Theo ông Nguyễn Phi Hùng, phó Giám đốc Công an tỉnh, với điều kiện địa lý là một tỉnh có Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20 ngang qua, hệ thống giao thông chằng chịt nối liền với nhiều tỉnh; dân nhập cư nhiều, bên cạnh đó Đồng Nai lại là một địa bàn tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh – nơi mà tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp - do đó tổng số án hàng năm của Đồng Nai nhiều trong khi lực lượng Công an Đồng Nai so với các địa phương khác không được phân bổ nhiều hơn. Có hiện tượng đối tượng là người địa phương khác đến Đồng Nai gây án theo kiểu di động: Sáng đến Đồng Nai gây án, chiều về lại địa phuơng cư trú do đó việc nắm bắt và quản lý đối tượng gặp nhiều khó khăn. Điều kiện vật chất, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn ở hầu hết các phòng chuyên nôn nghiệp vụ. Hệ thống các văn bản áp dụng còn nhiều bất cập và thiếu văn bản hướng dẫn cũng là những khó khăn không nhỏ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ công an, Đồng Nai là một đơn vị hoạt động ổn định, hoạt động có cố gắng, nỗ lực. Trong năm 2005 đã kiểm soát được tình hình án, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh hoạt động điều tra. Mặc dù tổng số án tăng so với năm 20004 nhưng một số loại án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra. Các vụ trộm cắp chiếm tỷ lệ chủ yếu (78%) trên tổng số phạm pháp hình sự. Tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến nhất định nhưng còn phức tạp, số vụ việc tai nạn giao thông cả về đường bộ và đường thủy đều giảm nhưng số người chết tăng so với năm 2004. Thực hiện mô hình mới theo pháp lệnh điều tra hình sự, đến nay hoạt động điều tra đã đi vào nề nếp, ổn định, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm do có sự thuận lợi giữa trinh sát, điều tra và sự phối hợp với các ngành, các phong trào quần chúng. Về tội phạm liên quan đến ma túy, Đồng Nai không phải là nơi sản xuất, đầu mối tiêu thụ loại hàng hóa đặc biệt nguy hiểm này.
Đối với các cơ quan Công an cấp huyện, hiện nay Thành phố Biên Hòa là đơn vị được tăng thẩm quyền điều tra do đó lượng án chủ yếu là án hình sự cũng tăng theo trong khi số điều tra viên tăng không đủ so với yêu cầu nhiệm vụ. Có thời điểm một điều tra viên thụ lý từ 35 đến 40 vụ, cơ sở giam giữ tại Công an thành phố không đủ đáp ứng. Trong thời gian tới, Ban Giám đốc Công an tỉnh sẽ tiếp tục xem xét điều chuyển điều tra viên cho thành phố Biên Hòa mặt khác sẽ kiến nghị Bộ Công an tăng quy mô, đầu tư kinh phí cho nhà tạm giữ.
Giám sát tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cho thấy Viện kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, có những biện pháp tích cực nâng cao chất lượng khởi tố, điều tra nên tiến độ và chất lượng hồ sơ giải quyết ngày càng được nâng lên. Chất lượng và hiệu quả công tác thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử tại phiên tòa hình sự được thực hiện nghiêm túc. Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu kỹ hồ sơ hình sự, chủ động trong xét hỏi, thẩm vấn làm sáng tỏ những tình tiết khách quan của vụ án. Phối hợp chặt chẽ với Tòa án để tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động đã có tác dụng thiết thực trong việc giáo dục ý thức pháp luật, răn đe và phòng ngừa tội phạm trong nhân dân. Trong năm 2005, không xảy ra tình trạng đình chỉ vụ án sai, bắt tạm giam oan. Số vụ việc Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để yêu cầu điều tra bổ sung giảm so với năm 2004 (giảm 30 vụ). Những kết quả nêu trên cho thấy chất lượng hoạt động của Viện kiểm sát ngày càng được nâng lên. Quá trình kiểm sát, khi phát hiện có vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng, Viện kiểm sát đã kháng nghị hoặc báo cáo đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị kịp thời đảm bảo tính đúng đắn và chỉ tuân theo pháp luật của bản án, quyết định.
Tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ công tác của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh còn bộc lộ những hạn chế như: công tác kiểm sát việc xử lý tin báo về tội phạm đối với cơ quan điều tra còn hạn chế, chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong khối Nội chính để thu thập các tin báo về tội phạm. Công tác kiểm sát hoạt động điều tra còn nhiều hạn chế, chưa kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên việc trả hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung mặc dù có chuyển biến nhưng vẫn còn cao. Việc trả hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung dẫn đến việc phải kéo dài thời gian giải quyết vụ án, thời gian giam giữ (nếu bị cáo bị tạm giam), trong khi đó tình trạng quá tải của các trại tạm giam, nhà tạm giữ chưa có hướng khắc phục.
Tại Tòa án nhân dân tỉnh, Đoàn giám sát cũng đã ghi nhận chất lượng xét xử của Tòa án đạt kết quả cao góp phần tích cực vào công cuộc ngăn ngừa, phòng chống tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh. Mặt dù thực tế còn gặp nhiều khó khăn như: đội ngũ thẩm phán vẫn thiếu so với biên chế được phân bổ, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ hoạt động . . . nhưng cán bộ công chức ngành Toà án nói chung và thẩm phán đã có nhiều cố gắng để giải quyết số án tăng 169 vụ, kết quả xét xử các loại án đạt tỷ lệ cao từ 90% trở lên; kết quả xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm cao, như kinh tế, hành chính giữ nguyên án sơ thẩm 100%; và toàn ngành phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về xét xử trong năm 2005. Bên cạnh công tác xét xử Toà án nhân dân tỉnh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp như: Công tác tổ chức ổn định, từng bước được kiện toàn , giữ vững đoàn kết nội bộ , ý thức chấp hành và tinh thần tự giác phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được nâng lên; bảo đảm việc tranh tụng tại phiên toà, củng cố tính uy nghiêm . . . góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết án và chất lượng xét xử ngày càng tốt hơn. Ngoài nhiệm vụ xét xử, Tòa án tỉnh và huyện cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật thông qua hình thức tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra vụ án, góp phần ngăn ngừa phòng chống tội phạm.
Mặc dù có được những kết quả như trên, hoạt động của Tòa án nhân dân tỉnh cũng không tránh khỏi những hạn chế: Án bị cấp phúc thẩm huỷ, cải sửa, còn khá cao; số án quá hạn luật định chưa xét xử vẫn còn; án văn chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân còn chậm so với thời gian quy định; đặc biệt là số phạm nhân bị TAND tuyên án phạt tù còn tại ngoại nhiều (173 người), nguy hiểm hơn trong số đó có 40 phạm nhân đang bị bệnh AIDS, một số phạm các tội nguy hiểm như: giết người, cướp và trộm cắp tài sản, chứa mại dâm, tổ chức đánh bạc, tiêu thụ và vận chuyển hàng cấm, cố ý gây thương tích . . . có mức án phạt tù từ 04 năm trở lên, có trường hợp 8 – 9 năm tù.
Nhìn chung hoạt động của các cơ quan Tư pháp trong năm qua đều có những chuyển biến tích cực, đạt được những thành tích đáng khích lệ. Công tác phối kết hợp giữa ba ngành được tiến hành đồng bộ, nhịp nhàng, đã xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động và duy trì các cuộc họp định kỳ ba ngành để trao đổi và thống nhất trong hoạt động trên tinh thần tuân theo các quy định của pháp luật.
Đối với những khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế đã được làm rõ qua giám sát, Đoàn đã có những kiến nghị với UBND tỉnh trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp theo thẩm quyền đồng thời đề nghị các cơ quan cần có giải pháp chủ động khắc phục và kịp thời báo cáo với cơ quan chủ quản cấp trên để có hướng tháo gỡ, giải quyết để trong năm 2006, hoạt động của các cơ quan Tư pháp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành công hơn nữa