Vụ án mặc dù đã có phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm nhưng vẫn có những ý kiến khác nhau về hành vi của ông Đàm Quang Huynh : Có ý kiến đồng tình với phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, cho rằng hành vi của ông Huynh đã đủ yếu tố cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản”. Ngược lại, có ý kiến cho rằng, ông Huynh không phạm tội, hành vi của ông chỉ là tạo sức ép để đòi nợ mà thôi. Bản thân ông Huynh cũng có đơn kháng cáo kêu oan, đề nghị cấp phúc thẩm huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm vì ông cho rằng mình không phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Do đó, ngày 20/12/2005, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tiến hành xét xử phúc thẩm đối với vụ án trên. Sau một ngày làm việc căng thẳng, lắng nghe ý kiến tranh luận của các bên, lời khai của các nhân chứng và toàn bộ chứng cứ có tại hồ sơ vụ án , Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định bị cáo Đàm Quang Huynh phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
HĐXX phúc thẩm cho rằng : xuất phát từ nhận thức buộc ông Mạnh phải chịu chi phí di dời cột điện, đồng thời cho rằng ông Lưu Thế Mạnh đã có hành vi nhập hộ khẩu cho hộ Ngô Thuỳ Dung vào TP. Biên Hoà sai nguyên tắc nên bị cáo Đàm Quang Huynh đã có hành vi buộc ông Lưu Thế Mạnh phải đưa cho bị cáo số tiền 2 triệu đồng. Hành vi dùng thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần bị hại (Lưu Thế Mạnh) nhằm chiếm đoạt số tiền 2 triệu đồng đã hoàn thành vào thời điểm bị cáo đưa bản khai nhân khẩu mẫu NK1, bản photo hộ khẩu cho ông Manh và yêu cầu ông Mạnh phải đưa tiền. Ý thức chiếm đoạt của bị cáo còn thể hiện rõ ở việc : vào sáng ngày hôm sau, theo lời hẹn của bị hại, bị cáo đã đến nhà ông Mạnh lấy tiền. Như vậy, hành vi của bị cáo Đàm Quang Huynh đã phạm tội “cưỡng đoạt tài sản” như án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ mà không oan như nội dung kháng cáo của bị cáo đã nêu . HĐXX phúc thẩm đã bác bỏ lập luận của bị cáo cho rằng mục đích của mình chỉ yêu cầu ông Mạnh hỗ trợ chi phí di dời cột diện. Bởi lẽ, theo HĐXX, quyền sử dụng mạng lưới điện tại thời điểm này thuộc về gia đình bà Tuyết (chứ không phải ông Mạnh). Hơn nữa, trong việc hỗ trợ di dời cột điện này, bị cáo cũng thừa nhận chưa hề đặt vấn đề với ông Mạnh.
Tuy nhiên, do bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ (phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thuộc thành phần lao động, có hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, có con nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình, tài sản có giá trị không lớn và đã được trả lại cho bị hại) nên HĐXX phúc thẩm đã quyết định sửa bản án sơ thẩm : từ xử phạt bị cáo Đàm Quang Huynh 10 tháng tù giam sang hình thức phạt cảnh cáo để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.
Hồ Sĩ Tiến