Một cửa hay một điểm ?

Đăng ngày: 15/08/2011
Vấn đề này nên được hiểu đúng bản chất của mối quan hệ giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân. Ngày 04 tháng 9 năm 2003 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “ một cửa” tại cơ quan nhà nước ở địa phương.

 Qua 2 năm thực hiện đã được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, tạo được bước chuyển căn bản trong quan hệ giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân; giảm phiền hà cho tổ chức, công dân; chống tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền của cán bộ, công chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

“Một cửa” là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước từ tiếp nhận hồ sơ đến trả kết quả thông qua một đầu mối là “ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”; bảo đảm giải quyết công việc đúng pháp luật, nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức, công dân.

Như vậy, giải quyết yêu cầu của tổ chức, công dân trên từng lĩnh vực: đất đai, tư pháp, đăng ký kinh doanh, chính sách xã hội, đầu tư, xây dựng…theo cơ chế “một cửa” tức là tổ chức, công dân đến bộ phận nào tiếp nhận hồ sơ thì chính bộ phận đó phải trả lại kết quả cho tổ chức, công dân.

Hiện nay ở một số địa phương, tùy theo lĩnh vực và điều kiện cơ sở vật chất đã tổ chức một điểm hoặc một số điểm làm việc của bộ phận “ tiếp nhận và trả kết quả” vừa thuận tiện cho đân vừa bảo đảm tính “một cửa”. Nếu tập trung lại một điểm giải quyết nhiều lĩnh vực mà kéo dài thời gian, bất tiện cho dân là trái với tinh thần “một cửa”.

Cơ chế “một cửa” là một trong những giải pháp góp phần thực hiện thành công chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp huyện và cấp xã.

Thông qua” một cửa”, những cải tiến thường được đề cập đến là việc cung cấp nhanh hơn và công bằng hơn các dịch vụ thủ tục hành chính, các quy trình của thủ tục hành chính trở nên minh bạch hơn và nâng cao khả năng tiếp thu của các cơ quan hành chính nhà nước đối với các kiến nghị, góp ý giải quyết các dịch vụ của công dân.

Chúng ta không đồng nhất “một cửa” với một điểm, thực hiện cơ chế “một cửa” ở một điểm hoặc một số điểm theo từng lĩnh vực giải quyết công việc của tổ chức, công dân. Phải luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Nguyễn Long Hoàng

Bộ Nội Vụ-CQTT tại Tp.HCM