VÀI BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUA HOẠT ĐỘNG NĂM 2005 CỦA BAN KINH TẾ-NGÂN SÁCH

Đăng ngày: 15/08/2011
Thực hiện quy định của Luật pháp về tổ chức và họat động HĐND, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã họat động rất tích cực và ngay càng tỏ ra xứng đáng với vị trí cơ quan quyền lực ở địa phương thông qua việc ban hành các Nghị quyết và giám sát việc chấp hành của các cơ quan Nhà nước.

Nhiệm kỳ VII (2004-2009) mới khởi động hơn một năm, nhưng qua họat động của Hội đồng Nhân dân và Thường trực HĐND, đặc biệt là họat động trong năm 2005, cho thấy đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình, biểu hiện qua một số họat động như sau:

Trong suốt nhiệm kỳ VI (1999-2004),  HĐND tỉnh tổ chức 11 kỳ họp,  ban hành 68 Nghị quyết, trong đó có 22 Nghị quyết về lĩnh vực kinh tế-ngân sách. Năm  2005, HĐND tỉnh khóa VII đã tổ chức 3 kỳ họp, qua đó ban hành 27 Nghị quyết, trong đó 13 Nghị quyết về lĩnh vực kinh tế-ngân sách;

Trong nhiệm kỳ trước, việc báo cáo để thống nhất ý kiến Thường trực HĐND tỉnh trước khi ban hành các quyết định điều hành của UBND tỉnh rất ít. Năm 2005, giữa 2 kỳ họp, việc báo cáo để thống nhất ý kiến Thường trực HĐND tỉnh trước khi ban hành các quyết định điều hành của UBND tỉnh nhiều hơn. Theo số liệu chưa đầy đủ, cả năm 2005, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản cho ý kiến đối với 17 báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh trong đó có 10 vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế-ngân sách.

Tình hình trên đã có ảnh hưởng lớn đến họat động của các Ban HĐND tỉnh. Đặc biệt, với hơn 50% Nghị quyết, quyết định là thuộc lĩnh vực kinh tế-ngân sách nên yêu cầu công việc của Ban KT-NS cũng tăng lên rất nhiều. Trong điều kiện thời gian hoạt động có hạn, người chuyên trách không nhiều, để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh trong việc xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - ngân sách – khoa học – công nghệ - môi trường; trên cơ sở quy định của pháp luật, Ban KT-NS HĐND tỉnh đã định hướng họat động là “Tiếp tục phát huy những cách làm hay mà Ban đã tích lũy được thông qua họat đong trong các năm trước, đồng thời, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không ngừng đổi mới phương pháp công tác nhằm nâng cao chất lượng họat động, đặc biệt là chất lượng các kiến nghị của Ban. Xem việc chấp nhận các kiến nghị của Ban là thước đo hiệu quả họat động”. Theo định hướng trên,  họat động của Ban KT-NS trong năm 2005 đã có một số cải tiến, đổi mới phương pháp công tác nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo, tờ trình trình kỳ họp HĐND tỉnh; trình Thường trực HĐND tỉnh và thành lập các Đoàn giám sát hoặc thực hiện nhiệm vụ Trưởng đoàn giám sát do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức để giám sát việc chấp hành đối với những lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ban. Kết quả, trong năm 2005, Ban đã thực hiện được 26 báo cáo thẩm tra và tổ chức giám sát được 34 ngày đối với 54 đơn vị. Qua thẩm tra, giám sát Ban đã có 81 ý kiến, kiến nghị. Về cơ bản, các ý kiến, kiến nghị của Ban là thấu tình, đạt lý, được nhiều người đồng tình.

Để đạt kết quả trên, qua tổng kết hoạt động, nổi lên một số bài học kinh nghiệm như sau:

ĐỐI VỚI HỌAT ĐỘNG GIÁM SÁT

Bài học thứ nhất: Phải nắm chắc mục đích, yêu cầu giám sát và các quy định về hoạt động giám sát để xác định kế hoạch giám sát phù hợp.

