Rối loạn tâm thần ở công nhân- Thực trạng và giải pháp

Đăng ngày: 15/08/2011
Nhiều năm nay, Đồng Nai luôn là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ thu hút vốn FDI. Đến thời điểm này đã có 17 khu công nghiệp chính thức đi vào hoạt đong với khoảng trên 300.000 lao động từ khắp mọi miền đất nước. Cùng với nhiều chương trình chăm sóc, ổn định đời sống của người lao động thì việc tạo điều kiện cho họ được vui chơi giải trí,chăm sóc về mặt thể chất và tinh thần chưa thực sự có hiệu quả. Theo kết quả khảo sát mới đây của nhóm bác sỹ tại Bệnh viện tâm thần Trung ương II ở công nhân nữ trong các khu nhà trọ tại Biên Hoà cho thấy ngoài những mặt tích cực do cuộc sống cong nghiệp đưa lại thì họ còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn như việc làm không ổn định, chỗ ở chật trội, vệ sinh môi trường kém, áp lực công việc lớn, điều kiện kinh tế khó khăn… và đây chính là nguy cơ gây nên trạng thái rối loạn tâm thần mà chủ yếu là các chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.
Lãnh đạo công ty Changshin Vietnam tặng quà Tết cho công nhân ở các nhà trọ
Chị Lê Thị Thu T., 21 tuổi, quê Nam Định, vào Biên Hoà làm công nhân từ khi 18 tuổi, hiện đang làm việc tại một công ty chuyên sản xuất các linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Biên Hoà 2. Sống cùng 2 người bạn tại một nhà trọ ở phường Long Bình, thời gian gần đây có biểu hiện đau đầu, mất ngủ,  giấc ngủ chập chờn… T. được các bác sỹ chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ mà nguyên nhân chủ yếu là do áp lực công việc về thời gian rất lớn. T.thường làm việc theo ca, phải thường xuyên tăng ca, tăng giờ làm. Với Nguyễn Thị H. 18 tuổi, quê Bắc Giang mới vào làm việc ở một công ty may mặc ở khu công nghiệp Amata. H. đến khám bệnh với triệu chứng tim đập nhanh, chân tay run, đau bụng từng cơn không rõ nguyên nhân, hay hồi hộp và lo lắng quá mức. H. được bác sỹ chẩn đoán do rối loan lo âu, nguyên nhân là do làm việc quá nhiều. H. cho biết nhiều hôm cô làm việc tới 10 tiếng có hôm tăng ca tới 10 giờ đêm…Theo kết quả khảo sát, ở 95 đối tượng được điều tra có độ tuổi từ 17 đến 38 tuổi cho thấy có 81,05% có số giờ làm việc trung bình trong tuần từ 48 đến 60 giờ, cá biệt có 14,74% làm việc trên 60 giờ; 76,47% có gia đình nghèo phải phụ giúp. Áp lực công việc lớn cộng với nhiều khó khăn như thu nhập thấp, công việc không ổn định là những nguyên nhân chính gây rối loạn ở công nhân nói chung, đặc biệt là công nhân nữ. Theo bác sỹ Kim Hoà-Chủ nhiệm khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện tâm thần Trung ương II, thì những số liệu trên chưa đủ để phản ánh mọi mặt đời sống của nữ công nhân cũng như ảnh hưởng đến sức khoẻ nói chung, lo âu và trầm cảm nói riêng. Song kết quả điều tra đã cho tỷ lệ 17,89% lo âu, 25,26% trầm cảm và 5,26% có cả lo âu và trầm cảm. Đây là tỷ lệ tương đối cao so với số lượng được điều tra…

Thực tế, đa phần công nhân sống tách biệt trong các khu nhà trọ gần nơi họ làm việc, bị áp lực công việc và có cuộc sống tinh thần nghèo nàn, phần lớn làm việc theo ca hoặc tăng ca. Ngoài giờ ở công ty, họ hầu như không biết làm gì, ngoại trừ một vài công ty trong tập đoàn Nike như Pouchen, Việt Vinh… xây dựng khu nhà văn hoá cho công nhân. Còn lại phần lớn ở cách xa trung tâm, những nơi giải trí lại quá xa xỉ với đồng lương eo hẹp… Cũng theo khảo sát, đa phần công nhân mắc chứng trầm cảm và rối loạn lo âu ở độ tuổi còn khá trẻ từ 20- 23 tuổi (có 45/95 người) chiếm 47,37% ; có trình độ học vấn thấp, xa gia đình, thiếu thốn tình cảm. Giải pháp cho vấn đề trên là việc quan tâm đến đời sống vật chất như các chế độ phụ cấp, chăm sóc bữa ăn, chỗ ở của công nhân đủ để tái tạo sức lao động, đội ngũ Ban chấp hành Công đoàn cơ sở phải là lực lượng nòng cốt trong việc làm cầu nối tham mưu cho Ban Giám đốc những chính sách thiết thực đối với người lao động; tham mưu xây dựng Thoả ước lao động tập thể, trong đó có quy định rõ phải tao sân chơi lành mạnh cho người lao động giải trí sau giờ làm việc; có phòng y tế để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho công nhân, trong tương lai có bác sỹ hoặc chuyên gia tâm lý để tổ chức các hoạt động tư vấn cho người lao động, hướng họ đến một cuộc sống lành mạnh tích cực hơn. Hơn lúc nào hết, sức khoẻ cho người lao động phải được chăm sóc chu đáo, để bảo đảm tái tạo sức lao động đáp ứng cho mục tiêu CNH-HĐH.

N. Trinh