Có giải pháp cụ thể để tăng tốc thực hiện các chương trình đề ra cho kịp với mục tiêu theo Nghị quyết số 30/2004/NQ-HĐND của HĐND tỉnh

Đăng ngày: 15/08/2011
Trong thời gian qua, các trường THPT trên địa bàn và Sở GD&ĐT đã tích cực trong xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từng chương trình của đề án theo NQ 30/2004/NQ- HĐND tỉnh. Tuy nhiên, trong 5 chương trình của đề án, nhiều chương trình có tiến độ triển khai thực hiện còn khá chậm.
Ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng Ban VHXH HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát về thực hiện Nghị quyết số 30/2004/NQ-HĐND
Các chương trình đang trên đường triển khai thực hiện và đang tìm các giải pháp để thực hiện đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, trong triển khai thực hiện các chương trình còn gặp những khó khăn như: Số luợng giáo viên hiện nay còn thiếu so với quy định, cơ cấu bộ môn thiếu đồng bộ, một bộ phận giáo viên năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm còn yếu, nguyên nhân đó là do đội ngũ giáo viên được đào tạo từ nhiều nguồn, chất lượng đào tạo chưa cao, tinh thần tự học, tự bồi dưỡng ở một bộ phận giáo viên còn yếu, chưa có biện pháp hiệu quả để nâng chất lượng chuyên môn của giáo viên.

Trong thực hiện từng chương trình, như chương trình 1, công tác tuyển sinh vào bậc THPT hàng năm còn ở mức cao, dẫn đến sĩ số học sinh trên đầu lớp còn cao, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học, giáo dục thể chất, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh chưa tương xứng với quy mô phát triển giáo dục.

Chương trình 2 về xây dựng đội ngũ CBQL: giáo viên THPT với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đảm bảo bộ máy ổn định vững chắc, đủ cán bộ quản lý các trường THPT theo chuẩn quy định của điều lệ các trường trung học, đủ số lượng giáo viên THPT, đảm bảo chất lượng, đồng bộ cơ cấu các bộ môn, 100% giáo viên THPT đạt trình độ đào tạo chuẩn và phấn đấu có 5% giáo viên THPT có trình độ đào tao sau đại học. Do vậy, cần  đánh giá và phân loại đội ngũ để có kế hoạch sàng lọc, bồi dưỡng, sắp xếp lại công tác cho phù hợp với năng lực, đồng thời bổ sung lực lượng giáo viên trẻ có đủ điều kiện và đủ năng lưc.

Chương trình 3 đã có bước chuẩn bị chu đáo, có lộ trình từng năm trong thực hiện, đến năm 2010 tất cả học sinh trung học khi tốt nghiệp THPT đều được trang bị các kỹ năng công nghệ cần thiết, để tiếp tục học tập hoặc tham gia lao động có kỹ thuật, phấn đấu 100% giáo viên biết sử dụng máy tính, soạn giảng bằng ứng dụng công nghệ thông tin cũng như Internet phục vụ giảng dạy. Đầu tư trang bị cho mỗi trường THPT tối thiểu 30 học sinh/1 máy, 04 bộ thiết bị trình chiếu đối với từng trường, trang bị 01 phòng học bộ môn với các công cụ trợ giảng như: máy tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh…và 01 bộ thiết bị trình chiếu, nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng giáo dục toàn ngành, kết nối mạng với các đơn vị giáo dục.

Chương trình 4 cần có kế hoạch triển khai chương trình giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông, thời gian qua công tác này chưa được quan tâm đúng mức nên đội ngũ giáo viên dạy nghề phổ thông chưa đủ về số lượng, nên chưa phát huy hiệu quả trong giáo dục nghề nghiệp. Chương trình sách giáo khoa chưa định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là chưa đáp ứng các nghề mũi nhọn của tỉnh như: Tin học nghề ứng dụng, điện công nghiệp, điện tử, cơ khí. Vì vậy, từ nay đến năm 2010 tập trung, xây dựng triển khai và hòan thiện chương trình hướng nghiệp các nghề mũi nhọn như Tin học nghề ứng dụng, điện công nghiệp, điện tử, cơ khí giảm dần việc dạy các nhóm nghề (theo quy định của Bộ) như cắt may, làm bánh, nấu ăn, thêu, đan, móc. Triển khai chương trình hướng nghiệp theo từng miền, từng vùng chú ý ở các miền núi, vùng sâu, vùng xa học sinh học nghề còn hạn chế.   

Chương trình 5, ngành đã tích cực phối hợp với các huyện, thị xã và thành phố Biên Hòa chăm lo xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong trường học. Tham mưu với cấp ủy đảng trong việc phát triển đảng trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên trong thời gian qua công tác phát triển đảng trong trường học còn hạn chế, chưa có biên chế cán bộ đoàn, hầu hết đều kiêm nhiệm nên chưa đầu tư tốt cho phong trào, mot số giáo viên trẻ chưa tích cực tham gia tổ chức, gắn bó với các phong trào đoàn thể trong nhà trường phổ thông, một số giáo viên có lòng nhiệt tình, năng nổ nhưng thiếu kinh nghiệm hoạt động. Cho nên cần có chế độ rõ ràng cho lực lượng Ban chấp hành như số tiết dạy được miễn, lương trách nhiệm....Phấn đấu đến năm 2010, toàn bộ  các trường THPT công lập đều có Chi bộ đảng, các trường ngoài công lập đều có đảng viên, tỷ lệ đảng viên ở các trường công lập là 25%, phát triển 96% đoàn viên công đoàn/ tổng số lao động, đoàn TNCSHCM chiến 70% tổng số thanh niên trong trường, mỗi trường có 1cán bộ đoàn chuyên trách có lương và chế độ trách nhiệm.

Do vậy, Sở Giáo dục- Đào ĐT có báo cáo, đánh giá cả quá trình thực hiện đề án một cách cụ thể rõ ràng, lập kế hoạch tổ chức và cần đánh giá kết quả thực hiện trong từng chương trình của đề án, đồng thời kiến nghị giải pháp cụ thể để tăng tốc cho kịp với mục tiêu chương trình đề ra. Về lâu về dài chương trình cần huy động nguồn lực nhà nước và xã hội cùng tham gia; xây dựng chế độ, chính sách cho người học, giáo viên, kịp thời tang cường liên kết đào tạo với các trường để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ, có giải pháp thực hiện đến năm 2010 đạt được mục tiêu từng chương trình của đề án trong việc thực hiện Nghị quyết số 30/2004/NQ-HĐND.

Kim Ngọc