Trưởng Ban KTNS Nguyễn Thị Tuyết Nga tại Hội thảo về " Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong lĩnh vực tài chính của Ban KTXH HĐND cấp huyện" do Ban KTNS HĐND tỉnh tổ chức vào tháng 3/2005
Bài học này có được qua việc giám sát việc thực hiện các quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 2 dự án Lâm trai Sơn Tiên và Câu lạc bộ sân golf  trên địa bàn huyện Long Thành. Theo yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh việc triển khai thực hiện các quy định trên ở đây có một số vấn đề cần xem xét trên 2 mặt: quy định và  thực thi cac quy định. Sau khi nghiên cứu một cách cụ thể, Ban KT-NS thống nhất đề xuất Thường trực HĐND tỉnh cho tiến hành hoạt động giám sát gồm 4 bước: Tiếp cận với dân vùng dự án để nghe dân nói về việc tổ chức thực hiện việc kiểm kê, đền bù, tái định cư; Tiếp xúc với chủ đầu tư để nghe các Chủ đầu tư nói về việc phối hợp với Long Thành trong việc kiểm kê, đền bù, tái định cư cho dân trong vùng dự án; Làm việc với UBND huyện Long Thành để xem xét cụ thể việc thực thi các quy định về đền bù, tái định cư đối với 2 dự án trên; tổ chức giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các Sở, ngành và các địa phương về thực hiện các quy định về giới thiệu địa điểm. Việc thực hiện 4 bước công tác như trên đã mang lại nhiều kết quả rất tốt cho Đoàn giám sát, đặc biệt là trong việc chất vấn và kiến nghị xử lý đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Bài học thứ hai: Phải tranh thủ và tận dụng trí tuệ tập thể bao gồm tập thể Ban KT-NS, các thành viên Đoàn giám sát và các đơn vị được giám sát.

Đây là bài học tâm đắc nhất và hiệu quả nhất. Phương pháp của Ban là lấy ý kiến của tất cả thành viên Đoàn giám sát và đơn vị được giám sát đối với dự kiến kết luận và kiến nghị của Ban. Theo cách này, chúng tôi có cơ hội tiếp nhận nhiều ý kiến, đặc biệt là ý kiến của người được giám sát. Chúng tôi không ngại tiếp nhận những ý kiến không đồng tình, vì rằng khi không đồng tình thì người ta phải có những giải trình để làm rõ và như vậy sẽ giúp Ban, trước hết là người làm công tác chuyên trách, có thêm nhiều thông tin để xem xét toàn diện hơn, từ đó có những kết luận và kiến nghị sát thực tế, đúng quy định hiện hành và có tính khả thi.

Bài học thứ ba: Phải tạo điều kiện để phát huy vai trò, vị trí của Ban Kinh tế-Xã hội HĐND cấp huyện trong việc thực hien nhiệm vụ giám sát về lĩnh vực kinh tế, ngân sách.

Ý tưởng này xuất phát từ quy định của luật pháp về họat động giám sát của các cấp HĐND và thời gian họat động giám sát của các Ban HĐND. Do thành viên Ban HĐND, phần lớn là kiêm nhiệm. Theo quy định hiện hành, các thành viên kiêm nhiệm tham gia giám sát ít nhất là 2 ngày/tháng. Trong khi đó, yêu cầu giám sát ngày càng nhiều và hầu hết là những vấn đề xảy ra trên địa bàn các huyện, các xã. Ban KT-NS thấy rằng, nếu Ban KT-XH đủ năng lực họat động, qua giám sát của Ban HĐND cấp huyện sẽ kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý ngay. Như thế, Ban KT-XH mới thể hiện đúng vị trí, vai trò của mình; Các Ban HĐND tỉnh sẽ giảm phần nào thời gian giám sát đối với những nơi, những khâu mà Ban KT-XH đảm đương được. Muốn Ban KT-XH thực hiện được việc giám sát về kinh tế-ngân sách, trước hết là giám sát về tài chính và đầu tư-Xây dựng cơ bản, Ban KT-NS đã dùng nhiều hình thức để bồi dưỡng nghiệp vụ cho Ban KT-XH như Hội thảo chuyên đề, cung cấp thông tin nghiệp vụ trong giao ban phối hợp, cùng cấp tư liệu và tư vấn theo yêu cầu. Trên thực tế, qua việc từng bước bồi dưỡng trình độ cho các anh chị em làm công tác chuyên trách Trưởng, Phó Ban KT-XH HĐND cấp huyện, đã phần nào giúp cho Ban KT-XH HĐND cấp huyện hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn.

