Nhận thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, trong việc huy động tối đa mọi nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu, giải quyết việc làm và nộp ngân sách cho Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 40/2005/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chỉ thị số 09/2005/CT-TTg về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, nếu xét về cơ bản quy mô các doanh nghiệp Việt Nam đã không thể so sánh với các nước trong khu vực như : Thái Lan, Singapo, Malayxia,….Có thể xem đây là điểm yếu của chúng ta khi tiến hành hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế. Không nói đến Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ xét một số địa phương khác thì Hà Nội được xem là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cà nước nhưng quy mô doanh nghiệp vẫn còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh còn yếu. Bởi vì cơ chế đầu tư bị dàn trải, kém hiệu quả, thực hiện đầu tư còn chậm dẫn đến mất thời cơ sản xuất kinh doanh. Những địa phương được xem là tâm điểm thu hút đầu tư như : Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đà Nẵng ….vẫn chưa thể phát triển được doanh nghiệp địa phương .
Trong khi các doang nghiệp trên thế giới đặt mối quan tâm hàng đầu vào thông tin về công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thị trường cung cấp và tiêu thụ thì các doanh nghiệp Việt Nam lại chủ yếu quan tâm đến các thông tin về cơ chế, chính sách … rất ít doanh nghiệp quan tâm đến thông tin về kỹ thuật và công nghệ. Theo thống kế trong những năm vừa qua : có trên 70% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, gần 50% doanh nghiệp khó khăn về thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về một số lĩnh vực khác như mặt bằng sản xuất ( 41%), chí phí sản xuất (27%), chính sách thuế (25%), thiếu thông tin ( 20%), đào tạo nguồn nhân lực(17%) ….Hiện nay, chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp có được công nghệ sản xuất tiên tiến, chiếm 50% công nghệ doanh nghiệp đang sử dụng là trung bình còn 42% còn lại là yếu kém sử dụng công nghệ lạc hậu. Xét năng lực ở nhiều địa phương còn hạn chế, năng lực cạnh tranh chưa cao, chưa chú trọng đầu tư vào sản xuất hàng hóa, chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và thương mại. Trình độ quản lý của chủ doanh nghiệp còn nhiều bất cập, số lượng chủ doanh nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học còn thấp. Hiện tại vẫn chưa có kế hoạch và chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về bảo hiểm xã hội và trợ cấp cho nhân viên làm cho nhân viên không tin tưởng vào chính sách của doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp không thu hút được nhân viên có trình độ kỹ thuật cao. Biết trước như vậy, nhưng doanh nghiệp vẫn làm ngơ khi nào “ chết ” mới hay, có rất nhiều người đặt ra câu hỏi “ Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam rồi sẽ đi về đâu !? ”. Để khắc phục, thiết nghĩ ngay từ bây giờ phải nhanh chóng chuyển đổi cơ chế quản lý cũng như chuyển đổi công nghệ trong sản xuất mới mong tránh khỏi nguy cơ tụt hậu.
LÊ QUANG KIỆM- LHH KHKT ĐỒNG NAI