RỪNG CÂY ƠN BÁC

Đăng ngày: 15/08/2011
Mặc dầu ở cách xa trên cả trăm cây số, nhưng mỗi lần có dịp tới thăm ông và vãn cảnh chùa, tôi như thấy lạc vào một thế giới mới, làm cho tâm trí mình phấn chấn khác thường.
Như những thanh niên giàu nhiệt huyết ở một vùng quê có truyền thống cách mạng vẻ vang: Xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Năm 1976, Huỳnh Văn Thanh náo nức tình nguyện gia nhập quân đội đợt nghĩa vụ đầu tiên của miền Nam sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.

Từ một thanh niên nông thôn bước chân vào quân đội anh lao vào học tập, công tác và rèn luyện không biết mệt mỏi, nên mau chóng trưởng thành. Ít lâu sau, Thanh cùng đơn vị lên đường chiến đấu giúp bạn Campuchia thoát họa diệt chủng của tập đoàn Pônpốt. Bốn năm trên đất Chùa Tháp là quãng thời gian hết sức có ý nghĩa đối với Huỳnh Văn Thanh: Chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, cận kề với cái chết. Song, tình đồng đội thuỷ chung cũng được chứng minh sinh động. Nhiều khi hiến những giọt máu của mình để cứu nguy cho đồng đội. Từ thực tiễn ấy, Thanh nghiệm ra rằng: “Chỉ cùng chung lý tưởng chiến đấu, mới có được nghĩa cử đẹp đẽ ấy. Và nguyện ước mãi mãi sẽ làm theo hướng thiện tâm cho nhân sinh”. Không ít lần ý nghĩ của Thanh bị ngắt quãng bởi tiếng súng địch nổ xé toang bầu không khí trong đêm, hoặc tới phiên đổi gác ... Bốn năm làm nghĩa vụ quốc tế trôi qua thật nhanh, Thanh thấy mình trưởng thành trên nhiều phương diện. Song không khỏi bâng khuâng thương nhớ những người bạn cùng đội ngũ mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân nơi chiến trận. Bất giác, Thanh nói một câu trong mênh mông cho lòng vơi nhẹ đôi chút:

- Các bạn thân yêu ơi, “Giúp bạn, tức là mình tự giúp mình” Bác Hồ đã từng dạy Quân đội ta như thế. Tôi sẽ tôn thờ linh hồn các bạn nơi thiêng liêng và sâu thẳm nhất!

Đoàn xe nhà binh bám đỏ bụi đường từ từ chuyển bánh, chở những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc. Khi vượt qua cột mốc biên giới, Thanh ngoái lại nhìn sang đất bạn, mặt anh nóng bừng như đang lên cơn sốt, hai dòng lệ rơi lã chả và anh cứ để vậy khi đường biên xa mờ.

* * *

Ông Huỳnh Văn Giỏi và bà Nguyễn Thị Nhất là thân phụ mẫu của Thanh mừng mừng tủi tủi khi thấy con trai từ mặt trận trở về. Trước đó một đôi lần ông bà có tin đồn con mình đã hy sinh. Thế mà nay nó đã có mặt tại căn nhà này, quả ơn Trời Phật hết biết. Nhưng chưa kịp hỏi chuyện gì với con, Thanh chỉ ngủ tại gia đình vỏn vẹn một đêm. Những ngày tiếp theo, một mình ra tá túc tại căn chòi canh lúa chơi vơi giữa cánh đồng xã Thạnh Phú. Động thái khác thường này của cậu con trai sau bốn năm ở lính làm ông bà bối rối chưa hiểu thế nào. Và một sáng đẹp trời, Thanh rảo bước ra đi, hành trang duy nhất chỉ bộ đồ ba ba mặc trong người. Vừa thương con lại sợ nó đói, bà Nhất le te đưa cơm ra chòi để nó ăn, mẹ con có dịp chuyện trò. Nhưng khi tới chỉ gặp mảnh giấy nhỏ kèm mấy dòng chữ: “Ba má vui lòng để con nương nhờ cửa Phật, khi nào đắc đạo con sẽ báo tin gia đình hay”. Là một người cha rắn rỏi, kiên nghị nhưng khi đọc thấy những dòng này ông Giỏi cũng phải lặng đi đến mấy giây, lát sau ông nói với bà:

- Đó cũng là phúc đức cho nhà ta đấy bà ạ. Phải có chí mới đi trọn đường tu để đắc đạo, phụng sự đạo pháp giúp chúng sinh được. Ta hãy vui cho con, bà nghe.

Được chồng giảng giải, bà Nhất đỡ phần nào lo lắng bồn chồn. Thế rồi gần chục năm phụng thờ đạo pháp, Huỳnh Công Thanh được Hội đồng giáo hội Phật giáo Việt Nam thăng làm Đại đức với pháp danh Thích Pháp Cần và bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Phú, toạ lạc tại xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai tiếp giáp tỉnh Lâm Đồng, một địa bàn rừng núi khá heo hút.