ĐỐI VỚI HỌAT ĐỘNG THẨM TRA

Bài học thứ nhất: Trước khi lập báo cáo thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình trình kỳ họp, Ban HĐND nên tổ chức giám sát. Nội dung giám sát cần xoay vào việc làm rõ nội dung đề án, tờ trình mà Ban sẽ tiến hành thẩm tra.

Bài học này có được thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình thuộc lĩnh vực của Ban KT-NS. Tác dụng của phương pháp này là qua hoạt động giám sát đối với đơn vị chủ trì và các đơn vị phối hợp xây dựng dự thảo báo cáo, Ban KT-NS sẽ nắm bắt được cụ thể, chi tiết những vấn đề, nội dung cần thẩm tra mà không mất nhiều thời gian tìm hiểu thêm sau khi họp thẩm tra.

Bài học thứ hai: Cần xây dựng quan he phối hợp với cơ quan chủ trì dự thảo báo cáo, đề án và Văn phòng UBND tỉnh để sớm tiếp nhận, xem xét dự thảo báo cáo.

Tác dụng của việc này, trước hết, giúp Ban KT-NS không bị động về mặt thời gian hoạt động thẩm tra do báo cáo, đề án gửi chính thức về Ban thường rất gần ngày họp HĐND. Bên cạnh đó, Ban KT-NS có điều kiện để xem xét, góp ý và yêu cầu làm rõ trước khi tập thể có kết luận cuối cùng đối với báo cáo, đề án được thẩm tra.

Bài học thứ ba: Khi tổ chức họp thẩm tra, phải mời đại diện lãnh đạo đơn vị sẽ là người thụ hưởng, người chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi HĐND tỉnh quyết định.

Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giúp Ban nắm bắt được ý kiến của các đơn vị có liên quan để lập báo cáo thẩm tra sát thực và đúng đắn. Trên thực tế, đã xãy ra tình trạng, trong phiên họp Ban để thẩm tra đề án, tờ trình, sau khi đơn vị chủ trì dự thảo trình bày báo cáo, đại diện đơn vị phối hợp xây dựng báo cáo đã phát biểu ý kiến thể hiện việc không đồng tình với dự thảo đề án, mặc dù, trong bộ hồ sơ xây dựng báo cáo đã có ý kiến nhất trí của đơn vị này, Nguyên nhân là chưa có sự trao đổi, thống nhất ý kiến trong Ban lãnh đạo trước khi cho ý kiến để xây dựng dự thảo báo cáo, tờ trình.

 

Nói chung, trình tự hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban HĐND đã được quy định rất cụ thể trong Luật và các văn bản dưới Luật. Nhưng, thực tiễn họat động thì lại vô cùng sinh động, phong phú. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất thiết, không thể làm theo lối mòn, công thức, mà cần thường xuyên tự xem xét lại phương pháp họat động của mình để từng bước cải tiến, đổi mới hoạt động. Có như vậy thì mới mong đáp ứng được yêu cầu công việc với chất lượng hoạt động ngày càng cao hơn. Ngày đầu năm, nhìn lại những việc làm, đúc kết thành một số kinh nghiệm và trình bày ra đây với mong muốn đọc giả sẽ xem xét và nếu được sự quan tâm trao đổi, chắc chắn rằng, Ban KT-NS sẽ có thêm nhiều cách làm hay và sẽ thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. Mong lắm thay.

Nguyễn Thị Tuyết Nga