PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ DỊCH VỤ PHỤC VỤ KHU CÔNG NGHIỆP LÀ MỘT GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẦU TƯ TẠI ĐỒNG NAI

Đăng ngày: 15/08/2011
Đồng Nai có 17 khu công nghiệp ( KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập với tổng diện tích 5.100 ha.

Công ty Woosung Vina tại KCN Bàu Xéo
Hiện nay còn 15 KCN khác đang tiếp tục xin thành lập và 03 KCN xin đầu tư mở rộng. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực trên toàn tỉnh là 687 giấy phép, với số vốn đăng ký hơn 7.900 triệu USD. Trong đó có 580 giấy phép đầu tư trong các KCN với số vốn đăng ký hơn 6.700 triệu USD. Trong thời gian qua việc thu hút đầu tư chưa chú trọng đến chiều sâu, chưa có nhiều dự án có công nghệ kỹ thuật cao nên giá trị gia tăng chưa cao, năng suất lao động còn thấp. Hơn nữa việc phát triển đồng bộ dịch vụ phục vụ KCN chưa đúng mức, nhất là nhu cầu về nhà ở, y tế, văn hóa chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Trong quy hoạch các KCN sẽ ưu tiên hình thành các khu công nghệ cao tại địa bàn huyện Nhơn Trạch, KCN cơ khí điện tử tại Giang Điền (Trảng Bom)…

Đầu tư phát triển KCN phải gắn liền với việc quy hoạch phát triển đồng bộ khu dân cư, xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, đồng thời đầu tư phát triển đồng bộ dịch vụ phục vụ cho KCN với sự kết hợp của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Thực hiện công tác xã hội hóa trong việc tạo quỹ nhà để bán và cho thuê hay trả góp, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu du lịch, khách sạn… Phát triển phương tiện vận tải công cộng, xe đưa đón công nhân, xây dựng tổng kho trung chuyển, dịch vụ cảng theo quy hoạch. Tiếp tục đầu tư và nâng cao chất lượng các dịch vụ  khác như bưu chính viễn thông, điện, nước, dịch vụ tài chính, tín dụng, hình thành và phát triển thị trường công nghệ. Ngoài ra việc tăng cường cải tiến thủ tục hành chính một cách đồng bộ từ khâu giới thiệu địa điểm, cấp phép, chế độ thanh kiểm tra và các hoạt động quản lý sau giấy phép theo phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Các cơ quan hành chính tiến tới thực hiện tiêu chuẩn ISO trong quản lý hành chính công với việc tăng cường thực hiện tin học hóa trong quản lý.

Thực hiện phát triển nguồn nhân lực cũng là vấn đề cần chú trọng, trong đó phải quan tâm đến việc nâng cao trình độ dân trí và thể chất của người lao động thông qua phát triển giáo dục phổ thông; mạng lưới đào tạo ngắn hạn, nâng cao trình độ tay nghề cho lực lượng lao động tại chỗ, đặc biệt chú ý đến sự liên kết giữa người sử dụng lao động, các trường dạy nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm với Nhà nước nhằm năng cao chất lượng dạy nghề, tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu mà doanh nghiệp đang cần. Phát triển đồng bộ dịch vụ phục vụ KCN là một trong cac giải pháp nâng cao chất lượng đầu tư tại Đồng Nai.

Nguyễn Thị Phi