Tiếp nhận một cơ ngơi còn qúa đơn sơ, nhà chùa tranh tre mái lá, về mùa khô dễ chừng tàn nhang, ngọn nến bắt lửa gây hỏa hoạn khó lường. Điều ấy chưa phải làm vị Đại đức còn ở tuổi khá sung mãn phải nặng lòng, mà thực trạng cảnh đồi núi tan hoang, cây cối chỉ trơ lại những gốc là gốc, cháy nham nhở. Lớp lớp đá chồng lên nhau khô khốc dưới ánh nắng chói chang. Thảm họa này là “ cha chung không ai khóc”, mạnh ai nấy chặt nào gỗ, củi, đốt than và làm rẫy. Rốt cuộc rừng đầu nguồn cạn kiệt, mấy trăm hécta ruộng lúa, hoa màu của mấy xã hạ lưu thiếu nước trầm trọng, mùa vụ thất bát, đời sống không ít người dân phải lao đao.

Là một người lính từng có dịp đi đây đi đó, thích quan sát, tìm hiểu học tập. Giờ đây mình là chủ nhân của một vùng sơn cước, quản lý hàng chục mẫu đất đồi núi đã làm nảy nở trong ông những ý tưởng mới mẽ và táo bạo mà người bình thường không dám nghĩ tới. Đó là ký kết với cơ quan lâm nghiệp huyện Tân Phú đăng ký giống để trồng cây, gây rừng. Qua xem xét thấy hợp tình, hợp lý nên họ không chỉ đồng tình ủng hộ mà còn khích lệ cổ vũ. Điều nan giải là lực lượng chủ yếu chỉ có mấy vị tu hành, hầu hết tuổi đã cao, sức yếu lên đây để tỉnh tâm và mấy tăng ni. Thi thoảng một số phật tử, tăng cường thêm nhưng chẳng là bao. Ấy thế mà như kiến tha lâu đầy tổ, chỉ qua một hai mùa mưa, với mấy ngọn đồi núi trọc trên 36 héc ta đã được phủ kín nào tràm bông vàng, xà cừ, sao, bạch đàn cùng một số cây ăn trái khác như mít, sầu riêng, chôm chôm, nhãn,... đua nhau mọc. Theo thời gian, tập đoàn cây ở đây phơi phơi tốt tươi vươn mình trong nắng mới, tạo thành một khu sinh thái làm biến đổi cả một vùng đồi. Ai từng có dịp đi qua đều hết sức ngỡ ngàng.

Cây xanh biếc, như một sự đồng hành, nước được tích tụ lại từ trong lòng đất tạo ra các dòng chảy. Những con suối khô khốc ngày nào thì nay nước chảy tuôn trào. Theo đó, những cánh đồng hạ lưu cũng được khôi phục từ 2 -3 vụ lúa, màu tốt tươi hàng năm. Vào thời điểm ấy (1990) những địa bàn vùng sâu vùng xa như Phú Sơn chưa có điện lưới quốc gia, chính bàn tay của Đại đức Thích Pháp Cần đã thiết kế ra dòng điện từ nguồn thuỷ lực để phục vụ nhà chùa thắp sáng và cung cấp sinh hoạt cho một số gia đình lân cận. Trước tết Nguyên đán 2008 vừa rồi, tôi đã có dịp đi công tác và nghỉ lại đêm cùng với sư Cần ở chùa Linh Phú mà có cảm tưởng thật khác lạ: Suối reo không dứt; chim ca lanh lãnh gọi bạn tình khi bình minh thức dậy và đặc biệt có những chú công với bộ lông màu sặc sơ chao liệng như muốn tìm kiếm một khu rừng nào đó để cư trú ... Sinh thái ở đây đang gợi mở cho các du khách, Phật tử mỗi lần có dịp vãn cảnh chùa.

Trong câu chuyện, Đại đức cho biết thêm: Mùa mưa này, nhà chùa đăng ký để quản lý thêm 58 héc ta rừng đầu nguồn liền kề để tu bổ, tôn tạo và trồng mới. Như vậy là trước sau lên tới gần 94 héc ta rừng. Chỉ cần mươi lăm năm nữa, nguồn lợi từ rừng đem lại là đáng kể lắm cả về mặt kinh te và môi trường, sinh thái phải không à? Riêng thế hệ cây trồng đợt đầu, nay đã được khai thác gỗ, củi thu một khoản kinh phí làm từ thiện, xã hội giúp các cháu học sinh nghèo...

Như vậy rừng có chủ đã rồi, còn tên của rừng là gì vậy - tôi hỏi.  Đại đức cười mà rằng: Ngay từ đầu tôi đã dự  định cho nó một cái tên mà chưa công bố. Nhưng mỗi lần ngắm rừng lòng càng thêm bồi hồi nhớ Bác. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Người đã phát động phong trào Tết trồng cây. Từ lời kêu gọi ấy đã trở thành việc làm hữu ích, tự giác của mỗi người dân Việt Nam ta về ý thức trồng cây, gây rừng. Người nói:

Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày, càng xuân.

Mặc dầu Bác kính yêu của chúng ta đã đi theo thế giới người hiền gần 40 năm rồi, nhưng lời Bác vẫn đọng mãi trong tâm mỗi người dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Nhân kỷ niệm 118 ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2008) cùng hưởng ứng cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Là một tu sĩ, lại là anh “Bộ đội Cụ Hồ”, tôi hân hạnh xin được đặt tên cho công trình là: “Rừng cây ơn Bác!” Nam mô A Di Đà Phật; Nam mô A Di Đà Phật ...

Giờ đây đứng giữa vườn rừng chùa Linh Phú, tôi như thấy mình thanh thản, thư thái lạ thường.

Bút ký của Nguyễn Quốc Hoàn-Tháng 5 năm 2008