Thực tế, các Công ty, tập đoàn lớn luôn coi giá trị nhãn hiệu hàng hóa là quan trọng, quyết định nhất, là vốn có giá trị lớn. Đơn cử giá trị nhãn hiệu hàng hoá năm 2004 của Coca –Cola là 67,394 tỷ USD, Microsoft Windows là 61,372 tỷ USD, IBM là 53,791 tỷ USD.
Nhãn hiệu hàng hoá là tài sản vô hình và trong nền kinh tế tri thức ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu vốn. Ở các doanh nghiệp Hoa Kỳ từ 38% (1982) lên 70% (2000). Tỷ lệ giá trị tài sản vô hình của một số công ty như Yahoo chiếm 98,9%, của Microsoft là 97,8%, của Johnson & Johnson là 87,9%, ngay như Việt Nam chúng ta cũng đã có nhưng thương hiệu được chuyển nhượng như nhãn hiệu kem đáng răng P/S, Dạ Lan …
Thực tế trong cuộc sống, người dân cũng đã nhận thức rõ điều đó nên không ít người bán thường khoác cho hàng hóa của mình những thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng để có lợi. Như vào dịp Tết chúng ta thường được mời mua dưa hấu Gò Công, mặc dù có khi không phải xuất xứ như vậy. Ở Biên Hòa, khi tặng quà Tết mang đậm tình quê hương thường chọn cặp bưởi nhưng phải là bưởi Tân Triều mới quý.
Theo GS.TS.Đỗ Tất Lợi, trong dịch ép múi bưởi có khỏang 9% acid xitric, 14% đường. Ngòai ra còn Lycopin, các men Amylaza, Pyroxydaza,Vitamine C, A và B1. Dịch ép múi bưởi dùng làm thuốc chữa đái tháo, thieu Vitamine C. Ngòai ra: nước ép hoa bưởi còn dùng trong chế biến thực phẩm, làm thơm thức ăn, bánh trái; vỏ hạt bưởi dùng làm thuốc cầm máu; vỏ quả bưởi dùng làm nem chay, nấu chè, chữa ăn uống không tiêu, đau bụng, ho; lá bưởi tươi để nấu xông chữa cảm cúm, nhức đầu.
Bưởi là cây ăn quả dễ trồng, quả có giá cao, dễ bảo quản và tiêu thụ. Là loại cây trồng có tuổi thọ cao, chu kỳ khai thác kinh doanh kéo dài hàng chục năm, đã trở thành một trong những cây chủ yếu được chọn để phát triển ở Đồng Nai
Điều quan trọng hơn hết là quả bưởi được tiêu thụ mạnh ở trong nước và có tiềm năng xuất khẩu. Nông dân được lợi nhuận cao gấp 2-3 lần (100 triệu đong/ha) so với trồng cây ăn trái khác như xoài, chôm chôm, nhãn. Ngoài lợi ích kinh tế, trồng bưởi còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, thu hút du lịch sinh thái cho địa phương.
|
Giám đốc doanh nghiệp Quê hương tại gian hàng giới thiệu sản phẩm bưởi Tân Triều tại Hội chợ |
Cây bưởi là cây ăn quả thuộc nhóm có múi được trồng phổ biến và lâu đời tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, với những vùng trồng bưởi nổi tiếng như Tân Triều. Theo kết quả điều tra, khảo sát tập đoàn giống bưởi tại Biên Hòa do Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ thực hiên năm 2003 thì đã ghi nhận được 25 giống bưởi, trong đó có 14 giống trồng phổ biến, nhiều nhất là bưởi Đường lá cam, bưởi Thanh trà, bưởi Đường da láng. Bưởi Biên Hòa nổi tiếng về chất lượng được mô tả qua thơ ca và được lưu truyền qua nhiều thế hệ, bưởi được trồng tại các xã ven sông Đồng Nai từ xã Hiệp Hòa thuộc thành phố Biên Hòa đến các xã ven sông Đồng Nai thuộc đia phận huyện Vĩnh Cửu. Với ưu thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn nước, đất đai màu mỡ, huyện Vĩnh Cửu từ lâu đã nổi tiếng với những vườn bưởi, nghề trồng bưởi, sản xuất và cung cấp nhiều giống bưởi ngon được thị trường ưa chuộng.
Nhận thức được giá trị của thương hiệu bưởi Tân Triều-Biên Hòa nên, trong thời gian huyện Vĩnh Cửu qua đã có những hoạt động để xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu thông qua những chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, qui hoạch, những dư án, công trình nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao vai trò, uy tín của giống bưởi đặc sản này như:
- Quy hoạch phát triển vùng bưởi Vĩnh Cửu đến năm 2010 là 1.000 ha (hiện nay mới hơn 400 ha) tập trung tại 6 xã: Tân Bình 450 ha, Bình Lợi 200 ha, Bình Hòa 150 ha, Thiện Tân 100 ha, Tân An 70 ha và Trị An 30 ha.
- Thực hiện đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống bưởi có triển vọng và biện pháp thâm canh nâng cao hiệu quả vườn bưởi Biên Hòa- Đồng Nai “ do Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ thực hiện từ năm 1999-2003; qua đó nông dân được tập huấn , chuyển giao, khuyến cáo sử dụng giống tốt, phương pháp canh tác tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng và đem lại hiệu quả cao hơn.
