Những vấn đề tiếp tục thực hiện để hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của Ban HĐND cấp xã

Đăng ngày: 15/08/2011
Ban HĐND cấp xã thí điểm của tỉnh Đồng Nai đến thời điểm hiện nay đã trải qua một chặng đường hơn hai năm hình thành và phát triển. Qua những trải nghiệm thực tế, Ban HĐND cấp xã đã mang lại những hiệu quả tích cực cho hoạt động của HĐND cấp xã và hướng đến mục đích là nhằm xây dựng mẫu hình hoàn thiện, phù hợp nhất trong xây dựng chính quyền cơ sở thời kỳ đổi mới.
Huyện Vĩnh Cửu tổ chức sơ kết 1 năm hoạt động HĐND cấp xã ( thí điểm)
Toàn tỉnh hiện nay đã thành lập được tổng số 58 Ban HĐND cấp xã tại 11 huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa với 318 thành viên đều là đại biểu HĐND cấp xã. Về trình độ chính trị: Cao cấp Chính trị: 03; Trung cấp chính trị: 67; số còn lại chưa qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chính trị nhưng đều có lập trường tư tưởng vững vàng. Về trình độ chuyên môn: Đại học: 18; Trung cấp, cao đẳng: 47 trong đó một số đang theo học các lớp đào tạo tại chức như vậy tỷ lệ thành viên đã được đào tạo về kiến thức chuyên môn chiếm 20,44%.

Cơ cấu của các Ban bao gồm Trưởng ban, Phó trưởng ban và từ 3 đến 5 thành viên tùy vào số lượng đại biểu của HĐND xã để đảm bảo sức mạnh tập thể trong Ban. Thời gian đầu các Ban mới đi vào hoạt động không tránh khỏi những lúng túng nhưng sau đó những lúng túng ban đầu đã được giải quyết bằng các biện pháp : Khảo sát, đôn đốc nhắc nhở, hướng dẫn, phối hợp hoạt động mà quan trọng nhất là khả năng  « tự thân vận động » của các Ban HĐND cấp xã, đến nay 58 Ban HĐND cấp xã đã hoạt động đi vào nề nếp.

 Tính trung bình, sau 12 tháng mỗi ban tổ chức từ 9 đến 10 cuộc khảo sát, giám sát; Ban tổ chức giám sát nhiều nhất là 25 cuộc; Ban tổ chức ít nhất là 04 cuộc ; thẩm tra các báo cáo, Đề án, tờ trình của UBND cấp xã, trung bình mỗi Ban xây dựng từ 8 đến 9 báo cáo thẩm tra.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng việc triển khai thực hiện thí điểm Ban HĐND cấp xã đến nay đã đặt ra những vấn đề về mặt lý luận cần được trả lời một cách thấu đáo và những lúng túng cần phải được các đơn vị thí điểm tháo gỡ bằng chính với quyết tâm khi bắt tay vào tổ chức thí điểm cụ thể như sau:

1. Có một số ý kiến cho rằng ở cấp xã đã có Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, những tổ chức này đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành và đều có chức năng giám sát hoặc tương tự như giám sát vậy nên việc có thêm một Ban HĐND cấp xã có thực sự cần thiết hay không? Có thế lý giải một số vấn đề cơ bản như sau:

- Ban thanh tra nhân dân là một tổ chức quần chúng ở cơ sở, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân mang tính thường xuyên, tại chỗ bao gồm cả việc giám sát, kiểm tra và dân biết, dân bàn, hoạt động không mang tính quyền lực nhà nước, không do một cơ quan nhà nước tiến hành

- Ban giám sát đầu tư cộng đồng: Hoạt động của Ban này gắn liến với những dự án và chỉ tiến hành giám sát những công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã, nhiệm kỳ của Ban giám sát đầu tư cộng đồng là 2 năm.

- Ban HĐND cấp xã có thể hình dung là “cánh tay nối dài” của HĐND cấp xã thể hiện nhiệm vụ cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; giám sát của Ban HĐND xã là giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và các Nghị quyết của HĐND xã, những vấn đề phát sinh của địa phương và đưa ra các kiến nghị; trong giám sát nếu phát hiện thấy có những hành vi ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, cơ quan, tổ chức và công dân thì Ban HĐND cấp xã có quyền yêu cầu chấm dứt ngay hành vi đó, đấy chính là điểm khác biệt cơ bản so với hai tổ chức trên.

Từ những phân tích trên cho thấy ba Ban: Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và Ban HĐND cấp xã trong tổ chức hoạt động của mình không trùng lắp lên nhau mà có sự độc lập, bổ sung lẫn nhau.

2. Vẫn còn tình trạng một số Ban HĐND cơ cấu cả Chủ tịch và Phó chủ tịch vào Ban HĐND xã làm hạn chế vai trò của Thường trực HĐND cấp xã. Bên cạnh đó thì việc bầu chọn các thành phần khác vào Ban HĐND tại một số Ban còn mang nặng việc cơ cấu theo thành phần, vị trí công tác hiện tại của đại biểu mà chưa mạnh dạn bố trí những đại biểu có trình độ chuyên môn cao hơn, có nhiệt tình và kinh nghiệm hơn  nhưng hiện không là cán bộ đương nhiệm.

3. Với việc thành lập Ban HĐND cấp xã xuất hiện biểu hiện đồng nhất hoạt động của Ban và của Thường trực HĐND xã tại một số nơi; có tình trạng do Ban HĐND xã hoạt động có hiệu quả hơn nên Thường trực HĐND để Ban làm thay hoạt động của Thường trực HĐND. Bên cạnh đó cần chú trọng đến việc xây dựng chương trình giám sát của một số Ban, tránh tình trạng quá ít, chưa thể hiện hết trách nhiệm của Ban và đáp ứng với tình hình thực tế của địa phương hoặc quá nhiều dẫn đến giám sát dàn trải, làm cho chất lượng một số cuộc giám sát không sâu.

4. Về trình độ văn hóa, chuyên môn của các thành viên nhìn chung chưa cao, đây là một vấn đề cần được chú trọng xem xét để lựa chọn và nâng cao chất lượng đại biểu HĐND cấp xã cho bầu cử đại biểu nhiệm kỳ tới nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã.

5. Vai trò hướng dẫn, phối hợp của Thường trực, các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có lúc, có nơi chưa sâu sát để kịp thời phát hiện những bất hợp lý từ đó kịp thời điều chỉnh.

Khi triển khai thí điểm một việc làm mới thì những khó khăn, lúng túng là điều không thể tránh khỏi. Thuận lợi của Đồng Nai là ngay từ khi bắt đầu triển khai mô hình thí điểm Ban HĐND cấp xã đã nhận được sự đồng tình, nhất trí của Cấp ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN các cấp; sự quan tâm của cử tri trong tỉnh. Với những kết quả đã đạt được; những phát hiện về các vấn đề cả về lý luận và thực tế cần tiếp tục hoàn thiện, trong thời gian tới, có cơ sở để tin rằng ban HĐND cấp xã, một mô hình thí điểm mà HĐND ba cấp của tỉnh Đồng Nai đã dành nhiều thời gian, công sức và trí tuệ để xây dựng nên như ngày hôm nay sẽ tiếp tục được hoàn thiện.

Nguyễn Thị Oanh