2006, theo Biên bản thỏa thuận ngày 15 tháng 6 năm 2006 giữa UBND huyện Xuân Lộc và Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn, nội dung giao cho Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn quản lý, bảo vệ và chăm sóc diện tích cây rừng hiện có, không được làm thay đổi hiện trạng và không để phát sinh cây rừng trồng mới. Đến nay, Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn đã nhất trí bàn giao 105ha tại xã Xuân Thành, tuy nhiên đối với diện tích còn lại, Công ty này chưa giao đất mà có văn bản số 22/LNKH ngày 19/02/2008 đề nghị hỗ trợ chi phí do công ty đã bỏ ra trước đây để khai hoang, phục hóa đất và bồi thường cho một số hộ dân tại khu vực này. Chính vì vậy mà ngay cả về công tác quản lý, bảo vệ đất, vì hiện nay Chủ đầu tư chưa chính thức được giao đất nên chưa có tư cách pháp nhân để tổ chức quản lý, bảo vệ hiện trạng đất, bảo vệ ranh giới giữa đất dự án và khu vực đất dân cư lân cận. Tuy nhiên, vấn đề này đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại Văn bản số 9384/UBND-CNN ngày 20/11/2007 về việc xử lý diện tích đất của Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn tại huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai, với nội dung yêu cầu Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn tổ chức khai thác diện tích cây đã đến kỳ khai thác và phối hợp với UBND huyện Xuân Lộc lập phương án bồi thường chi tiết để giao lại mặt bằng cho huyện. Trường hợp nếu Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn không phối hợp thực hiện, giao UBND huyện Xuân Lộc áp dụng biện pháp kiểm kê bắt buộc lập phương án bồi thường chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Như vậy, về trách nhiệm của mình, UBND tỉnh đã tạo các cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai thực hiện dự án.
Thông qua giám sát kết quả triển khai thực hiện dự án, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Xuân Loc tổ chức đoàn công tác gồm Sở Tài nguyên&Môi trường, một số Sở, Ngành chức năng của tỉnh, của huyện, có sự tham dự của Chủ đầu tư, tiến hành rà soát hiện trạng đất, trong đó xác định rõ diện tích cây trồng đã đến kỳ thu hoạch, diện tích cây trồng chưa đến kỳ thu hoạch, số hộ dân đang sinh sống và canh tác trên diện tích đất dự án. Qua kết quả rà soát, điều tra hiện trạng, có văn bản đề nghị Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn khẩn trương thu hoạch, trả lại hiện trạng đất đối với diện tích cây rừng đã đến kỳ thu hoạch. Đối với diện tích cây rừng chưa đến tuổi khai thác, lập phương án bồi thường chi tiết cho cây trồng trên đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngoài ra, trong vùng dự án, có một số ít dân cư sinh sống và sản xuất cần lập phương án bồi thường, hỗ trợ và dự án tái định cư giải phóng mặt bằng trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện song song với diện tích cây trồng do Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn quản lý, thành Dự án DONATABA khép kín.
Kim Chung