TRẺ EM BỊ XÂM HẠI-NỖI ĐAU CỦA XÃ HỘI

Đăng ngày: 15/08/2011
Cuối năm 2000, tình hình về trẻ em nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm như: trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị xâm hại, trẻ sử dụng ma túy, trẻ lang thang cơ nhỡ…ngày càng tăng, trẻ em bị suy dinh dưỡng vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Trẻ em như búp trên cành
Từ 2001 đến 2005, trên địa bàn tỉnh xảy ra 233 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 230 vụ đã được điều tra làm rõ, xử lý 277 đối tượng trong đó đã lập hồ sơ đề nghị truy tố đối với 242 đối tượng, số còn lại đã xử  phạt hành chính. Tình hình xâm hại tính mạng trẻ em đều có xảy ra từ 1 đến 3 vụ mỗi năm, riêng năm 2005 không có xảy ra vụ nào. Tình hình xâm hại sức khỏe trẻ em cũng xảy ra từ 1 đến 4 vụ mỗi năm, riêng năm 2005 tăng lên đến 22 vụ. Trẻ bị tai nạn, thương tích xảy ra trung bình mỗi năm có khoảng 158 em. Như vậy là tình hình trẻ bị xâm hại và bị tai nạn, thương tích còn nhiều và số lượng trồi sụt thất thường, khó kiểm soát.

Tình hình trẻ em vi phạm pháp luật cũng diễn biến phức tạp không kém. Từ  năm 2001 đến 2005, trên địa bàn tỉnh có 929 em vi phạm pháp luật trên tổng số 1.602 đối tượng là người chưa thành niên có hành vi làm trái pháp luật. Số trẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trẻ nghiện ma túy có chiều hướng giảm. Năm 2005 không có trẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và chưa phát hiện trường hợp trẻ em nghiện ma túy nào. Tuy nhiên, việc giảm số lượng tội phạm loại này trong một khoảng thời gian nhất định chưa khẳng định được khả năng kiểm soát của các cơ quan hữu quan, cũng chưa có bằng chứng gì về việc nhà nước có thể kìm chế sự gia tăng loại tội phạm này.

Quan tâm đến vấn đề trẻ em bị xâm hại và trẻ phạm tội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng đề án “ Đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên” ( gọi tắt là Đề án 4), Công an tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban chủ nhiệm đề án 4/ĐN và tiến hành triển khai đề án sâu rộng đến các địa phương trong tỉnh cùng phối hợp thực hiện. Đề án đã tiến hành điều tra cơ bản trên 171 phường, xã, thị trấn trên toàn tỉnh để tìm hiểu về các trẻ em lang thang bụi đời, trẻ có biểu hiện sinh hoạt không lành mạnh như sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, sử dụng ma túy, xem sách báo-tranh ảnh đồi trụy, trẻ em có hạnh kiểm kém thường xuyên bỏ học hoặc đi học mang theo dao, gậy, trẻ em sống trong gia đình khiếm khuyết về giáo dục… Ban chủ nhiệm đề án đã có các biện pháp hữu hiệu giải quyết tình hình một cách tức thời như chọn lọc một số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đã có hành vi vi phạm pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho các em giải quyết khó khăn trước mắt; ngăn chặn sự thâm nhập của các đồ chơi nguy hiểm, bạo lực ( súng, hộp đạn nổ, hộp pháo ném, máy đánh bạc bằng điện tử…); kiểm tra, phát hiện và thu hồi những văn hóa phẩm không lành mạnh, gây tác động xấu đến tâm sinh lý trẻ em ( băng hình sex, đĩa hình khiêu dâm, ảnh khỏa thân…). Sơ bộ đánh giá cho thấy Đề án 4/ĐN đã có tác dụng thiết thực kiểm soát tình hình trẻ em bị xâm hại cũng như các loại tội phạm trẻ em, thu thập được cơ sở dữ liệu là nguồn thông tin quý giá cho công tác đấu tranh phòng chống xâm hại trẻ em và các tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên. 

Việc các ngành chức năng quan tâm đến thế hệ trẻ đã được thể hiện rõ nét trong thời gian qua, tuy nhiên diễn biễn tình hình vẫn rất phức tạp và khó kiểm soát: việc quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến các loại phim ảnh, sách báo văn hóa phẩm đồi trụy có nội dung kích động dục vọng, có hành động bạo lực tiếp tục xâm nhập tràn lan vào thị trường đã tác động lên một số người có lối sống buông thả thích tìm cảm giác lạ, xem thường đạo lý và pháp luật, chạy theo bản năng, là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, nhất là tội xâm hại tình dục trẻ em. Đối với một số gia đình, có thể do thiếu thông tin hoặc thiếu quan tâm, cha mẹ lo đi làm, để trẻ em ở nhà một mình hoặc các em đến trường qua những khu vực vắng mà không có người lớn đưa đón nên đã bị bọn tội phạm lợi dụng.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục, tuyên truyền đạo đức cho các em ở nhà trường, gia đình và xã hội thực hiện còn mang tính sáo rỗng, chưa sinh động, chưa thu hút được các em. Một số khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa quan tâm đến giai đoạn dậy thì của các em, vì giai đoạn này có sự thay đổi mạnh về tâm sinh lý  nên các em dễ có tính hiếu kỳ để bắt chước, học đòi. Một số gia đình chỉ lo làm ăn tích lũy về kinh tế mà chưa thực sự  quan tâm đến sinh hoạt, học tập của con em mình, dẫn đến việc các em bị thu hút vào các hoạt động không lành mạnh mà gia đình không hay biết.

Khi một số tội phạm đã xảy ra rồi, nhưng do đặc điểm tâm lý của người Á Đông, một số bậc phụ huynh  sợ tai tiếng, mất thể diện, đã dấu kín sự việc con mình bị xâm hại tình dục. Để bảo vệ danh dự cho các em, các cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn không kém vì không thể đem tất cả các vụ án ra xét xử công khai, do đó công tác răn đe, giáo dục phòng ngừa chung còn rất hạn chế.

Không những vấn đề về xâm hại tình dục mà việc phát hiện, quản lý tội phạm về ma túy trẻ em cũng khá phức tạp do gia đình sợ mang tiếng ảnh hưởng đến uy tín, công việc làm ăn của cha mẹ, nhà trường sợ mất điểm trong việc xét thi đua khen thưởng nên khi phát hiện các em sử dụng chất ma túy thường không báo với cơ quan chức năng để có biện pháp phốihợp cai nghiện, quản lý giáo dục kịp thời.

Trẻ em như búp trên cành, là tương lai của mỗi gia đình, quyết định sự phát triển của xã hội. Chăm sóc toàn diện cho trẻ em đòi hỏi sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội nhằm giúp các em có thể phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh, để trở thành những công dân tốt cho xã hội.

Kim Chung