TÌM HIỂU PHÁP LUẬT: THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DẠY NGHỀ ĐỐI VỚI HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ NỘI TRÚ

Đăng ngày: 15/08/2011
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg về chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú. Đối tượng là học sinh tốt nghiệp các trường Trung học cơ sở dân tộc nội trú và Trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi được cử tuyển học nghề nội trú, trong đó ưu tiên con em các dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn.

Hình thức tổ chức học nghề: Học nghề nội trú tại các cơ sở dạy nghề công lập có đủ điều kiện dạy nghề nội trú được áp dụng cho những nghề với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên.

Về chính sách: Học sinh học nghề thuộc đối tượng quy định trong thời gian học nghề theo hình thức quy định được hưởng học bổng, trợ cấp xã hội và các chính sách khác như học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú; Những học sinh học nghề thuộc đối tượng quy định không có điều kiện học nghề theo hình thức quy định tại quyết định này thì được học nghề theo chính sách dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn quy định tại Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg, ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ; Các cơ sở dạy nghề thực hiện dạy nghề cho đối tượng quy định này được cấp kinh phí thực hiện chính sách nội trú đối với học sinh học nghề và kinh phí dạy nghề. Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương đảm bảo từ nguồn kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề được giao hàng năm. Trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương niên độ 2005-2006, ngân sách Trung ương hỗ trợ dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú. Việc quản lý sử dụng, thanh quyết toán theo quy định hiện hành của Luật ngân sách Nhà nước.

Về tổ chức thực hiện:

1.Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Quy định mức chi phí dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện của địa phương; Xây dựng kế hoạch dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú, cân đối ngân sách hàng năm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; Lựa chọn nghề đào tạo và giao nhiệm vụ cho một số cơ sở có đủ điều kiện dạy nghề nội trú học sinh dân tộc thiểu số; Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện ở địa phương, đảm bảo chính sách được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng; Báo cáo định kỳ các cơ quan liên quan theo quy định hiện hành.

2. Bộ Lao động- thương binh và xã hội hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, tổng hợp kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú.

3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch, dự toán ngân sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú, trình Chính phủ giao kế hoạch và dự toán ngân sách cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguyễn Thị Phi