- Cuối năm 2004 Trung tâm lại tiếp tục thực hiện đề tài “Chọn giống bưởi Đường lá cam ít hạt, phục tráng giống bưởi ổi và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi, kết hợp du lịch sinh thái vườn tại vùng bưởi Biên Hòa, Đồng Nai”. Dự kiến tháng 3/2008 đề tài hoàn tất
- Đầu năm 2006 Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai thực hiện đề tài “Hỗ trợ phát triển vùng trồng bưởi đặc sản tại huyện Vĩnh Cửu Đồng Nai giai đoạn 2006-2009”.
- Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã thành lập phòng nuôi cấy mô và đã cung cấp từ năm 2003- 2004 cho huyện Vĩnh Cửu 5.000 cây bưởi giống tốt, sạch bệnh.
- Khuyến nông của tỉnh và huyện đã có những hoạt động chuyển giao tiến bộ cho nông dân một cách thường xuyên.
Qua các họat động trên nhiều vườn bưởi được trồng mới với giống tốt cùng với kỹ thuật canh tác tiên tiến, chất lượng giống bưởi trên địa bàn huyện đang dần được nâng cao.
Ngay cả doanh nghiệp Đồng Nai cũng đã quan tâm để xây dựng thương hiệu bưởi Tân Triều. Doanh nghiệp tư nhân Quê Hương đã có địa điểm bán hàng cố định tại chợ Biên Hòa, xây dựng hệ thống bảo quản bưởi và từng bước xây dựng thương hiệu.
Địa danh “ Tân Triều-Biên Hòa” gắn với sản phẩm bưởi từ lâu đã là tài sản chung của tỉnh Đồng Nai. Chính vì vậy năm 2004, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Sở KH&CN đã hỗ trợ Hội Làm vườn huyện Vĩnh Cửu đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi trong đó có địa danh Tân Triều, Biên Hòa. Do đó UBND tỉnh không chấp thuận, không cấp phép sử dụng tên địa danh Tân Triều, Biên Hòa như nhãn hiệu hàng hóa (NHHH) hay yếu tố cấu thành NHHH cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào để nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
|
|
Bưởi làmón quà biếu đầy ý nghĩa trong dịp Tết nguyên đán | |
Sở đã xây dựng và đang hoàn chỉnh website cho bưởi Tân Triều. Để cung cấp thông tin khoa học công nghệ cho nông dân một cách thuận lợi, kịp thời và hiệu quả Sở KH&CN đã hỗ trợ khánh thành điểm thông tin KH&CN vào cuối năm 2004 tại xã Tân Bình, nơi có diện tích trồng bưởi nhiều nhất huyện Vĩnh Cửu, tại đây nông dân có thể tìm hiểu các phim, các quy trình, các kỹ thuật nuôi trồng, các mô hình nông nghiệp nông thôn hiện đại…và giới thiệu các hoạt động của xã qua website xã Tân Bình, đồng thời có thể truy cập tìm hiểu thông tin KH&CN qua mạng internet. Qua hoạt động của điểm thông tin, Sở KH&CN muốn giới thiệu và đưa công nghệ thông tin đến tiếp cận với nông dân, từng bước xây dựng nông thôn hiện đại hướng đến CNH, HĐH.
Những việc làm đã qua, mặc dù đã thể hiện sự cố gắng của các ngành, các cấp nhất là nông dân và doanh nghiệp trong việc củng cố và từng bước nâng cao uy tín bưởi Tân Triều. Tuy nhiên, cần phải đẩy mạnh hơn nữa các họat động để có những bước đi vững chắc cho chiến lược thương hiệu. Hơn ai hết nông dân huyện Vĩnh Cửu cần nhận thức rõ trách nhiệm và vai trò của mình trong việc bảo vệ và phát triển tài sản vô hình la Nhãn hiệu hàng hóa ( NHHH) tập thể bưởi Tân Triều- Biên Hòa (nhờ đó mà nông dân vùng bưởi huyện Vĩnh Cửu có lợi nhuận cao hơn nông dân vùng trồng bưởi khác) bằng các hành động thiết thực trong canh tác để không ngừng nâng cao chất lượng bưởi; kiên quyết không dán nhãn những sản phẩm không đạt chuẩn; nhanh chóng sử dụng nhãn trên bưởi khi đưa ra thị trường; thiết lập hệ thống bán hàng uy tín tại những nơi tập trung đông dân, những chơ đầu mối, những siêu thị. Hội làm vườn huyện Vĩnh Cửu có bộ máy kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu để đảm bảo thực hiện tốt Quy chế sử dụng NHHH tập thể. Điểm thông tin khoa học và công nghệ xã cần tăng cường hoạt động, gắn với Hội làm vườn, Trung tâm Học tập cộng đồng và thông tin tuyên truyền xã để kịp thời có thông tin hai chiều nhằm xây dựng làng xã du lịch sinh thái kiểu mẫu văn minh gắn với thương hiệu bưởi đặc sản. Sở Khoa học va Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND huyện Vĩnh Cửu đề xuất những giải pháp để phát triển nhanh vùng bưởi đăc sản theo quy họach và đảm bảo được tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã đẹp, bảo quản lau…Sở Thương mại Du lịch hỗ trợ về bao bì, về tiếp thị…để bưởi Tân Triều sớm có mặt trên thị trường quốc tế.
Nguyễn Thị Huệ
PGĐ Sở KKH&CN Đồng Nai