DÙNG KẾ BẮT BÒ

Đăng ngày: 15/08/2011
Vào thời kỳ 1951, có anh đội viên du kích huyện đội Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa đã dùng mưu bắt đàn bò gần 30 con của địch, chuyện khá ly kỳ như sau:

Đại tá-AHLLVTND Trần Công An ( Hai Cà)
Thời đó, ở gần bót Vàm Giá trên quốc lộ 14, thuộc xã Phước Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Bình Dương), có một cái trảng rất lớn, dân thường gọi là trảng Bàu Trư, cỏ tốt bời bời. Dựa vào địa thế này, một số tên quan lại địa phương kết hợp với những tên chỉ huy có máu mặt các đơn vị quân ngụy đóng bốt lân cận, sai lính chăn thả cho chúng một đàn bò ước tính những trên hai trăm con. Nhờ sẵn nguồn thức ăn tự nhiên nên đàn bò con nào cũng béo mập, trông thật hấp dẫn. Khốn một nỗi, bò chăn thả tự nhiên, chỉ quen với mấy tên lính trực tiếp hàng ngày, còn người lạ thì khó mà tiếp cận, chỉ nghe hơi đã đua nhau chạy thật xa như phát hiện được mùi hổ vậy, nên muốn lén bắt một vài con để về cải thiện cho đơn vị cũng không dễ, bởi nó thường đi theo đàn lại ăn giữa trảng trống.

Qua những lần lập mưu kế để “chộp” mà chưa thành, còn dùng súng bắn thì quá đơn giản, nhưng sau đó thì không dễ thoát thân vì tụi lính chăn bò đều có súng tự vệ, mình làm sao có đủ thời gian để lấy đi con vật vừa to vừa nặng?

Nghĩ mãi, nghĩ mãi rồi thì “ cái khó cũng ló cái khôn”. Trâu bò đàn thường có con dẫn đầu để chỉ huy, ta gọi nôm na là con trâu đầu đàn ấy. Nếu tóm được con này, thì không chỉ một chú mà biết đâu cả chục, cả trăm con đi theo cũng nên. Nghĩ tới đây, anh lấy làm phấn chấn rồi bàn với hai người cùng đi là Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung đều hết sức đồng tình. Thế rồi họ tìm gặp mấy ông nông dân hiền lành chất phác hỏi dò thêm, họ đều cho mình biết như  thế là đúng, chắc ăn. Mà nhận biết con đầu đàn không mấy khó khăn, bởi nó thường xuyên bị xỏ mũi và có đoạn dây thừng trước trán. Cái khó là tiếp cận làm sao để tóm được nó, vì con đầu đàn thường tinh khôn. Nhưng rồi các anh lựa chiều, nhân lúc chúng đua nhau xuống một khúc suối hẻo lánh để uống nước, lại khuất xa mấy tên lính, bất ngờ cả ba xông vào khống chế rồi dùng dây thừng đã thủ sẵn buộc chặt mũi dong đi. Quả đúng như phán đoán: con đầu đàn đi rồi, cả một lũ nối tiếp khá đông, ngoan ngoãn theo sau thật nhẹ nhàng, ngoài cả sức tưởng tượng.

Nhác trông thấy đàn bò lũ lượt kéo nhau vào rừng, tụi lính chăn bò thấy khả nghi bèn bắn súng báo động, nhưng không dám đuổi theo vì sợ bị ta phục kích chết bỏ mạng. Nghe tiếng súng, số con đi sau quay trở lại, còn đám trước vẫn ngoan ngoãn theo con đầu đàn. Khi đến vị trí khá an toàn, các anh dừng lại nghỉ chân và cho bò xả hơi, lần lượt đếm được hơn ba chục con vừa lớn, vừa bé, đa phần là bò tơ, mừng hết biết. Về tới nơi giao lại cho Ban hậu cần Tỉnh đội Biên Hòa tuyển lựa những con to khỏe có khả năng phát triển, tặng lại cho dân nghèo dùng kéo cày hoặc nuôi sinh sản. Số còn lại, phân cho cơ quan, đơn vị cả quân sự và dân chính mỗi nơi ít con để giết mổ làm thực phẩm cải thiện đời sống. Rồi còn dắt mấy con sang tặng cho cơ quan Bộ tư  lệnh Quân Khu 7. Cái tết năm ấy (1951), nhờ có nguồn thịt bò nên tới đâu cũng tổ chức sôi nổi, xôm tụ thật là vui và đầy ấn tượng.

Kể từ khi bị mất khá đậm số bò ấy, địch đâm ra cảnh giác đề phòng chặt chẽ hơn nên ta không còn cơ hội để làm.

Câu chuyện hy hữu ấy diễn ra cách nay ngót 55 năm, anh cán bộ mưu trí ngày đó nay đã là ông già 86 tuổi đời, hơn 55 tuổi Đảng. Đó là Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An, tự Hai Cà.

     Nguyễn Quốc Hoàn